8ha rừng trẩu trên địa bàn xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ có bị chặt phá?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 06:49, 31/10/2018
Căn cứ theo đơn xin giao và thuê đất của Xí nghiệp tư nhân số 6 ngày 15/5/2006, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 854/QĐ- UBND ngày 8/8/2006 về việc giao đất lâm nghiệp.
Theo đó, Xí nghiệp tư nhân số 6 nay đổi thành Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 (Cty số 6) được giao tổng diện tích hơn 9,8ha đất tại địa bàn xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ để khoanh nuôi, trồng bổ sung và chăm sóc rừng. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm (kể từ tháng 8/2006).
Một số diện tích rừng được giao theo Quyết định 854/QĐ-UBND ngày 8/8/2006 đã bị Cty số 6 dùng lưới B40 rào lại
Trong hơn 9,8ha đất được giao cho Cty số 6 thì có 8ha đất rừng trẩu được trồng theo chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc (chương trình 327) từ năm 1995.
Đến thời điểm 2006, 8ha rừng trẩu này trước khi bàn giao cho Cty số 6 đã hoàn toàn khép tán và thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp giống lâm nghiệp vùng Tây Bắc (Xí nghiệp).
Ngày 13/6/2006, Xí nghiệp có Tờ trình gửi UBND tỉnh Điện Biên xin giao lại số diện tích rừng này cho Cty số 6 quản lý, Tờ trình cũng nêu rõ: Hiện tại Xí nghiệp có 2 thửa đất lô 37(8): 4,5 ha và lô 37(9): 3,5 ha rừng trẩu trồng năm 1995 đã khép tán bên kia hồ Huổi Phạ, đối diện với Khách sạn du lịch hồ Huổi Phạ của Cty số 6.
Diện tích rừng trẩu đã khép tán được giao năm 2006 gần như đã biến mất, thay vào đó Cty số 6 đang xây dựng khu vui chơi, giải trí
Diện tích 8ha rừng trẩu này nằm sát hồ Huổi Phạ, phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái, nhưng do bị chia cắt bởi hồ Huổi Phạ, hạn chế về việc trông coi, nên Xí nghiệp đề xuất với tỉnh Điện Biên giao 8ha này cho doanh nghiệp tư nhân số 6 quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, phục vụ du lịch.
Như vậy, có thể nhận thấy khu rừng trẩu khép tán rộng 8ha nằm trên khu đất lô 37(8) và 37(9) tiểu khu 713 thuộc tại địa bàn xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ là có thật và tồn tại trên thực tế.
Thế nhưng, sau khi được giao đất để khoanh nuôi và chăm sóc, không biết Cty số 6 đã sử dụng, quản lý ra sao nhưng hiện tại 8ha rừng trẩu khép tán mà các cơ quan chức năng ghi nhận trong các văn bản nói trên gần như đã bị biến mất. Thay vào đó là con đường vòng quanh hồ, các hạng mục vườn hoa, khu vui chơi giải trí...
Theo quy định về quản lý và bảo vệ rừng, khi cơ quan nhà nước giao rừng, doanh nghiệp chỉ được phép bảo vệ và trồng thêm, phát triển rừng, còn muốn làm gì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Nếu muốn chuyển đổi sang mục đích khác, doanh nghiệp phải làm tờ trình để cơ quan chuyên môn trình UBND tỉnh để xem xét chuyển đổi.
Do đó cần phải xem xét, kiểm tra lại toàn bộ quy trình, hồ sơ giao đất của UBND tỉnh Điện Biên khi giao đất lâm nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân số 6, đồng thời làm cũng cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị tham mưu cho tỉnh là Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Điện Biên.
Tại điều 13, Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 có quy định rõ: “Việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải đồng bộ với việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong trường hợp phải chuyển đổi đất có rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác thì phải có kế hoạch trồng rừng mới để bảo đảm sự phát triển rừng bền vững ở từng địa phương…”.
Theo Điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng cũng nêu rõ, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp phải có dự án đầu tư trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Có báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc chuyển mục đích sử dụng rừng; Có phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu rừng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác.
Máy móc thiết bị được đưa đến để san nền
Được biết, để đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ rừng được hiệu quả, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sao. Và gần đây nhất ngày 30/7/2018, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 2028/KH-UBND về kiểm tra, rà soát số liệu dự án, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó tỉnh sẽ kiểm tra các văn bản, tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh, các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp; cập nhật vị trí, địa điểm, diện tích rừng thuộc các dự án lên bản đồ quy hoạch 3 loại rừng. Thời gian thực hiện hoàn thành trong tháng 8/2018.
Sau khi dư luận phản ánh về việc phá rừng trẩu, ngày 10/10/2018, ông Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản số 2915/UBND-KTL, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan khẩn trương phối hợp triển khai xác định có hay không việc phá diện tích rừng trên và xác định trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với diện tích rừng này. Yêu cầu báo cáo thành phố trước ngày 22/10/2018.
Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng
Tuy nhiên, tại buổi trao đổi với phóng viên báo Công lý ngày 25/10/2018, ông Phạm Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Sở TNMT tỉnh Điện Biên cho biết, vừa qua Sở đã ban hành văn bản số 866/STNMT-QLĐĐ ngày 22/10/2018 về phối hợp kiểm tra tình hình sử dụng đất của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6. Và ngày 24/10, đoàn kiểm tra của tỉnh Điện Biên đã kiểm tra trực tiếp tại khu vực 8 ha rừng trẩu, nơi Cty số 6 đang quản lý, nhưng đến nay chưa có báo cáo chính thức.
Như vậy, trước công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dư luận đặt ra câu hỏi, nguyên nhân nào khiến khu rừng trẩu được trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước để bảo vệ sinh thái, chống xói mòn cho cộng đồng dân cư xã Thanh Minh đã hoàn toàn bị biến mất? Và người dân hoài nghi về năng lực quản lý, trách nhiệm của các cơ quan tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng.