Nhà đầu tư “tố” Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô chiếm dụng vốn

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:02, 08/04/2019

Nhiều nhà đầu tư bức xúc phản ánh việc đã quá hạn nhưng phía chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) không thực hiện cam kết. Những người này cho rằng, Công ty Thành Đô đang cố tình chiếm dụng vốn.

Theo trình bày của ông Võ Anh T. (SN 1981, trú TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), một trong số những “nạn nhân” của Công ty Thành Đô: Tháng 11 năm 2017 ông với Công ty Thành Đô, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng ký thỏa thuận đặt mua (TTĐM) căn hộ tòa nhà khách sạn số W-5A24 tòa Coco Wonderland Resort-MN.

Căn cứ theo TTĐM đã ký kết số 493/2017/TTĐM/Coco Wonderland Resort-MN ngày 16/11/2017, giữa Công ty Thành Đô và cá nhân ông T. thì đến ngày 30/3/2018 sẽ ký hợp đồng mua bán (HĐMB). Tuy nhiên, quá thời gian trên phía Công ty Thành Đô đã không thực hiện được cam kết theo tiến độ nên ông T. đã có đơn đề nghị thanh lý TTĐM.  Theo đó, ông T. đã 3 lần gửi đề nghị Công ty Thành Đô thanh lý TTĐM, cụ thể vào các ngày 5/11/2018; 3/12/2018 và 18/12/2018.

Ngày 19/12/2018, chủ đầu tư có phản hồi email cho ông T. với nội dung: “Đề xuất thanh lý căn W-5A24 của quý khách chưa được lãnh đạo công ty phê duyệt. Trường hợp quý khách không tiếp tục ký HĐMB, Chủ đầu tư đồng ý ký Biên bản thanh lý, tuy nhiên kể từ ngày bán được cho bên thứ 3, chúng tôi sẽ tiến hành hoàn trả tiền cho quý khách...”.

Ông T. vẫn giữ nguyên quan điểm, yêu cầu phía Công ty Thành Đô thanh lý TTĐM, không ký HĐMB. “Tôi chưa ký HĐMB mà chỉ mới ký TTĐM, tiền đặt cọc là tự nguyện của nhà đầu tư và chủ đầu tư đã vi phạm thời gian, hết thời hạn quy định. Hơn nữa, trong TTĐM không có điều khoản nào quy định phải đợi đến khi bên thứ 3 mua thì tôi mới được rút lại tiền cọc. Như vậy là chủ đầu tư đang cố tình chiếm dụng vốn của tôi một cách phi pháp. Đề nghị chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật và theo TTĐM đã ký kết...”, ông T. bức xúc. Cũng theo ông T. từ đó đến nay, chủ đầu tư không liên lạc và trả lời cho ông theo các nội dung mà ông đề xuất một cách thỏa đáng.

Nhà đầu tư “tố” Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô chiếm dụng vốn

Nhiều nhà đầu tư tố Công ty Thành Đô chiếm dụng vốn.

Cùng chung “số phận” như ông T. các nhà đầu tư ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã lên lạc với PV, trình bày họ đang rơi vào tình trạng khốn khó. Có nhiều người để có tiền ký TTĐM đã vay tiền ngân hàng, đến nay có người rơi vào tình trạng nợ xấu. Họ nhiều lần liên lạc với phía công ty nhưng không thể kết nối người có trách nhiệm giải quyết, trường hợp liên lạc được thì nhận được câu trả lời chung chung theo kiểu “chờ bán được căn hộ mới thanh toán”. Những nhà đầu tư này đều cho rằng lý do “chờ bán được cho người thứ ba” mà chủ đầu tư đưa ra là hết sức vô lý, không thể chấp nhận.

Để có cái nhìn đa chiều, PV đã nhiều lần liên hệ qua số máy bàn của Công ty Thành Đô tại TP Đà Nẵng và một số máy cá nhân để đăng ký làm việc, tuy nhiên sau nhiều lần “chuyển máy” của nhân viên, PV vẫn chỉ nhận được... tiếng chuông chờ máy.

