Cố ý gây thương tích hay phòng vệ chính đáng?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:08, 11/01/2018
Vô cớ bị chém
Theo đơn trình bày của ông Nguyễn Văn Hòa và ông Nguyễn Văn Bình (cùng SN 1978, trú thôn An Định, xã Hòa Bắc, Hòa Vang, TP Đà Nẵng): Ngày 4/1/2017, gia đình của hai ông làm tuần 14 ngày cho mẹ tại địa chỉ thôn An Định, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Đến tham gia dùng bữa tối với gia đình hôm đó có 9 người hàng xóm. Khoảng 21 giờ cùng ngày có 3 thanh niên đi trên một chiếc xe máy dừng lại hỏi mua card điện thoại, quá trình mua card 3 thanh niên này có những lời nói khó nghe, chửi tục nên anh Trần Quang Nhị (SN 1990) ngồi trong bàn lên tiếng phản ứng liền bị 3 thanh niên dùng điện thoại yêu cầu người đầu dây “Tụi bay đem hàng lên cho ta chém bọn này…”.
“Chừng hơn 10 phút sau có hàng chục thanh niên đi trên nhiều xe máy đến trước nhà, rồi cả nhóm thanh niên cầm đao kiếm lao về chỗ chúng tôi ngồi chém tới tấp. Lúc này mọi người chạy tán loạn, một thanh niên cầm đao chém anh Bình, lúc này anh Bình vì né nhát chém nên bị té xuống sàn nhà. Thấy vậy thanh niên này tiếp tục truy sát nên anh Nhị ở gần đó nhặt được cây sắt hình chữ T đưa lên đỡ cho anh Bình. Còn tôi bị một thanh niên khác chém trúng vùng mắt. Một lúc tôi nghe có người hô “công an đến” thì tôi bị ngất đi khi tỉnh lại tôi thấy một thanh niên nằm ngoài đường bị đứt lìa một cách tay được đồng bọn và Công an chở đi cấp cứu… ”- Đơn của hai ông tường thuật lại sự việc.
Người dân thôn An Định, xã Hòa Bắc, Hòa Vang, TP Đà Nẵng trình bày sự việc với PV Báo Công lý.
Cũng theo lời ông Hòa, khi vụ việc xảy ra vì quá đột ngột nên những người có mặt tại hiện trường “dạt” ra tứ phía, chỉ có các ông Hòa, Bình, Nhị, Công là bị các thanh niên này tấn công tới tấp. Và, họ khẳng định, không hề quen biết, không có mâu thuẫn gì trước đó với nhóm thanh niên này vì vậy khi sự việc xảy ra họ đều thụ động, bất ngờ không thể chống cự được.
Ông Nguyễn Hữu Ngữ (SN 1957) là một trong những người lớn tuổi có mặt và chứng kiến toàn bộ sự việc diễn ra tối hôm đó cho biết: "Chúng tôi không biết những thanh niên trên là ai, từ đâu đến mà cũng không có hiềm khích gì nhau nên càng không hiểu lý do mà nhóm thành niên xuống tay tàn độc. Cũng may, hôm đó không có trẻ con, nếu không hậu quá sẽ khó lường. Quả thực hôm đó anh Nhị không nhanh tay dùng thanh sắt đỡ thì anh Hòa và anh Bình đã bỏ mạng rồi. Hỗn loạn, nhóm thanh niên quá đông nên mới xảy ra tình trạng chính người trong nhóm chém nhau khiến một thanh niên đứt lìa cánh tay. Tôi khẳng định và cam đoan trước pháp luật anh Hòa, anh Bình là người bị truy sát đến cùng và chính là bị hại của vụ án…”.
