Huyện Quỳ Hợp – Nghệ An: Vì sao hàng trăm giáo viên nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp thâm niên?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 13:27, 22/03/2019
Theo phản ánh của các giáo viên, họ là những người giảng dạy tại các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Quỳ Hợp và được nghỉ hưu khoảng những năm 2005-2010 theo quyết định 109 và quyết định 86 của tỉnh Nghệ An.
Cô Phạm Thị Xuân (trú xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp) chia sẻ: “Thời đó chúng tôi được lãnh đạo trường vận động nghỉ hưu theo 2 quyết định tinh giản biên chế này. Vì chúng tôi là thế hệ trước, được đào tạo chưa bài bản bằng lớp trẻ sau này nên họ động viên chúng tôi nghỉ hưu, nhường lớp lại cho thế hệ trẻ giảng dạy. Chúng tôi nghỉ giảng dạy và được giao làm các công việc khác trong trường để chờ đến năm đủ tuổi để về hưu".
Đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 52 quy định chế độ trợ cấp với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
Chiếu theo Quyết định này, tập thể các giáo viên nhận thấy mình đủ điều kiện để được trả khoản tiền trợ cấp thâm niên đứng lớp. Thế nhưng, từ khi Quyết định của Thủ tướng được thực hiện đến nay, hàng trăm giáo viên trên địa bàn huyện Quỳ Hợp vẫn chưa được hưởng trợ cấp.
Cô Phạm Thị Xuân (SN 1955, trú xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp) cho biết thêm: “Theo quyết định của Thủ tướng thì chúng tôi hoàn toàn phù hợp để được hưởng chế độ trợ cấp thâm niên giảng dạy. Thế nhưng, từ đó đến nay chúng tôi đã đi "đòi" nhiều lần nhưng không được trả".
Các giáo viên đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để mong được xem xét giải quyết chế độ.
Nhiều năm qua, các giáo viên đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để mong được xem xét giải quyết chế độ. Tuy nhiên, các giáo viên vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào.
"Chúng tôi đi hỏi thì họ cứ chỉ lòng vòng từ cơ quan này sang cơ quan khác. Đã rất nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng của các cơ quan chức năng, giờ cũng không biết hỏi ai", cô Nguyễn Thị Phúc (SN 1958) chia sẻ.
Theo tìm hiểu được biết, hiện có khoảng 171 trường hợp nhà giáo đã nghỉ hưu sinh sống trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nhưng chưa được hưởng chế độ trợ cấp thâm niên công tác như trường hợp của cô Xuân, cô Phúc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Bình Minh - Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quỳ Hợp cho biết, nhiều năm qua, Phòng cũng đã nhận được đơn thư của tập thể các giáo viên đã nghỉ hưu mong xem xét giải quyết tiền thâm niên giảng dạy.
Đơn đề nghị được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên của tập thể các giáo viên huyện Qùy hợp.
Ông Minh giải thích: "Chiếu theo quyết định 52 của Thủ tướng Chính phủ thì phải là những giáo viên nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy. Tức là tháng này họ đang giảng dạy và tháng sau đã có quyết định nghỉ hưu và lương hưu luôn thì mới được nhận tiền trợ cấp thâm niên này" .
Vì thế, theo ông Minh, sở dĩ những giáo viên này không được nhận tiền trợ cấp thâm niên bởi trước đây họ nghỉ hưu theo quyết định 109 và 86 của tỉnh, tức là họ nghỉ giảng dạy và làm công việc khác để chờ hưu. Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Hợp cũng đã trả lời nhiều lần và giải thích cho các giáo viên hiểu. Đồng thời, Phòng cũng đã có văn bản gửi tỉnh, Sở Nội vụ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An ... nhưng hiện chưa nhận được văn bản trả lời nào.
"Chúng tôi là những người tiên phong thực hiện quyết định tinh giản biên chế thì nay lại thiệt thòi đủ đường. Chúng tôi làm theo quyết định của tỉnh Nghệ An thì lại bị "rơi" ra khỏi quyết định của Thủ tướng, vậy là quá bất công!", cô Phạm Thị Xuân chia sẻ thêm.
Dù khoản tiền trợ cấp không lớn nhưng đó là mồ hôi, công sức của các nhà giáo đã cống hiến hàng mấy chục năm qua cho ngành giáo dục, cho đất nước nên họ tha thiết mong muốn được giải quyết một cách thỏa đáng.