Xã Phước Tân, TP. Biên Hoà, Đồng Nai: Cần làm rõ việc cưỡng chế nhà dân
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 11:09, 10/05/2018
Theo đó, trong đơn ông Long trình bày, ông được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), tổng diện tích 1.228,8m2. Trong đó, đất ở 90m2, đất trồng cây hàng năm khác 1.138,8m2, đất có nguồn gốc nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Đại Nguyên và ông Nguyễn Nam Hải.
Căn nhà ông Long trước và sau khi bị cưỡng chế đập phá
Trước khi nhận chuyển nhượng, ngày 14/11/2017 ông Long và ông Nguyên, ông Hải ký hợp đồng đặt cọc. Ngày 4/1/2018, các bên ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Văn phòng công chứng Hoàng Long tỉnh Đồng Nai. Sau khi đặt cọc, ông Nguyên và ông Hải bàn giao đất cho ông Long, vì ông Nguyên và ông Hải sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 14/12/2017, gia đình ông Long khởi công xây dựng căn nhà cấp 4 diện tích 85m2 trên thửa đất nhận chuyển nhượng, đến ngày 24/2/2018 thì xây dựng hoàn thành và chuyển cả gia đình về ở. Ngày 20/1/2018, gia đình ông Long ký hợp đồng cung cấp và sử dụng nước máy, ngày 21/3/2018 ký hợp đồng mua bán điện phục vụ sinh hoạt.
Ngày 29/12/2017, UBND xã Phước Tân đến kiểm tra nhà ông Long và tiến hành lập hai Biên bản vi phạm hành chính số 110/BB-VPHC đối với Nguyễn Nam Hải và số 111/BB-VPHC đối với ông Nguyễn Đại Nguyên. Mặc dù gia đình ông Long trình bày với đoàn kiểm tra là ông Nguyên và ông Hải đã chuyển nhượng QSDĐ cho ông Long, và ông Long là người xây dựng nhà ở.
Ngày 5/1/2018, UBND TP. Biên Hòa tiếp tục ban hành hai Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng số 75/QĐ-XPVPHC đối với ông Nguyễn Nam Hải và Quyết định số 77/QĐ-XPVPHC đối với ông Nguyễn Đại Nguyên dán trước cửa nhà ông Long.
Ngày 2/2/2018, ông Nguyễn Văn Long được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số CM 271442. Ông Long tiếp tục yêu cầu UBND xã Phước Tân lập biên bản và quyết định xử phạt đúng đối tượng nhưng UBND xã không chấp nhận. Ngày 13/3/2018, UBND TP. Biên Hòa tiếp tục ban hành hai quyết định cưỡng chế buộc thực hiện Biện pháp khắc phục hậu quả số 1354/QĐ-CCXP đối với ông Nguyễn Nam Hải và Quyết định số 1355/QĐ-CCXP đối với ông Nguyễn Đại Nguyên.
Ngày 6/4/2018, gia đình ông Long thấy trên bức tường trước cửa nhà mình có dán hai tờ giấy khổ A4 thể hiện nội dung là Thông báo số 15/TB-UBND ngày 5/4/2018 và Thông báo số 17/TB-UBND ngày 6/4/2018 của UBND xã Phước Tân do ông Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân Huỳnh Thanh Phương ký.
Theo đó, UBND xã sẽ thực hiện việc cưỡng chế vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 12, 13, 14/4/2018 đối với công trình vi phạm của ông Nguyễn Đại Nguyên và ông Nguyễn Nam Hải tại thửa đất số 144, tờ bản đồ số 32, ấp Tân Cang, xã Phước Tân.
Sáng 13/4/2018, đoàn cưỡng chế do ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân dẫn đầu đến cưỡng chế phá dỡ nhà ông Long. Trước khi phá dỡ, đoàn đã đọc Quyết định số 1354/QĐ-CCXP và Quyết định số 1355/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Nguyễn Nam Hải và ông Nguyễn Đại Nguyên mà không phải ông Nguyễn Văn Long. Sau khi ông Long phản đối và cung cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, hợp đồng điện, nước và các giấy tờ khác chứng minh nhà của mình thì đoàn cưỡng chế đã tạm dừng. Đến khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, Đoàn cưỡng chế đã tiến hành phá dỡ nhà ông Long. Do phản đối việc đập nhà, 3 người nhà ông Long bị còng tay và ông Long bị áp giải lên xe đưa về trụ sở UBND xã Phước Tân lấy lời khai và cuối giờ chiều thi thả về.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại sao ông Long xây nhà trên đất ở đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng quyết định cưỡng chế lại áp dụng đối với Nguyễn Nam Hải và ông Nguyễn Đại Nguyên. Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho rằng ông Long được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ sau thời điểm UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính, UBND TP. Biên Hòa ban hành quyết định và ông Long không thừa nhận công trình xây dựng là của mình nên việc cưỡng chế là đúng quy định pháp luật.
Luật sư Đỗ Văn Nhặn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng thì nhà ở riêng lẻ là công trình xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân. Điểm k khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 quy định, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch xử - văn hóa. Căn cứ các quy định trên, việc ông Nguyễn Văn Long xây dựng nhà ở cấp 4 trên diện tích 90m2 đất ở tại nông thôn đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ không phải xin giấy phép xây dựng nếu thửa đất của gia đình ông Long không thuộc khu bảo tồn, khu di tích lịch xử - văn hóa. Việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ nêu trên là trái với quy định của pháp luật.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, Luật sư Huỳnh Công Thư, Đoàn Luật sư tỉnh Long An cho biết, bản chất của xử phạt hành chính là xử phạt hành vi của người vi phạm chứ không phải phạt trên tài sản, cho nên việc lập biên bản vi phạm xây dựng phải đúng người có hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, dù khi ra quyết định hành chính là đúng đối tượng thi hành nhưng khi cưỡng chế thi hành thì tài sản đã được chuyển cho chủ khác. Lẽ ra, UBND xã phải điều chỉnh lại quyết định nhưng ở đây lại để nguyên quyết định cũ cưỡng chế là ảnh hưởng đến quyền lợi về tài sản của ông Long được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, việc cưỡng chế không đúng đối tượng có hành vi vi phạm, không phát huy được tác dụng của việc xử phạt.
Hơn nữa, UBND xã trả lời đất không được xây dựng do đã có thông báo thu hồi đất và giới thiệu địa cho doanh nghiệp là không có căn cứ và trái pháp luật. Chỉ khi nào đất có quyết thu hồi đất thì mới không thuộc diện được cấp phép xây dựng. Theo quy định của pháp luật, ông Long được quyền khởi kiện vụ án hành chính đến TAND có thẩm quyền để yêu cầu UBND xã bồi thường.