UBND tỉnh Ninh Bình cản trở báo chí tác nghiệp?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 08:24, 18/11/2018
Phô tô giấy giới thiệu, thẻ nhà báo gửi bảo vệ để đặt lịch làm việc
Liên quan đến việc bạn đọc phản ánh trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên của tỉnh Ninh Bình… và việc ông Đinh Văn Tác đã nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng không nhận được trả lời thỏa đáng, Báo Công lý đã có phản ánh loạt bài thông tin chi tiết về vụ việc.
Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm, câu chuyện dường như bị "quên lãng" và ông Đinh Văn Tác lại tiếp tục gửi đơn cầu cứu tới Báo Công lý.
Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình
Ngày 25/10/2018, phóng viên Báo Công lý về UBND tỉnh Ninh Bình xin đặt lịch làm việc để nhằm xác minh làm rõ sự việc trên và hai nội dung khác có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác khai thác khoáng sản tại địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, khi nhóm PV đến thì cổng chính của Ủy ban đóng kín, sang cổng phụ thì có công an bảo vệ gác rất nghiêm ngặt.
Khi phóng viên đề nghị được vào liên hệ làm việc thì bất ngờ tổ bảo vệ và cảnh sát tại đây ngăn cản, không cho nhóm phóng viên vào đồng thời yêu cầu phóng viên chờ để liên hệ người có thẩm quyền nhận lịch. Tuy nhiên, dù đã cố gắng để liên hệ nhiều số điện thoại trong cuốn danh bạ tại phòng bảo vệ do tổ bảo vệ cung cấp nhưng phóng viên vẫn không thể gặp được người tiếp nhận lịch làm việc của UBND tỉnh Ninh Bình.
Khoảng 20 phút sau một Đại úy Cảnh sát trong tổ cán bộ, chiến sỹ vũ trang canh gác bảo mục tiêu chuyển máy cho PV nghe điện thoại của một người đàn ông (không xưng danh) cho biết hiện tại không có nhà để nhận lịch làm việc, yêu cầu PV đi photo giấy giới thiệu, thẻ nhà báo và nội dung làm việc gửi phòng bảo vệ để chuyển vào cho người nhận.
PV có giải thích chỉ cần gặp văn thư để đặt lịch làm việc vì tổ cán bộ, chiến sỹ vũ trang canh gác bảo mục tiêu không có chức năng nhiệm vụ tiếp nhận lịch làm việc của cơ quan báo chí, vì thế không thể đi phô tô tài liệu và các giấy tờ công tác để lại đây để đặt lịch, như vậy là sai quy định của pháp luật..., nhưng vị này nói phóng viên không được tiếp xúc với văn phòng, văn thư…và cuối cùng thì nhóm PV vẫn không thể đặt được lịch làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình.
Được biết, trường hợp lấy nhiều lý do để ngăn cản báo chí đến liên hệ công tác tại UBND tỉnh Ninh Bình không chỉ diễn ra một lần mà theo phản ánh của nhiều nhà báo, phóng viên khác khi đến đây đều gặp phải trường hợp tương tự.
Như vậy, có thể thấy UBND tỉnh Ninh Bình đang có hành vi cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Vi phạm Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, có hiệu lực vào ngày 1/1/2017, trong đó quy định: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Quy định riêng của tỉnh Ninh Bình?
Theo thông tin từ nhiều báo cùng phản ánh trước đó về việc tỉnh Ninh Bình có những quy định riêng để cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, cụ thể như: Ngày 07/04/2018, Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình phát hành công văn số 314 gửi các sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện và thành phố, trong đó nêu rõ “khi nhà báo của các cơ quan báo chí đến liên hệ làm việc, cơ quan đơn vị có quyền yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo do Bộ TT&TT cấp, phù hợp với cơ quan báo chí. Nếu không xuất trình được thẻ nhà báo thì đơn vị có quyền từ chối cung cấp thông tin”.
Có thể thấy rằng, nội dung quy định này của tỉnh là không phù hợp với khoản 12 Điều 9 Luật báo chí sửa đổi năm 2016, có hiệu lực vào ngày 01/01/2017.
Văn bản 314 của Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình
Sau khi hàng loạt tờ báo phản ánh, ngày 09/05/2018, Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình đã "sửa sai" bằng việc phát hành văn bản 399 về việc hướng dẫn tiếp xúc báo chí.
Tuy nhiên, mặc dù đã sửa sai nhưng theo ghi nhận của phóng viên, để tiếp xúc được với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Ninh Bình vẫn rất khó khăn, vẫn có những quy định mà không bằng văn bản như: Yêu cầu phóng viên đi phô tô thẻ nhà báo, giấy giới thiệu và các nội dung liên quan để gửi bảo vệ, phóng viên có thắc mắc thì được trả lời là “chúng tôi quy định thế”.
Trước đó, ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 159/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, khoản 1, 2, 3 Ðiều 7 của Nghị định về "Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí" quy định: "1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên".
Quy định đã rõ nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND tỉnh Ninh Bình vẫn có những luật lệ "rất riêng" trong làm việc với cơ quan báo chí như vậy.
Thời gian qua, chính sách pháp luật để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp đã được xây dựng chặt chẽ giúp báo chí ngày càng phát huy hiệu quả xã hội trong việc đưa tin tức kịp thời, phản ánh chân thực mọi vấn đề của cuộc sống, đồng thời giúp người làm báo thật sự yên tâm khi tác nghiệp. Tuy nhiên với cách làm hiện nay, phải chăng UBND tỉnh Ninh Bình đang “đóng cửa” với báo chí, không muốn báo chí đồng hành cùng sự tiến bộ của địa phương?.