Vụ đấu giá dự án Hòa Lân (Bình Dương): Công ty Kim Oanh “lập lờ đánh lận con đen”
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 11:06, 07/03/2019
Ngày 27/02/2019, Công ty Kim Oanh có văn bản gửi các báo phản hồi về vụ việc, nhưng cũng chính từ văn bản này đã bộc lộ những bất bình thường trong giao dịch.
“Đẩy” trách nhiệm cho....thanh tra
Lý giải về việc chậm trễ thanh toán phần tiền mua đấu giá lên đến hơn 478 tỷ đồng, Công ty Kim Oanh cho rằng: “Quá trình thanh tra kéo dài gần 6 tháng trời nên dự án không thể chuyển tên chủ đầu tư để Công ty Kim Oanh có cơ sở thanh toán phần tiền mua đấu giá còn lại như thỏa thuận đã ký”. Điều này khá nực cười bởi lẽ, việc thanh tra chỉ xảy ra khi Công ty Kim Oanh không thực hiện đúng các cam kết như ban đầu theo quy chế đấu giá, thông báo đấu giá và cả biên bản đấu giá đã ký giữa các bên. Kể cả tới thời điểm hiện nay, khi thanh tra đã hoàn tất, đã chỉ ra các sai phạm thì Công ty Kim Oanh đã hoàn thành việc thanh toán số tiền nêu trên hay chưa?
Công ty Kim Oanh cho rằng, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương không đồng ý tham mưu cho UBND tỉnh công nhận đơn vị mình làm chủ đầu tư dự án tại khu đất đã trúng đấu giá với lý do Công ty Kim Oanh chưa thanh toán hết số tiền trúng đấu giá và chưa được bàn giao tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân là chưa toàn diện. Lý do công ty này đưa ra là: “Căn cứ điểm b khoản 1 điều 48 Luật Đấu giá tài sản 2016: Người trúng đấu giá có quyền được nhận tài sản đấu giá, có quyền được sở hữu tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật. Công ty Kim Oanh là bên trúng đấu giá theo đúng trình tự thủ tục quy định nên đương nhiên có quyền sở hữu hợp pháp tài sản đấu giá là Dự án Hòa Lân”.
Tuy nhiên, trong điều 48 Luật Đấu giá 2016, điểm b, khoản 2 quy định rõ nghĩa vụ của người trúng đấu giá: “Thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan”. Thực tế, tới thời điểm hiện nay công ty này cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính của người trúng đấu giá trong thương vụ mua bán này.
Giấy báo nợ của Agribank Chợ Lớn
Công ty Kim Oanh cũng viện dẫn rất nhiều lý do khách quan để biện hộ cho việc chậm trễ thanh toán, như: các tồn đọng của Công ty Thiên Phú, thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư phức tạp, do thay đổi diện tích đất thực tế so với chủ trương... Tuy nhiên, tất cả các vấn đề mà Công ty Kim Oanh nêu đều đã được công khai ngay từ ban đầu trong quá trình chào bán dự án. Tại biên bản đấu giá ngày 25/5/2017 đã quy định nghĩa vụ của người trúng đấu giá: “…tự thực hiện việc xin chuyển đổi chủ đầu tư để tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo quy định của pháp luật”. Như vậy, vướng mắc về thủ tục nếu có thì cũng không nằm trong điều kiện được trì hoãn thanh toán của Công ty Kim Oanh với thương vụ mua bán này.
Agribank Chợ Lớn “cố đấm ăn xôi”?
Đã có những điều khó hiểu với những động thái trong vụ việc này của Agribank Chợ Lớn và quá nhiều ưu đãi của ngân hàng này dành cho Công ty Kim Oanh trong thương vụ mua đấu giá này. Ban đầu, dù đã khẳng định rõ trong công văn 254/TB-NhoCL-TD ngày 30/05/2017 rằng: “Nếu quá thời hạn 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành, người mua được tài sản bán đấu giá không thanh toán đủ tiền mua tài sản theo quy định nêu trên thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản, số tiền mà khách hàng đã thanh toán sẽ không được hoàn lại, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tiền lãi chậm trả đối với việc thanh toán không đúng quy định nói trên...” nhưng Agribank Chợ Lớn lại liên tục có những “du di” cho Công ty Kim Oanh. Dù có việc ký phụ lục hợp đồng đồng ý cho phía Công ty Kim Oanh được giãn thời gian trả tiền lên đến 90 ngày nhưng thực tế đến nay gần 2 năm trôi qua, Công ty Kim Oanh vẫn chưa thể trả hết số tiền phải trả.
Agribank Chợ Lớn gửi công văn lên UBND tỉnh Bình Dương và Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương xin hỗ trợ cho Công ty Kim Oanh được chuyển đổi chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo quy định, Công ty Kim Oanh chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thì chưa đủ điều kiện sang tên tài sản, chưa đáp ứng đủ điều kiện thành chủ đầu tư mới của dự án trên.
Nếu cho rằng do số tiền quá lớn nên ngay khi có khách hàng mua tài sản, Agribank Chợ Lớn du di để mong sớm giải quyết xong khoản nợ xấu này thì cũng không đúng bởi ngoài Công ty Kim Oanh còn có 2 công ty khác rất thiện chí mua tài sản này. Ngay sau phiên đấu giá kết thúc, ngày 30/5/2017, Công ty nhà Thủ Đức (một trong hai công ty khác cùng tham gia đấu giá) đã có công văn gửi các bên liên quan (trong đó có Agribank Chợ Lớn) đề nghị được biết quá trình thanh toán của Công ty Kim Oanh để nếu có bất cứ vi phạm nào so với quy chế, thông báo và biên bản đấu giá thì phía Công ty nhà Thủ Đức sẵn sàng tiếp cận để được mua tài sản. Rất tiếc, thiện chí này của Công ty nhà Thủ Đức đã bị Agribank bỏ qua, dẫn đến gần hai năm qua tài sản của Nhà nước vẫn chưa được thu hồi đầy đủ, đẩy vụ việc vào vòng phức tạp.