Vụ bồi thường do dừng dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận): Doanh nghiệp quá khổ khi… xin bồi thường

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:40, 01/08/2018

Dù Thủ tướng đã chỉ đạo Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận xem xét bồi thường cho các doanh nghiệp ( DN) bị thiệt hại sau khi dừng quy hoạch dự án cảng Kê Gà, nhưng đến nay việc bồi thường vẫn đi vào ngõ cụt.

Từ chối bồi thường vì... “không phối hợp kiểm kê, đánh giá tài sản”

Năm 2004, công ty TNHH Vạn Trụ đầu tư xây dựng khu du lịch tại khu vực thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Năm 2007, tỉnh Bình Thuận yêu cầu DN dừng xây và trả lại mặt bằng để phục vụ quy hoạch dự án cảng Kê Gà do Tập đoàn TKV và Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân làm chủ đầu tư (sau đó chỉ còn Tập đoàn TKV đầu tư dự án này). Sau khi có tin sẽ được bồi thường thiệt hại, các DN rất phấn khởi và vay thêm 9 tỉ đồng để cải tạo lại các công trình đã bị xuống cấp trong nhiều năm và đã gửi đơn tới UBND tỉnh Bình Thuận và TKV xin được bồi thường và hỗ trợ.

TKV đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Thuận và các sở, ngành tiến hành kiểm đếm, đánh giá mức độ thiệt hại do dừng dự án cảng Kê Gà đối với các dự án du lịch. UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các DN trên. Tuy nhiên, từ năm 2014, KTV đã không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không xem xét bồi thường cho Công ty Vạn Trụ.

Sau nhiều lần khiếu nại, TKV có văn bản số 6322/TKV-ĐT ngày 29/12/2017 đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận “xem xét và thống nhất không bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho công ty TNHH Vạn Trụ”. Lý do được nêu ra là “Trong quá trình thực hiện các thủ tục thu hồi đất, DN không thực hiện văn bản, quyết định chỉ đạo của tỉnh, vẫn tiếp tục hoạt động xây dựng và kinh doanh bình thường; do đó có thể xác định, việc dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà không gây thiệt hại đối với DN này”.

Không đồng tình, ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản số 283/UBND-ĐTQH gửi Bộ Công thương cho rằng, tại thời điểm Nhà nước có chủ trương thu hồi đất để đầu tư xây dựng cảng Kê Gà thì Công ty Vạn Trụ đã có xây dựng một số hạng mục công trình trên đất và có thiệt hại. UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công thương xem xét đơn kiến nghị bồi thường, hỗ trợ cho công ty Vạn Trụ. Thế nhưng, không hiểu tại sao TKV đã bỏ qua ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận để từ chối việc bồi thường đối với công ty Vạn Trụ.

Ông Vũ Chí Công, Chủ tịch HĐQT Cty Vạn Trụ bức xúc: “Khi thông báo các DN dừng đầu tư dự án du lịch đang thi công dang dở để trả lại đất, giao cho TKV xây dựng cảng Kê Gà, dự án du lịch của DN chúng tôi đã hoạt động giờ nào mà TKV dám kết luận dự án của DN “kinh doanh bình thường” nên không bị thiệt hại?. Lúc đó, không đồng ý với thông báo quy hoạch dự án cảng Kê Gà, do chồng lấn dự án du lịch, Nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất nên DN khiếu nại theo đúng quy định. Bằng chứng là sau đó, dự án cảng Kê Gà phải huỷ bỏ nên DN khiếu nại là có cơ sở. Giờ đây, viện lý do DN khiếu nại là không chấp hành, từ đó chối bỏ bồi thường thiệt hại thực tế là đối xử quá bất công đối với DN”.

Vụ bồi thường do dừng dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận): Doanh nghiệp quá khổ khi… xin bồi thường

Một trong những công trình mà Công ty Vạn Trụ đã xây dựng

Yêu cầu hoàn công đối với công trình dở dang

Ngày 20/6/2017, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 6388/VPCP-VI nêu: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì phối hợp với TKV kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại để bồi thường cho Cty TNHH Vạn Trụ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, TKV đã làm khó cho DN.

Theo ông Vũ Chí Công, “Họ yêu cầu tôi nộp “hợp đồng thi công xây dựng” từ năm 2007 đến năm 2011. Nộp “bản vẽ thiết kế xây dựng”, rồi “dự toán” các hạng mục công trình cùng hồ sơ “hoàn công” ... Còn DN đã nộp tất cả những gì DN có gồm: các “hợp đồng thi công xây dựng” từ năm 2004 đến năm 2011; toàn bộ hoá đơn, chứng từ mua vật liệu xây dựng phục vụ cho việc xây dựng khu du lịch; các “giấy phép xây dựng”, “bản vẽ thiết kế xây dựng”... Tổng cộng các tài liệu, chứng từ, ước tới hơn 1.000 trang giấy A4. Vậy mà Sở Tài chính Bình Thuận vẫn cho rằng “chưa đáp ứng được đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu”. Theo ông Công, trái khoáy nhất là yêu cầu phải có “hồ sơ hoàn công”, mới được xem xét bồi thường (?) Trong khi công trình chưa hoàn thiện thì làm sao hoàn công được, khác nào đánh đố DN ?”. Ông Công cho biết, trên thực tế, giá trị bồi thường rất ít ỏi so với giá trị đầu tư hoặc giá trị thiệt hại của DN. Tuy nhiên, việc hội đồng bồi thường xem nhẹ hoá đơn do DN cung cấp, mà chú trọng hồ sơ hoàn công, càng đẩy DN vào thế khó được bồi thường.

UBND tỉnh Bình Thuận đã vạch ra phương pháp bồi thường cho các DN: Đối với tài sản được đánh giá tỉ lệ còn lại từ 30% đến dưới 50% thì bồi thường 70% giá trị, còn lại trên 50% đến dưới 70% giá trị, thì bồi thường 50% giá trị, còn lại trên 70% thì bồi thường 30% giá trị. Như vậy, chỉ cần áp dụng định giá tổng thể tài sản hiện hữu thuộc loại nào, rồi khấu trừ giá trị hạng mục nào còn sử dụng, giá trị hạng mục nào đã bị hao mòn, hư hỏng, sẽ tìm ra giá trị thiệt hại, cần bồi thường cho DN. Công ty Vạn Trụ đã chọn mức độ thiệt hại thấp nhất chỉ yêu cầu được bồi thường 30% giá trị nhưng vẫn bị làm khó.

Phong Vân