Phản hồi bài báo “Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng chặn điện thoại của các phóng viên”: Cần nhìn thẳng vào sự thật, xử lý nghiêm các sai phạm
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 23:39, 04/10/2017
Vi phạm giảm nhưng còn phức tạp, “không thể chấp nhận”
Theo Công văn số 3005/SXD-TTrSXD nêu: Trong năm 2016, trên địa bàn thành phố có 5.179 công trình xây dựng, số vụ vi phạm trật tự xây dựng là 1.010 vụ. 9 tháng đầu năm 2017, có tổng số 4.388 công trình xây dựng, số vụ vi phạm trật tự xây dựng là 587 vụ, tỷ lệ vi phạm giảm 31% so với năm 2016, như vậy vi phạm đã giảm, không tăng, và cho rằng nội dung bài báo “áp đặt chủ quan, số liệu không khách quan, trung thực”.
Công văn phản hồi Báo Công lý do ông Phùng Văn Thanh, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng ký
Về nội dung này, Báo Công lý ngày 27/9/2017 có nêu: "Theo dư luận phản ánh, từ khi ông Phùng Văn Thanh nhậm chức (01/7/2016) tới nay, tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở TP Hải Phòng vẫn lộn xộn tới mức không thể chấp nhận với hàng nghìn công trình vi phạm, gây bức xúc dư luận. Thống kê của chính Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng cho biết, năm 2016, toàn thành phố có 1.010/5.179 công trình xây dựng vi phạm, chiếm tỷ lệ 1/5. Cụ thể: 193 công trình xây dựng vượt tầng; 46 công trình vi phạm chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng; 58 công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng; 449 công trình không có giấy phép xây dựng; vi phạm khác 264 công trình..."
Như vậy, bài báo nêu số lượng hàng nghìn công trình vi phạm như trên trong hơn một năm là quá nhiều, điều đó cho thấy thực trạng quản lý trật tự vi phạm có sự bất cập, chứ không đề cập đến việc tăng hay giảm số vụ vi phạm. Bài báo cũng dẫn số liệu Thanh tra Sở Xây dựng cho biết: “Sang năm 2017, tình hình có chuyển biến nhưng đến ngày 28/6, toàn thành phố vẫn có 491/3.487 công trình vi phạm”.
Mặt khác, tại cuộc họp nghe báo cáo công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hải Phòng ngày 20/7/2017, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đã phải thẳng thắn phê phán: "Thực trạng về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố thời gian qua bị buông lỏng. Người dân và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều phiền hà khi thực hiện các thủ tục liên quan đến xây dựng. Thực tế còn nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng, thậm chí có công trình vi phạm nghiêm trọng vẫn ngang nhiên tồn tại hoặc xử lý rất chậm. Quan điểm của UBND thành phố là không chấp nhận tình trạng này".
Vì vậy, Báo Công lý cho rằng các số liệu trong bài viết là khách quan, trung thực, không áp đặt chủ quan như công văn phản ánh.
Tỷ lệ xử lý vi phạm ít, còn nương nhẹ
Bài báo nêu: Ông Vũ Thế Thủy, Đội trưởng Đội Thanh tra hành chính (Sở Xây dựng TP Hải Phòng) cho biết: Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương cưỡng chế, tháo dỡ 44 công trình; chỉ đạo tháo dỡ một công trình. Quả là những con số quá khiêm tốn so với số lượng công trình vi phạm cần phải làm rõ. Đó là con số trên sổ sách, còn trên thực tế, tới giữa tháng 8/2017 mới có 20 công trình đã và đang tháo dỡ; 3 công trình thành phố cho tồn tại; 17 công trình chưa có động thái gì. Điều đáng nói, trong số 20 công trình đã và đang tháo dỡ, việc thực hiện hết sức chậm chạp, như công trình của Công ty Cổ phần Nguyễn Vũ Gia, công trình Trường Cao đẳng nghề Bách nghệ Hải Phòng. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thống kê của Sở Xây dựng TP Hải Phòng cho thấy, năm 2016, chủ đầu tư các công trình xây dựng mới nộp phạt tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2017 nộp phạt hơn 2,9 tỷ đồng.
