Cần Thơ: Dân lo mất đất dù chính quyền đã hủy bỏ các quyết định cưỡng chế

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:55, 18/05/2018

Mặc dù UBND huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) đã ban hành các quyết định thu hồi, hủy bỏ những quyết định cưỡng chế đất trước đó, nhưng các hộ dân vẫn không khỏi lo lắng vì sợ không còn đất sản xuất do bị thu hồi.

“Mỏi mòn” chuyện… khiếu nại

Mới đây, phản ánh với Báo Công lý, nhiều người dân có đất bị thu hồi ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) cho biết, ngày 31/3/2016 UBND TP.Cần Thơ ban hành Quyết định số 878/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư, cải tạo xây dựng Trường tiểu học Trung Hưng 1 với diện tích dự kiến thu hồi là 11.378 m2. Tuy nhiên, đến ngày 9/12/2016, HĐND TP.Cần Thơ lại ban hành Nghị quyết 65/NQ–HĐND điều chỉnh diện tích thu hồi là 0,75 héc-ta (7.500 m2).

Cần Thơ: Dân lo mất đất dù chính quyền đã hủy bỏ các quyết định cưỡng chế

Ngày 11/12/2017, UBND huyện Cờ Đỏ đã ban hành các Quyết định thu hồi đất để thực hiện công trình Trường tiểu học Trung Hưng 1.

Anh Nguyễn Thành Nam (một trong những người có đất bị thu hồi) cho rằng, chủ trương thực hiện dự án cải tạo xây dựng Trường tiểu học Trung Hưng 1 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tế. Anh Nam cũng cho hay, trong quá trình thực hiện dự án, UBND huyện Cờ Đỏ đã ban hành quyết định thu hồi đất của 7 hộ dân với diện tích lên tới 10.959,7m2. Sự việc này đã khiến các hộ dân bị thu hồi đất vô cùng bức xúc vì họ nhận định rằng, chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng theo Nghị quyết 65 mà HĐND TP.Cần Thơ đã ban hành trước đó.

Không những thế, anh Nam và nhiều người dân bị thu hồi đất còn tỏ ra không hài lòng với giá bồi thường đất thu hồi. Bởi lẽ theo họ, mảnh đất bị thu hồi hiện đang có giá khoảng 2 triệu đồng/m2, nhưng giá bồi thường đất mà cơ quan chức năng đưa ra chỉ có 91.000 đồng/m2.

“Đất đai của gia đình tôi ở vị trí giáp đường dân sinh, giáp chợ nên giá trị sinh lời cao. Giá trị đất của gia đình tôi hiện đang giao dịch với giá 2.000.000 đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá đất đền bù là 91.000 đồng/m2. Đó là chưa kể, giá san lấp mặt bằng chỉ áp 60.000 đồng/m3, trong khi giá dự toán san lấp mặt bằng hiện tại ở khu vực địa phương là 122.000 đồng/m3”, anh Nam bức xúc nói.

Chính vì vậy, 5 hộ dân được thông báo bị thu hồi đất (bao gồm các hộ Huỳnh Văn Lắm, Huỳnh Văn Chờ, Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Thị Việt Thúy, Nguyễn Thị Kim Thanh) ở ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng đã đồng lòng khiếu nại đến UBND huyện Cờ Đỏ, UBND TP.Cần Thơ với mong muốn được giữ lại đất để tiếp tục sản xuất và sinh sống trên đất sau này. Thế nhưng, ngày 30/1, UBND huyện Cờ Đỏ ra hàng loạt quyết định bác khiếu nại lần đầu đối với các hộ này.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 16/3 vừa qua, ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ đã ký hàng loạt quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 5 hộ dân nói trên. Hiển nhiên, do không bằng lòng với cách giải quyết của chính quyền địa phương nên các hộ dân lại tiếp tục làm đơn khiếu nại lần thứ 2.

Vẫn còn nỗi lo "mất đất"

Sau những khiếu nại của các hộ dân, ngày 7/5, UBND huyện Cờ Đỏ đã ban hành các quyết định thu hồi, hủy bỏ những quyết định cưỡng chế đất trước đó vì chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Cần Thơ: Dân lo mất đất dù chính quyền đã hủy bỏ các quyết định cưỡng chế

Ngày 7/5, UBND huyện Cờ Đỏ đã ban hành các quyết định thu hồi, hủy bỏ những quyết định cưỡng chế đất trước đó.

Cần Thơ: Dân lo mất đất dù chính quyền đã hủy bỏ các quyết định cưỡng chế

Cũng trong ngày 7/5, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ đã kí duyệt ra các quyết định hủy bỏ những quyết định giải quyết khiếu nại đối với các hộ dân.

Cùng ngày, ông Nguyễn Thực Hiện, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cũng đã kí duyệt ra các quyết định hủy bỏ những quyết định giải quyết khiếu nại đối với các hộ dân do chưa đảm bảo về trình tự khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính.

Mặc dù chính quyền địa phương đã ban hành các quyết định thu hồi, hủy bỏ những quyết định cưỡng chế đất trước đó nhưng nhiều hộ dân có đất nằm trong diện bị thu hồi vẫn không khỏi lo lắng sẽ bị mất “cần câu cơm” vì sớm muộn đất cũng bị thu hồi, không còn đất sản xuất. Bởi lẽ, vào năm 2003, gia đình họ đã từng bị thu hồi đất để thực hiện dự án Cụm dân cư vùng ngập lũ xã Trung Hưng nên quỹ đất để sản xuất không còn nhiều.

Cần Thơ: Dân lo mất đất dù chính quyền đã hủy bỏ các quyết định cưỡng chế

Chị Nguyễn Thị Việt Thúy lo lắng gia đình chị không còn đất sản xuất nếu bị thu hồi đất lần thứ 2.

“Tôi thật sự lo lắng sẽ không còn đất để sản xuất. Nếu lần này bị thu hồi đất nữa là gia đình chúng tôi bị thu hồi đất lần thứ 2, đất đâu còn mà trồng trọt, mà mưu sinh. Mặt khác, với số tiền bồi thường đó, tôi chắc chắn không đủ khả năng để mua một mảnh đất khác bằng với diện tích đất bị thu hồi. Cho nên, rất mong Nhà nước xem xét quy hoạch dự án cải tạo xây dựng Trường tiểu học Trung Hưng 1 về một hướng đất khác, để các chị em tôi còn lại ít đất mà làm ăn, sinh sống”, chị Nguyễn Thị Việt Thúy nước mắt lưng tròng nói.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan cần xem xét giải quyết hợp tình, hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân và tạo điều kiện để họ an cư, lạc nghiệp.

Lâm Khải Minh