Vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại: Tạo bệnh án giả, nguyên đơn cố tình vắng mặt tại Tòa
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:13, 11/05/2018
Thậm chí, người đại diện theo ủy quền của công ty này còn nhờ bác sỹ giả tạo hồ sơ bệnh án để “hợp thức hóa” việc hoãn phiên tòa khiến vụ kiện trở nên kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy cho bên bị đơn.
Theo hồ sơ vụ việc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Nam là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa” mà nguyên đơn là Công ty TNHH Posco VST (gọi tắt là Posco VST). Trong đơn khởi kiện, Posco VST yêu cầu bị đơn thanh toán hàng hóa xuất phát từ các Hợp đồng mua bán hàng hóa là mặt hàng thép không gỉ với tổng số tiền còn nợ là hơn 58 tỷ đồng. Vụ việc đã được TAND quận Nam Từ Liêm thụ lý theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi xem xét hồ sơ và các tài liệu kèm theo, ngày 15/4/2016, TAND quận Nam Từ Liêm có quyết định đưa vụ án ra xét xử lần thứ nhất. Tuy nhiên, trước ngày diễn ra phiên xét xử, ông Vũ Văn Tú là đại diện theo ủy quyền của Công ty Posco VST đã có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do cần thêm thời gian để thu thập các chứng cứ bổ sung về việc chứng minh số nợ của Công ty Thành Nam.
Sau một tháng, khi phiên tòa xét xử lần 2 sắp diễn ra thì ngày 15/5/2016, ông Nguyễn Thanh Hiền là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Posco VST cũng lại có đơn xin hoãn phiên tòa với do chưa có nhiều thời gian để sao chụp tài liệu cũng như nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ lưỡng và đầy đủ.
Đến ngày 19/7/2016, TAND quận Nam Từ Liêm tiếp tục có quyết định số 34/2016/QĐST-KDTM về việc đưa vụ án kinh doanh thương mại ra xét xử. Lần này, người đại diện theo ủy quyền của Công ty Posco VST là ông Phạm Trung Hiếu xin hoãn phiên tòa với lý do bị ốm. Do nguyên đơn vắng mặt nên TAND quận Nam Từ Liêm tiếp tục phải hoãn phiên tòa và thông báo cho các bên liên quan phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 17/8/2016.
Đơn xin hoãn phiên tòa của ông Phạm Trung Hiếu
Ngày 17/8, TAND quận Nam Từ Liêm lại tiếp tục nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của ông Phạm Trung Hiếu. Đơn ông Hiếu trình bày: “Ngày 8/8/2016 tôi nhận được giấy triệu tập đương sự của TAND quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, theo đó buổi xét xử sẽ diễn ra vào lúc 14h00 ngày 17/8/2016. Tuy nhiên tôi bị ốm nên phải vào viện khám chữa trị và hiện nay không đủ sức khỏe để tới tham dự phiên tòa được”. Đồng thời ông Hiếu gửi kèm đơn là “sổ khám bệnh” của Bệnh viện Đa khoa An Việt có chữ ký của BSCKI Bùi Thành Hà.
Mặc dù phiên tòa đã được ấn định, phía bị đơn luôn tham gia đầy đủ các lần triệu tập của tòa cũng như các phiên xét xử, nhưng nguyên đơn lại hết lần này đến lần khác không đến tham dự phiên tòa gây nhiều khó khăn cho HĐXX. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường cũng như để có căn cứ giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật, TAND quận Nam Từ Liêm đã tiến hành xác minh “hồ sơ bệnh án” của ông Phạm Trung Hiếu.
Tại biên bản xác minh vào hồi 11h15’ ngày 18/8/2016 giữa TAND quận Nam Từ Liêm và bà Nguyễn Thị Hoài An giám đốc Bệnh viện. Căn cứ vào sổ khám bệnh Tòa án cung cấp, bệnh viện đã làm việc với BSCKI Bùi Thành Hà, Bác sỹ Hà thừa nhận, vào hồi 16h05’ ngày 17/8, ông Phạm Trung Hiếu có quen biết nên nhờ bác sỹ Hà ghi sổ khám bệnh để xin nghỉ phép vài ngày. Nghĩ không có vấn đề gì nghiêm trọng và do cả nể nên bác sỹ Hà đã viết đơn thuốc và ghi phần chẩn đoán bệnh giúp ông Phạm Trung Hiếu.
Bệnh viện cũng xác định bác sỹ BSCKI Bùi Thành Hà là bác sỹ khoa ngoại, không phải bác sỹ đa khoa hay chuyên khoa nội, không được giao nhiệm vụ khám bệnh tại phòng khám của bệnh viện. Ông Phạm Trung Hiếu không thực hiện việc khám chữa bệnh tại bệnh viện Đa khoa An Việt nên không có bệnh án. Đây là bệnh án giả tạo để ông Hiếu nại ra lý do vắng mặt tại phiên tòa.
Biên bản xác minh giữa TAND quận Nam Từ Liêm và Bệnh viện An Việt xác định ông Phạm Trung Hiếu không thực hiện việc khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Trong buổi tiếp xúc với phóng viên, đại diện Công ty Thành Nam khẳng định, mặc dù là bị đơn trong vụ án nhưng phía Thành Nam luôn đề cao uy tín, danh dự đặc biệt là sự thượng tôn pháp luật nên phía Thành Nam luôn tuân thủ mọi quy định pháp luật trong tố tụng và luôn có mặt theo các lần triệu tập của tòa án. Trong khi đó phía nguyên đơn liên tục tìm cách trì hoãn, kể cả giả mạo hồ sơ bệnh án để vắng mặt tại phiên tòa.
Liệu đây là sự vô tình của bác sỹ đã “trợ giúp” hay là hành vi cố ý làm giả mạo hồ sơ giấy tờ nhằm giúp một bên trong vụ tranh chấp trì hoãn xét xử gây khó cho Tòa? Liệu bác sĩ Bùi Thanh Hà khi tiếp tay cho việc làm kéo dài thời gian xét xử có biết được hậu quả thiệt hại về thời gian và uy tín thương trường mà bị đơn đã phải gánh chịu hay không? Và vì sao vụ tranh chấp này lại có dấu hiệu bất thường từ phía nguyên đơn như vậy? Báo Công lý sẽ tiếp tục đề cập thông tin.