So với con số 1.600 công trình vi phạm từ năm 2016 đến nay, 491 công trình vi phạm năm 2017 thì tỷ lệ xử lý vi phạm như vậy là quá ít. Vì vậy, bài báo nêu “vi phạm hàng nghìn, xử lý vài chục” là đúng thực tế.
Mặt khác, theo Công văn số 3005/SXD-TTrSXD, ông Phùng Văn Thanh viện dẫn nhiều lý do khách quan và chủ quan và nêu việc kỷ luật 2 cán bộ cấp đội, kiểm điểm rút kinh nghiệm 4 công chức thanh tra xây dựng, điều động 7 công chức sang vị trí công tác khác… là đã “thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố” và “không có chuyện nương nhẹ người đứng đầu”.
Về việc này, Báo Công lý cho rằng, không thể chấp nhận với bức tranh quản lý trật tự xây dựng nhiều sai phạm như vậy (để xảy ra hơn 1.600 công trình vi phạm chỉ trong hơn một năm) mà chỉ kỷ luật 2 cán bộ cấp đội, kiểm điểm một vài cá nhân, tập thể khác, cộng với điều động 7 công chức (xin nói thêm kiểm điểm, phê bình và điều chuyển không phải là hình thức kỷ luật theo Luật), và việc kiểm điểm nhiều nhưng chỉ xử lý bằng cách phê bình, chưa làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu, nhất là lực lượng Thanh tra xây dựng các địa phương và lãnh đạo ngành xây dựng là có sự nương nhẹ.
Chưa thực hiện nghiêm túc Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ
Trong Công văn số 3005/SXD-TTrSXD mặc dù có hẳn một mục đề cập vấn đề này nhưng ông Phùng Văn Thanh không nêu rõ có hay không việc chặn số điện thoại phóng viên mà chỉ bao biện rằng “Trong một số cuộc họp quan trọng, nhiều cuộc điện thoại gọi đến không trả lời ngay. Tuy nhiên, Sở Xây dựng luôn tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản hồi của các cá nhân, tập thể để công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng được hoàn thiện hơn. Từ trước đến nay, Sở luôn bố trí các bộ phận nghiệp vụ tiếp thu tổng hợp ý kiến để báo cáo lãnh đạo”.
Giải thích trên của lãnh đạo Sở Xây dựng là không thuyết phục, vì không chỉ một mà phóng viên các báo liên hệ hỏi về sự việc trên đều bị ông Thanh chặn điện thoại ngay sau khi nghe thông tin là phóng viên. Hành vi của ông Thanh đã vi phạm khoản 2 Điều 3 Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ về người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã quy định rõ:
“Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức, cấp tỉnh thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương, gồm:
a) Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước;
b) Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Trong trường hợp này, ông Phùng Văn Thanh đã không cung cấp thông tin, cũng không ủy quyền hay giới thiệu phóng viên làm việc với các bộ phận khác, mà lại chặn số điện thoại là một việc làm không phù hợp với chức trách nhiệm vụ được quy định cũng như đạo đức công vụ, thể hiện sự thiếu tôn trọng báo chí, công luận.
Được biết trao đổi với báo chí về sự việc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết sẽ kiểm tra, chấn chỉnh và cũng không đồng tình với cách hành xử này.
Như vậy, Báo Công lý khẳng định nội dung bài báo phản ánh là khách quan, trung thực, đúng bản chất sự việc. Việc Sở Xây dựng Hải Phòng đề nghị báo cải chính thông tin là không có căn cứ.
Qua sự việc trên cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong quản lý, khắc phục những hạn chế trong quản lý xây dựng, giảm tỷ lệ công trình vi phạm 31% nhưng tình hình quản lý xây dựng trên địa bàn TP Hải Phòng vẫn còn diễn biến phức tạp, như nhận xét của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố là “không thể chấp nhận”. Rất mong lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hải Phòng nhìn thẳng vào sự thật, tiếp thu kịp thời những nội dung phản ánh của báo chí, công luận, sớm chấn chỉnh các bất cập và xử lý rốt ráo các công trình vi phạm đã được UBND thành phố kết luận, nhất là các công trình của Công ty Cổ phần Nguyễn Vũ Gia và Trường Cao đẳng nghề Bách nghệ Hải Phòng.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.