Vụ tranh chấp giữa cổ đông với công ty và các thành viên HĐQT ở Quảng Nam: Việc phát hành thêm cổ phiếu nằm trong kế hoạch và đề xuất của HĐQT
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:39, 14/11/2018
Tranh chấp bắt nguồn từ việc HĐQT Công ty CP DIC - Hội An ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐQT ngày 05/10/2018, trên cơ sở được sự ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông thông qua Nghị quyết số 10/NQ-ĐHĐCĐ-DICHA ngày 27/4/2018 về việc phát hành cổ phiếu nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty.
Phương án phát hành cổ phiếu đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, cho phép phát hành theo Công văn số 7296/UBCK-QLCB ngày 29/10/2018 và Công ty đã triển khai việc phát hành cổ phiếu theo đúng luật định.
Cho rằng việc DIC - Hội An chào bán cổ phiếu lần này gây thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích cho công ty và cho cổ đông hiện hữu của công ty, ông Lê Quốc Kỳ Quang và nhóm cổ đông của mình đã tìm mọi cách ngăn chặn việc DIC - Hội An phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Kể từ khi trở thành Công ty cổ phần vào năm 2006 và chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội năm 2011, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn ổn định.
Trụ sở Công ty CP DIC - Hội An
Ngoài ra, cổ đông và cán bộ nhân viên Công ty luôn ủng hộ tất cả các kế hoạch, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, điều này được thể hiện qua nghị quyết của các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối.
Việc phát hành thêm cổ phiếu nằm trong kế hoạch và đề xuất của Hội đồng quản trị từ trước, với dự kiến sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn khi có dự án (Biên bản họp HĐQT năm 2016, 2017, 2018 và Biên bản họp ĐHĐCĐ năm 2016 đã đề cập đến vấn đề này).
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, Hội đồng quản trị (HĐQT) một lần nữa thông qua Tờ trình về phương án phát hành cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ để Đại hội đồng cổ đông xem xét. Và phương án này nhận được sự tán thành của 99,61% số cổ đông tham dự đại hội (Biên bản Đại hội đã được công bố trên website của Công ty).
Với bề dày lịch sử hình thành, với những dấu ấn mà DIC - Hội An đã đạt được trong suốt quá trình phát triển, DIC - Hội An được xem là một trong những doanh nghiệp tầm cỡ tại Quảng Nam..
Công văn số 7296/UBCK-QLCB ngày 29/10/2018 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành
Ngày 06/11/2018, TAND tỉnh Quảng Nam tiếp tục nhận được đơn của ông Trần Ngọc Trác (TP Hồ Chí Minh) khởi kiện dân sự các thành viên HĐQT DIC - Hội An. Ông Trác đề nghị TAND tỉnh Quảng Nam hủy bỏ Nghị quyết số 26 ngày 5/10/2018 của HĐQT DIC - Hội An và Nghị quyết số 10 ngày 27/4/2018; Hủy bỏ Nghị quyết số 37 ngày 6/11/2018; Hủy bỏ toàn bộ các giao dịch mua cổ phần của các nhà đầu tư theo chương trình phát hành cổ phiếu riêng lẻ đính kèm Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngày 6/11/2018 của HĐQT DIC - Hội An. Yêu cầu HĐQT DIC - Hội An tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua danh sách nhà đầu tư chiến lược hoặc xác định rõ tiêu chí, số lượng, cơ cấu cổ đông chiến lược.
Đồng thời, ông Trần Ngọc Trác cũng có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các thành viên HĐQT DIC Hội An: Tạm ngưng việc chào bán riêng lẻ, tiếp nhận mua cổ phần của các nhà đầu tư theo chương trình chào bán cổ phần riêng lẻ cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền; Hoàn trả tiền chào bán cổ phần riêng lẻ đã thu cho nhà đầu tư; Không được thực hiện bất kỳ thủ tục tăng vốn điều lệ DIC Hội An từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Văn bản S062/2018-DIH/VSD-ĐK do Trung tâm Chứng khoán Việt Nam lập
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Văn bản S062/2018-DIH/VSD-ĐK do Trung tâm Chứng khoán Việt Nam lập ngày 28/9/2018 gửi DIC - Hội An “danh sách tổng hợp người sở hữu chứng khoán nhận cổ tức bằng cổ phiếu” không hề có tên ông Trần Ngọc Trác.
Hơn nữa, theo khoản 1 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc” và theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì “Cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông”. Như vậy, việc ông Trần Ngọc Trác gửi đơn khởi kiện dân sự HĐQT DIC - Hội An và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đúng quy định của pháp luật?.
Trong đơn khởi kiện của mình, ông Trần Ngọc Trác tự cho mình là “cổ đông lớn” mặc dù chỉ sở hữu 115.800 cổ phần tương đương 3,97% tổng số cổ phần tại DIC - Hội An. Trong khi đó, tại khoản 9 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006 quy định, cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, dù vụ việc đang được TAND tỉnh Quảng Nam thụ lý, đang trong quá trình thu thập hồ sơ, chứng cứ tiến tới mở phiên tòa xét xử công khai nhưng những người khởi kiện lại liên tục đưa lên các trang mạng những thông tin gây nhiễu loạn. Điều này khiến dư luận xôn xao, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Nam.