Gói thầu của Cty Điện lực Hoà Bình: Nhiều quy định “đánh đố” đơn vị dự thầu
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 11:28, 10/10/2018
Theo Quyết định 1059/QĐ-PCHB ngày 10/8/2018 của Công ty Điện lực Hoà Bình (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), đơn vị này mời gói thầu kiểm toán công trình; trong đó kiểm toán một số công trình chống quá tải, chốt trực vận hành, chống quá tải, đường dây trung thế, xây dựng mới các TBA,...
Tuy nhiên, sau khi được tiếp nhận hồ sơ mời thầu, anh G.Đ.K, đại diện một Công ty TNHH Kiểm toán tại Hà Nội cho biết: "Khi tham gia dự thầu, chúng tôi luôn chấp hành các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật khác nhằm đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh. Vì mục tiêu của đấu thầu kiểm toán là để chủ đầu tư lựa chọn được đơn vị kiểm toán độc lập có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm, để thực hiện dịch vụ kiểm toán dự án. Nhưng, Công ty Điện lực Hoà Bình đã cố ý đưa vào hồ sơ mời thầu những quy định khắt khe đến khó hiểu, để có lợi cho một nhà thầu nào đó (!?)".
Trong tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu, nếu dưới 5 năm kinh nghiệm, nếu doanh thu dưới 5 tỷ sẽ không được điểm nào
Đại diện Công ty kiểm toán này dẫn chứng, như ở chương III tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư nêu tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu (tại mục 1.1, trang 18). Yêu cầu năng lực nhà thầu phải lớn hơn hoặc bằng 19 năm kinh nghiệm thì được 5 điểm, nếu doanh nghiệp nào kinh nghiệm dưới 5 năm thì không đạt được điểm nào. Quy định của chủ đầu tư như vậy sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị loại mặc dù năng lực có mạnh đến đâu.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp thành lập sau không có nghĩa ít năng lực hơn các doanh nghiệp thành lập trước. Mặt khác, có nhiều doanh nghiệp được thành lập từ lâu nhưng ít hoạt động và không có kinh nghiệm. Căn cứ theo các quy định pháp luật, yêu cầu đầu tiên mà chủ đầu tư đưa ra đã trái với Điều 23, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, văn bản này nêu rõ "trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng".
Nếu doanh nghiệp nào có ít hơn 6 hợp đồng 100 tỷ và có ít hơn 15 kiểm toán viên sẽ bị loại
Tiếp đến, tại mục 1.3, chủ đầu tư yêu cầu: Đơn vị tham gia dự thầu phải thực hiện kiểm toán, quyết toán dự án đường dây hoặc TBA có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng và phải có 6 đến 10 hợp đồng (được 5 điểm). Như vậy các doanh nghiệp nào đã thực hiện kiểm toán, quyết toán dự án đường dây hoặc TBA dưới 6 hợp đồng (giá trị mỗi hợp đồng 100 tỷ) vẫn bị loại.
Tương tự tại mục 1.4, tiêu chuẩn về số lượng kiểm toán viên có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán phải có 20 kiểm toán viên (được 4 điểm tối đa). Nhà thầu nào có dưới 15 kiểm toán viên được 0 điểm. Điều này là hoàn toàn trái với quy định khoản b, Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập, chỉ cần "có ít nhất 5 kiểm toán viên hành nghề".
Trưởng đoàn kiểm toán phải có thẻ luật sư và đồng thời là cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh
Tại mục 3.1 (trang 20) Hồ sơ mời thầu yêu cầu: Trưởng đoàn kiểm toán phải có thẻ luật sư và đây là điều kiện tiên quyết (nếu không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ dự thầu bị loại). Về vấn đề này, đại diện một số doanh nghiệp kiểm toán cho rằng: "đây là gói thầu về công trình xây lắp, không phải lĩnh vực liên quan đến tranh tụng hay kiện cáo, không hiểu sao chủ đầu tư lại yêu cầu thẻ hành nghề luật sư, điều này là hoàn toàn vô lý".
Chưa dừng lại ở đó, chủ đầu tư yêu cầu ngoài có thẻ luật sư thì trưởng nhóm này có trình độ học vấn là cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên điều này đã mâu thuẫn với chính chỉ dẫn nhà thầu đã đưa ra tại chương I (mục 10, trang 8) là "Hồ sơ dự thầu cũng như tất cả thư từ và tài liệu liên quan đến hồ sơ dự thầu trao đổi giữa nhà thầu và bên mời thầu được viết bằng tiếng Việt".
Trưởng nhóm kiểm toán kinh tế cũng phải có thẻ luật sư và bằng C hoặc chứng chỉ, nhưng không biết là bằng chứng chỉ gì
Đối với yêu cầu trưởng nhóm kiểm toán về kinh tế cũng phải có thẻ luật sư (mục 3.2 trang 21), đặc biệt trưởng nhóm này phải có "Bằng C hoặc chứng chỉ tương đương trở lên". Điều lạ là chủ đầu tư không nêu rõ "Bằng C hoặc chứng chỉ tương đương" là bằng, chứng chỉ gì? Điều này gây nên sự mập mờ, không rõ ràng và thiếu minh bạch của bên mời thầu đưa ra.
Về vấn đề này, anh G.Đ.K khẳng định: Việc chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về thẻ luật sư, đồng thời người này lại là cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh là vô lý. Đặc biệt trưởng nhóm kỹ thuật nhưng phải là cử nhân chuyên ngành kế toán, kiểm toán và có bằng đại học ngoại ngữ Tiếng Anh... cho thấy là chủ đầu tư đã cố tình "gây khó" cho doanh nghiệp tham gia dự thầu.
Mọi thư từ trao đổi hay tài liệu liên quan sử dụng tiếng Việt nhưng chủ đầu tư yêu cầu trưởng nhóm kiểm toán kỹ thuật có bằng đại học ngoại ngữ tiếng Anh
Có thể thấy, căn cứ vào các nội dung ở hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư là Công ty Điện lực Hòa Bình đã áp đặt một số điều kiện và nội dung chi tiết quá khắt khe. Việc này đã làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng của gói thầu. Các tiêu chuẩn bên mời thầu đưa ra khiến dư luận đặt ra nghi vấn có "thỏa thuận ngầm" giữa đơn vị chấm thầu đã thông đồng với đơn vị dự thầu để chuyển “bất lợi” thành có lợi cho một tổ chức nào đó? Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp khác không có cơ hội để tham gia đấu thầu một cách công bằng và minh bạch.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.