Theo hồ sơ tài liệu thể hiện, theo khoản 4.2, Điều 4 “Xử lý tiền đặt mua” của TTĐM nêu rõ: “Trường hợp Bên A (Công ty Thành Đô) không thực hiện việc ký kết HĐMB căn hộ với bên B mà không phải do lỗ bên B, thì bên A có trách nhiệm hoàn trả cho bên B toàn bộ số tiền đặt mua mà bên B đã thực hiện thanh toán cho bên A, đồng thời bên A phải chịu phạt một khoản tiền bằng 100% số tiền đặt mua đã được thanh toán trước đó...”.

Như vậy, xuất phát từ việc chậm trễ thực hiện theo cam kết của chủ đầu tư nên các nhà đầu tư “tố” Công ty Thành Đô chiếm dụng vốn, hay nói cách khác công ty này đang huy động vốn trái phép có đúng hay không? PV đã tìm hiểu và tham khảo một số ý kiến từ các chuyên gia, luật sư hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và được biết, luật không cho phép chủ đầu tư ký hợp đồng đặt cọc với các nhân, tổ chức (trong trường hợp này là TTĐM) nhằm huy động vốn xây dựng dự án mục đích được ưu tiên đăng ký hoặc hưởng quyền mua nhà ở trong tương lai.

Vì vậy, việc ký TTĐM để giữ chỗ ký HĐMB nhà ở hình thành trong tương lai là vi phạm pháp luật chứ không phải lách luật. Câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng trong trường hợp này chủ đầu vì “khát vốn” nên ký TTĐM và huy động vốn trái phép từ khách hàng?. Cũng theo ý kiến luật sư, các nhà đầu tư cần xem xét bản TTĐM vì nó có rất nhiều điều khoản ràng buộc, mang tính áp đặt, thậm chí có thể gặp rủi ro từ thỏa thuận này.

Nhà đầu tư “tố” Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô chiếm dụng vốn

Thông báo thời gian ký HĐMB tòa nhà Coco Wonderland Resort của Cty Thành Đô gửi khách hàng.

Thực tế, chủ đầu tư chậm thực hiện theo TTĐM khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc. Những cam kết, những thỏa thuận đã được chủ đầu tư đưa ra nhưng tình trạng “thiệt đơn thiệt kép” thì các nhà đầu tư vẫn đang phải chịu. Theo thông tin mới nhất mà PV nhận được, một số nhà đầu tư đã được Công ty Thành Đô mời đến giải quyết bằng cách đồng ý ký thanh lý TTĐM. Các điều khoản trong biên bản thanh lý thể hiện, đồng ý thanh lý nhưng sẽ trả tiền cho nhà đầu tư khi bán được cho bên thứ 3 hoặc đến tháng 12/2019 sẽ thanh toán, điều kiện nào đến sớm thì thực hiện. Cũng tại buổi ký biên bản thanh lý, phía Công ty Thành Đô thu toàn bộ bản gốc TTĐM, trong khi biên bản thanh lý thì chỉ nhà đầu tư ký trước, nhân viên của công ty sẽ trình lãnh đạo ký và gửi lại sau cho nhà đầu tư (!).

Mặc dù Công ty Thành Đô đã đưa ra hướng giải quyết nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn thấp thỏm lo ngại vì quá trình giải quyết thanh lý TTĐM họ vẫn chưa có gì chắc chắn trong tay, đặc biệt biên bản thanh lý vẫn phải... chờ, trong khi giấy tờ gốc TTĐM họ đã nộp. Chính vì sự chậm trễ, không thực hiện đúng cam kết của Công ty Thành Đô, khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng chủ đầu tư đang huy động vốn của khách hàng từ những TTĐM nhằm lấp đi năng lực tài chính của mình?.

Trang Trần