Quốc hội đã thông qua Luật Biển: Vũ khí pháp lý khẳng định chủ quyền
Chính trị - Ngày đăng : 06:30, 29/06/2012
Quốc gia có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là một tin vui đối với nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế.
Được biết, trong khi thảo luận tại Quốc hội thái độ của Việt Nam rất thiện chí, trên tinh thần nếu có tranh chấp thì phải thương lượng một cách hòa bình. Đương nhiên là mỗi quốc gia đều có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình. Hai nữa Việt Nam luôn luôn quan tâm đến các cam kết quốc tế. Ví dụ khi thảo luận về khoản đối với tàu quân sự các nước đi ngang qua lãnh hải của Việt Nam nếu không gây tác hại gì cả thì yêu cầu họ phải xin phép hay chỉ cần thông báo thôi? Cuối cùng tất cả đại biểu Quốc hội đều phản ảnh là chỉ cần thông báo. Điều này đã thể hiện Việt Nam hoàn toàn muốn tạo những điều kiện thuận lợi và góp phần vào việc sử dụng giao thương trên biển được thuận lợi.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật biển Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Như thế có nghĩa là thái độ của Việt Nam hết sức mong sự hòa hiếu, mong tất cả các quốc gia đều phải có những cam kết chung bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền của mình. Còn sự tranh chấp về chủ quyền nếu có xảy ra thì phải thương thảo, phải thảo luận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp luật, hiếm có bộ luật nào mà hiệu lực chính trị đối ngoại của luật đã có ngay từ khi được biểu quyết thông qua. Đó là phản ứng vô lý của Trung Quốc. Hẳn vì vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Viêt Nam đã cho rằng, “đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam”.
Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.”
Dư luận khu vực cho rằng với Luật Biển, Việt Nam coi như đã được trang bị cho mình vũ khí pháp lý mới trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo chính đáng của mình. Đó là sự tái khẳng định chính thức nhất về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bất chấp sự chiếm đóng bằng vũ lực phi pháp của Trung Quốc.
Bảo Dân