Cũng có mặt và chứng kiến vụ việc ngay từ đầu, ông Nguyễn Tâm (1968) cho biết thêm: “Việc các thanh niên này vô cớ dùng đao kiếm chém xối xả vào chúng tôi quả thực là điều không hiểu được. Trong quá trình chống đỡ, anh Nhị là người đã dùng thanh sắt chống đỡ lại thanh niên tấn công anh Hòa, anh Bình và gây thương tích cho thanh niên này nên đã bị tạm giam. Riêng đối với anh Hòa và anh Bình là người bị hại hoàn toàn, tôi không hiểu vì sao cũng bị khởi tố và giờ hai anh trở thành bị can của vụ án… Chúng tôi đề nghị Tòa án xét xử nghiêm minh, làm rõ trắng đen để cứu người dân vô tội”. Không chỉ ông Ngữ, ông Tâm mà nhiều người khác chứng kiến vụ việc đều cho rằng việc khởi tố, truy tố ông Hòa và ông Bình tội danh trên là không đúng.
Bị truy tố tội Cố ý gây thương tích
Nhận được cáo trạng số 50/KSĐT ngày 3/11/2017, VKSND huyện Hòa Vang truy tố ông Hòa và ông Bình về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Khoản 3 Điều 104 BLHS, hai ông đều có ý kiến cho rằng cáo trạng thể hiện nhiều nội dung không đúng như sự việc xảy ra trước đó.
Thứ nhất, lúc này trong khi gia đình các ông đang làm tuần cơm cúng mẹ, mời người dân đến dự thì nhóm của Nghĩa mang hung khí nguy hiểm là dao kiếm đến chém tới tấp, có nghĩa ông Hòa, ông Bình và mọi người hôm đó đều là những người thụ động.
Thứ hai, không chỉ ông Hòa, ông Bình mà những nhân chứng có mặt tại hiện trường đều khẳng định không hề nói hay nghe ai nói câu “nếu tụi nó lên thì đánh lại” như cáo trạng nêu.
Ông Bình cho biết: “Chính vì thụ động nên khi nhóm Nghĩa vác dao xông vào mọi người mạnh ai nấy chạy, “vớ” được thứ gì phòng vệ thì dùng thứ ấy. Nếu có sự chuẩn bị thì chúng tôi phải để sẵn nơi dễ lấy và vũ khí ít nhất cũng phải tương xứng với vũ khí của nhóm Nghĩa mới đúng. Đằng này chúng tôi, người thì cán cuốc, người gậy, người thanh sắt hoen rỉ... như vậy sao nói chúng tôi có sự chuẩn bị, bàn bạc... Như vậy là VKS đang cố kết tội chúng tôi một cách oan uổng”, ông Bình nói.
Cũng theo lời ông Bình, khi ông đang ở vào thế bị động có thể mất mạng thì theo phản xạ sử dụng những vật nói trên để chống trả lại là một sự phòng vệ chính đáng. Nếu không có sự kháng cự này, thử hỏi với lực của một đường kiếm chặt đứt phăng một cánh tay (người thuộc nhóm Nghĩa) liệu tính mạng của các ông có được đảm bảo?
Còn ông Hòa bức xúc: “Trong thời khắc thấy tôi và ông Bình nằm vào thế vô cùng nguy hiểm, có thể mất mạng nên ông Nhị mới dùng thanh sắt để chống trả nhằm ngăn chặn hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Vậy thì hành vi chống trả nhưng gây thương tích cho đối phương của ông Nhị có phải “do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hay không? Riêng tôi và ông Bình có sử dụng cán cuốc chống trả nhưng không gây thương tích cho bất cứ một ai. Không chỉ vậy sự việc xảy ra bất ngờ, đột ngột nên mỗi người mỗi cách nghĩ, mỗi người một cách giải quyết, không ai biết người kia sẽ làm gì trong tình huống hỗn tạp, vậy mà cơ quan pháp luật lại quy kết trách nhiệm chúng tôi tội đồng phạm”.
Được biết ông Hòa và ông Bình liên tục có đơn cầu cứu gửi các cơ quan cấp trung ương xem xét. Trong vụ án này, hai ông có thực sự từ bị hại bị “biến” thành người có hành vi phạm tội hay không, dư luận đặc biệt quan tâm và đang chờ sự phán quyết của HĐXX trong phiên tòa sắp tới.