Dân sống khổ vì con đường 62 tỷ: Chính quyền vẫn làm ngơ khi báo chí phản ánh
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 06:52, 15/03/2019
Sống chung với rác thải và khói bụi
Thời gian gần đây, phóng viên liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng rác thải, đất cát nhếch nhác, bẩn thỉu bủa vây con đường được đầu tư khoảng 62 tỷ đồng, với chiều dài 2,6km, rộng 40m do Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư, nối nút vành đai 2 và 3 (điểm đầu từ cầu Nhật Tân (phường Phú Thượng - Tây Hồ); điểm cuối nối với nút giao cầu Thăng Long (xã Đông Ngạc - Từ Liêm).
Tiếp nhận phản ánh, liên tiếp các ngày 2-5/3, phóng viên đã “mục sở thị” con đường này và nhận thấy, con đường trọng điểm này chạy qua nhiều khu đô thị hiện đại nhưng đang bị rác thải, đất cát bủa vây, chất đống dọc một bên đường. Thậm chí tại các đoạn đường thi công gần như đã hoàn chỉnh nhưng vẫn bị “núi” rác, cành cây khô “xâm chiếm” đến cả nửa diện tích lòng đường, gây cản trở các phương tiện lưu thông.
Điều gây bức xúc nhất cho người dân là tình trạng các xe ô tô tải chở đất, cát từ khu vực đang giải phóng mặt bằng ở điểm cuối đoạn đường này (gần nút giao cầu Thăng Long), rồi chở đi nơi khác, không che chắn kỹ thùng để đất rơi vương vãi, bụi bẩn bay mù mịt.
Nguy hiểm hơn là việc cánh tài xế điều khiển những chiếc xe tải chạy với tốc độ rất nhanh, trong khi xung quanh tuyến đường có rất nhiều người dân địa bàn sinh sống, qua lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, nằm ở giữa con đường này hiện vẫn còn hơn 20 hộ dân sống trong cảnh bất an, nằm trong diện giải tỏa nhưng không được giải tỏa.
Bà Phạm Thị Quyến, tổ 3, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, chỉ mương nước ô nhiễm, rác thải từ tứ phía đổ dồn về vây quanh nhà
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các hộ dân ở đây, bà Phạm Thị Quyến, tổ 3, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, bức xúc: “Gia đình chúng tôi đã sống ở đây từ năm 1985, đến năm 1999 được thông báo là đất nằm trong diện quy hoạch dự án. Tưởng rằng chính quyền địa phương và chủ đầu tư sẽ kê khai, kiểm đếm đền bù để chúng tôi chuyển đến nơi khác an cư. Thế nhưng, từ đó đến nay gia đình chúng tôi ở đây, nhà cửa thì không được sửa chữa, cũng không được cấp sổ đỏ. Chính quyền và chủ đầu tư cũng không có văn bản chính thức nào trả lời chúng tôi về việc này”.
Chỉ cho chúng tôi thấy mương nước thải đặc quánh, màu đen kịt vây quanh hơn 20 hộ dân, bà Quyến lắc đầu ngao ngán, chúng tôi đang phải sống chung với ô nhiễm như thế này đây, nhất là những ngày mưa nước ngập quanh nhà, rác thải các loại tứ phía đổ dồn về vây quanh nhà ở, muỗi thì bay như sáo thổi, ngày nắng thì phải hít bụi bởi xe tải công trình qua lại.
Anh Vũ Thắng, tổ 3, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, cũng bức xúc: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều lần chúng tôi có hỏi vì sao chưa được đền bù để chuyển đến nới khác ở, nhưng chính quyền địa phương chỉ trả lời chung chung rằng, khu đất của hơn 20 hộ dân chúng tôi đã được bàn giao cho Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long”.
Còn ông Phạm Văn Huân, tổ 3, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, cho biết: “Nếu chủ đầu tư có kế hoạch thực hiện dự án thì phải cho chúng tôi biết, nếu không làm nữa thì phải phối hợp với chính quyền địa phương cấp giấy tờ nhà ở và phải bảo đảm vệ sinh môi trường để chúng tôi sinh sống”.
Sớm có biện pháp khắc phục
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long là ông Rahyo Djatmiko (Trưởng Phòng xây dựng) cho biết, tuyến đường vẫn đang trong quá trình thực hiện và còn một đoạn chưa giải phóng mặt bằng. Việc rác thải chất đống ở đường là do người dân phường Phú Thượng đổ ra để trồng đào. Phía Công ty cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở người dân Phú Thượng không vứt rác bừa bãi ra đường nhưng không được. “Chúng tôi có hai xe nước tưới đường, nhưng vừa tưới xong dân lại đổ đất ra”, ông Rahyo Djatmiko nói.
Tuy nhiên, từ các ngày 9-11/3, phóng viên tiếp tục ghi nhận trên con đường này hầu như không có sự xuất hiện của xe chở nước để tưới sạch đường nào như lời ông Rahyo Djatmiko đã thông tin với phóng viên.
“Từ sáng đến tối, ngày nào chúng tôi cũng phải hứng chịu tiếng xe ô tô tải chạy qua đây ầm ầm. Đi ra ngoài thì đất cát rơi vương vãi trên đường bay mù mịt. Chúng tôi đã phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng cũng chỉ thấy các đơn vị liên quan họ túc tắc thực hiện. Nhiều chỗ trên con đường dù làm chưa xong nhưng đã bị xuống cấp rồi, mặt đường thì gồ ghề, nắp cống bị mất, vỡ tung… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao…”, bà Nguyễn Thị L (40 tuổi, người dân) bức xúc thông tin.
Hơn 20 hộ dân phải sống trong cảnh ô nhiễm nhưng vẫn chưa được đền bù, giải tỏa.
Trước sự việc xảy ra gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, sáng ngày 12/3 phóng viên đã liên hệ với ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thì nhận được câu trả lời là liên hệ với Văn phòng UBND quận để phía văn phòng phát ngôn chính thức. Điều đáng buồn là nhiều phóng viên liên hệ đều chỉ nhận được câu trả lời chung chung “đặt lịch làm việc” của ông Tuấn. Không hề thấy ông này cho biết sẽ nắm tình hình hay chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
Sau nhiều lần phản ánh, vừa qua, phóng viên đã quay lại con đường để tìm hiểu sau khi nghe người dân tiếp tục phàn nàn. Tại đây, chúng tôi ghi nhận, chính quyền có cho người ra dọn dẹp sơ sài một số khu vực nhiều rác, gom đất cát lại thành từng đống rồi…để đấy. Riêng hệ thống xe tải thì vẫn chạy rầm rập suốt đêm ngày. Người dân phản ánh, đây là đường dây xe chở “đất tặc” đi san lấp đã bắt tay với chính quyền và chủ đầu tư khu đô thị, vì có lợi ích khủng nên việc dọn dẹp con đường cho sạch đẹp là rất khó. Phải chăng đó là lý do chính quyền nhắm mắt làm ngơ, đánh trống bỏ dùi? Phải chăng đó cũng là lý do dù tuyến đường chỉ còn hơn 20 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng nhưng chính quyền và chủ đầu tư cũng không mặn mà gì tới việc giải tỏa để có con đường sạch đẹp. Ngược lại, họ muốn “ngâm lâu” để tạo bình phong cho đường dây xe tải chở đất tặc phục vụ lợi ích riêng của họ?
Thiết nghĩ, trước tình trạng đang diễn ra các cơ quan chức năng của quận Tây Hồ, phường Phú Thượng và Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long cần sớm có biện pháp khắc phục để ổn định cuộc sống cho nhân dân trên địa bàn.