Quảng Ngãi: Người dân phản ứng khi bệnh viện bị sáp nhập
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 11:48, 02/01/2019
Sau 4 ngày nghỉ tết dương lịch, sáng 2/1, hàng trăm người dân của TP. Quảng Ngãi đến Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi để khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người bệnh bất ngờ khi mọi hoạt động khám chữa bệnh lại không được diễn ra như mọi ngày, đội ngũ các y, bác sỹ có mặt nhưng không làm việc. Lý do được đưa ra là thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc sáp nhập Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, nên bệnh viện này không còn hoạt động khám chữa bệnh.
Điều này gặp phải phản ứng dữ dội từ phía người dân, bà Huỳnh Thị Hoa (xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi) cho biết: “Mấy hôm nay trong người cảm thấy đau nhức, khó chịu nhưng do trong đợt nghỉ lễ nên tôi không đi khám được. Sáng nay dạy từ sáng sớm để được khám trước nhưng chờ đến hơn 7 giờ mà bệnh viện vẫn chưa nhận bệnh nhân, tôi thắc mắc thì được thông báo là từ nay bệnh viện không còn hoạt động, họ bảo tôi phải sang Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh để được thăm khám, trong khi bảo hiểm của tôi lại ở TP. Quảng Ngãi”.
Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi được sáp nhập về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
“Vì sao chính quyền tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định sáp nhập Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi mà không thông báo cho người dân chúng tôi được biết, việc sáp nhập này cũng không lấy ý kiến của người dân. Là người thành phố, mua bảo hiểm ở bệnh viện Tp Quảng Ngãi nhưng nay lại bắt chúng tôi phải sang khám và chữa bệnh ở bệnh viện của địa phương khác là hết sức vô lý”, một bệnh nhân khác bức xúc.
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi vào sáng cùng ngày, ông Huỳnh Giới, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: “Không phải riêng bệnh nhân mà một số nhân viên y tế cũng không hợp tác, nhân viên họ ở đó nhưng không làm việc, rồi người phụ trách công nghệ thông tin để tiếp nhận bệnh nhân không có ở đây nên không mở máy được”.
Trả lời cho câu hỏi “Nếu tình hình bệnh viện không làm việc, người dân phản ứng như thế thì phía Sở Y tế có hướng giải quyết như thế nào?” ông Giới trả lời: “Bệnh nhân nhất quyết không chịu đi qua Bệnh viện Sơn Tịnh để khám, chỉ khám ở bệnh viện này, trong khi đây là quyết định của UBND tỉnh sáp nhập về bệnh viện tỉnh. Trước mắt, yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP phối hợp với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh để triển khai khám bằng tay, phiếu khám tự viết tay cho bệnh nhân”.
Người dân TP. Quảng Ngãi bức xúc khi đăng ký BHYT tại Bệnh viện Đa khoa TP nhưng lại phải đi khám “ké” ở bệnh viện khác.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trần Ngọc Căng đã ký Quyết định số 1980/QĐ - UBND về việc sáp nhập bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa Dung Quất (ở huyện Bình Sơn) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Với quyết định này, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên trong cả nước “xóa sổ” một bệnh viện ở tuyến TP trực thuộc tỉnh. Bởi hiện nay ngành y tế đang thực hiện việc khám chữa bệnh theo 4 tuyến, bao gồm: tuyến xã, phường, thị trấn; tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tuyến Trung ương. Như vậy, sau khi sáp nhập TP. Quảng Ngãi sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước không có bệnh viện công.
Sau khi sáp nhập Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh lại giao cho Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh (địa phương tiếp giáp địa giới hành chính với TP. Quảng Ngãi) thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và các nhiệm vụ của Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn TP. Quảng Ngãi kể từ ngày 1/1/2019 hiện nay do Bệnh viện Đa khoa TP thực hiện.
Sáng ngày 2/1 có hàng trăm người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi nhưng không được thăm khám do quyết định của UBND tỉnh về việc sáp nhập Bệnh viện Đa khoa TP về Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi có hiệu lực.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi là bệnh viện hạng III với nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân 23 xã, phường trên địa bàn TP. Quảng Ngãi và 1 số đơn vị khác. Hiện có khoảng 160.000 người đăng ký khám chữa, bệnh BHYT tại đây.
Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi khám, điều trị cho từ 600 đến 800 lượt bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 80% đến 100%. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên của ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi đi đầu trong chủ trương thực hiện 100% tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, thu nhập của nhân viên ổn định, đời sống nhân viên ngày được cải thiện cao, có thu nhập tăng thêm cao nhất trong ngành y tế.
Việc sáp nhập này không chỉ gặp phải sự phản ứng rất lớn từ phía người dân của TP. Quảng Ngãi mà tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi cũng đã có đơn gửi lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bày tỏ ý kiến không đồng tình với quyết định trên.