Lộ diện 5 vị trí khai thác gỗ trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn- Ngổ Luông
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 08:09, 27/03/2019
Kết quả kiểm tra tại khu vực Thung Đống Chơ (xóm Trên, xã Tự Do) tại tiểu khu 217, khoảng 5, lô 9 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt mà báo Công lý đã phản ánh có nhiều vị trí khai thác gỗ.
Cụ thể, vị trí 1, cách điểm xuất phát dưới chân núi khoảng 550m phát hiện 1 cây đã cắt hạ, chiều dài thân cây 10m, đường kính gốc cây 50cm, đường kính ngọn tại điểm phân cành là 30cm (khối lượng 1,24m3). Gỗ chò nhai, thân cậy bị rỗng ruột, đối tượng bỏ lại nguyên vẹn tại hiện trường.
Phát hiện nhiều vị trí khai thác gỗ trái phép tại khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông
Vị trí 2, cách điểm xuất phát khoảng 580m phát hiện 1 gốc cây đã bị cắt hạ, đường kình gốc 90cm, đường kính ngọn tại điểm phân cành là 70cm. Gỗ chò nhai, thân gỗ đã bị xẻ và vận chuyển ra khỏi rừng. Tại hiện trường chỉ còn lại bìa bắp.
Vị trí 3 cách vị trí 2 khoảng 100m, phát hiện 1 gốc cây đã bị cắt hạ, đường kình gốc 80cm, đường kính ngọn tại điểm phân cành 60cm. Gỗ chò nhai, phần thân gỗ đã bị xẻ và đưa ra khỏi rừng.
Vị trí 4, cách điểm xuất phát 1130m, phát hiện 7 thanh gỗ dài 3m, dày 6cm, rộng 25cm (khối lượng gỗ 0,315 m3, gỗ trai nhóm II). Số gỗ này là cây gỗ chết khô được chặt hạ từ lâm phần khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) có địa hình núi dốc nên khi chặt hạ đã đổ sang lâm phần của Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông. Lực lượng kiểm lâm rừng Pù Luông đã bắt 1 đối tượng và thu giữ cưa xăng để tiến hành xử lý theo quy định.
Hiện trường khai thác gỗ được các đối tượng bỏ lại
Vị trí 5, cách điểm xuất phát 1270m phát hiện 3 cây gỗ trai nhóm II đã cắt hạ, chiều dài thân cây 6m, đường kính gốc cây 40cm, đường kính ngọn tại điểm phân cành 20cm. Hai cây đã được xẻ và vận chuyển ra khỏi rừng, 1 cây còn nguyên vẹn tại hiện trường, khối lượng gỗ 0,42m3.
Đoàn kiểm tra đề nghị Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông chỉ đạo kiểm lâm địa bàn làm tốt công tác tham mưu cho UBND xã tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, văn bản có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đến người dân trên địa bàn. Phối hợp với Hạt kiểm lâm Lạc Sơn và Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông (Thanh Hóa) và UBND xã Tự Do tổ chức kiểm tra trên diện rộng trong địa bàn và vùng giáp ranh. Có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật, tổ chức điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm vệ quản lý rừng, xử lý theo quy định.
Một cây to được chặt hạ chưa kịp "xẻ thịt"
Trao đổi với PV, Trưởng ban Quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông Bùi Văn Hùng cho hay: Qua kiểm tra thông tin xác minh, có xảy ra tình trạng phá rừng nhưng chỉ có mức độ. Khu vực rừng bị xâm hại lại giáp ranh với lâm phần rừng phòng hộ Pù Luông (Thanh Hóa), có độ dốc lớn, địa hình phức tạp khó nắm bắt. Trong lõi rừng còn có dân cư ngụ, đời sống còn khó khăn nên họ coi rừng là nguồn sống và sử dụng tài nguyên thông qua hàng loạt các hoạt động. Mặt khác do lực lượng kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng trong Khu BTTN còn mỏng, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành chức năng chưa thường xuyên. Đặc biệt là do Khu BTTN không có vùng đệm, nên việc tổ chức triển khai một số hoạt động tuyên truyền cho người dân hoặc phối hợp với xã triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh khó thực hiện. Trong khi đó, các đối tượng tham gia khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng có chức và manh động.
Gỗ đã được xẻ thành từng tấm chưa kịp đưa ra khỏi rừng
“Chúng tôi đang khoanh vùng, xác định đối tượng khai thác gỗ trái phép. Nhiều khả năng là người dân sinh sống trong khu bảo tồn khai thác về làm nhà. Sau đó sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Đồng thời tăng cường kiểm tra, phối hợp để bảo vệ rừng nghiêm ngặt”.
Trước đó, báo Công lý đã có bài “Chảy máu rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông”. Phản ánh tình trạng chảy máu rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông. Dù khu vực khai thác gần khu dân cư, trong thời gian dài nhưng các cơ quan quản lý không hề phát hiện ra.
Sau khi phản ánh, PV đã nhiều lần liên hệ với Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình để làm rõ trách nhiệm cũng như thực hiện các biện pháp ngăn chặn chặt phá rừng. Tuy nhiên lãnh đạo đơn vị này cố tình né báo chí.
Một gốc cây to đã bị đốn hạ
Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông được UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định thành lập số 2714/QĐUB ngày 28/12/2004, nằm giáp với Khu BTTN Bù Luông của tỉnh Thanh Hóa về phía Tây và Vườn quốc gia Cúc Phương tỉnh Ninh Bình về phía Nam. Tổng diện tích là 19.254 ha, thuộc địa phận huyện Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình, với 11.892 người, 2.424 hộ gia đình sống trong 7 xã; dân tộc Mường chiếm 90%, số còn lại là dân tộc Thái và dân tộc Kinh. Trong đó, đất lâm nghiệp là 16.800 ha, chia ra phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 12.700 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 4.100 ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất khác nằm trải dài trên 7 xã. Khu BTTN được thành lập nhằm bảo vệ các hệ sinh thái rừng và cảnh quan trên núi đá vôi, bảo vệ các loài động thực vật, nguồn gen, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã vượt suối, băng rừng để tìm tới hiện trường khai thác gỗ trong khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông. Phải rất vất vả mọi người mới tới được khu vực xóm Trên, xã Tự Do (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). Nghỉ ngơi vài phút, anh em lại lên xe máy rồi đi bộ dưới tán rừng.
Anh bạn dẫn đường chỉ cho chúng tôi một bãi đất trống, theo quan sát thì đây từng là khu vực được các đối tượng tập kết gỗ để xẻ thành từng khúc. Nhiều tấm bìa, gốc, mùn cưa… đã mục. Điều đó chúng tỏ rừng đã bị đốn hạ không chỉ có thời gian gần đây.
Đi ngược lên trên, nhiều gốc cây to như chò chai, mài lái, gỗ kiêng... có đường kính từ khoảng 40 đến 90 cm đã bị chặt hạ, phần thân đã bị đưa đi còn lại trơ trụi gốc. Các vết cắt đều rất ngọt, chứng tỏ các đối tượng dùng cưa máy, rồi xẻ thành từng tấm ngay tại trận để chuyển đi cho thuận tiện. Cách đó không xa, một lán trại của lâm tặc mới bị đốt bỏ. Từ khoảnh rừng thuộc xóm Trên này tới khu vực có dân cư ở không quá xa. Nếu dùng phương tiện máy móc để khai thác gỗ trong thời gian dài thì rất dễ bị phát hiện. Thế nhưng các đơn vị chức năng lại không ngăn chặn kịp thời.
Trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương đến đâu, có sự câu kết với các đối tượng phá rừng hay không rất cần các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc làm rõ.