Thanh tra việc cấp “sổ đỏ” tại Bắc Quang – Hà Giang: Sai từ đâu?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:26, 11/07/2017
Như Báo Công lý đã thông tin, liên quan đến vụ việc thanh tra về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho một số hộ trên địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, người trực tiếp tham gia vào quá trình cấp GCNQSDĐ là ông Nguyễn Ngọc Tân – nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Việt Quang khẳng định rằng việc xác nhận và cấp GCNQSDĐ cho các hộ là đúng quy định pháp luật.
Xét đề nghị của Chánh thanh tra tỉnh Hà Giang, ngày 20/6/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định số 1127/QĐ-UBND quyết định Thanh tra lại kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra theo quyết định của UBND huyện Bắc Quang.
Quyết định Thanh tra lại kết quả thanh tra theo Quyết định số 3934/QĐ-UBND của UBND huyện Bắc Quang
Giải thích về các vấn đề xoay quanh việc thanh tra và Kết luận thanh tra số 105, Luật sư Ngô Văn Nam (Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải tiến hành thanh tra lại vì việc thanh tra của Đoàn thanh tra theo quyết định của UBND huyện Bắc Quang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về thời hạn thanh tra và nội dung Kết luận thanh tra số 105 có nhiều điểm chưa phản ánh đúng thực tế quản lý sử dụng đất và giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Luật sư Nam nêu quan điểm, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Luật Thanh tra thì thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do thanh tra huyện, thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra. Tuy nhiên, trong vụ việc này, việc thanh tra của Đoàn thanh tra tại các cơ quan kéo dài hơn 5 tháng (từ ngày 23/10/2015 đến ngày 28/3/2016) và việc ra Kết luận thanh tra sau khi có báo cáo của trưởng đoàn thanh tra từ ngày 12/4/2016 đến ngày 25/5/2016 (43 ngày) là không đúng quy định của luật thanh tra và cần được xem xét lại.
Đánh giá về nội dung Kết luận 105, luật sư Ngô Văn Nam cho biết, qua thẩm định, xem xét hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc đất và hiện trạng sử dụng đất của các hộ có thể thấy rằng, việc xác nhận về nguồn gốc đất, loại đất là đúng với các hồ sơ giấy tờ về quyền sử dụng đất phù hợp với các chính sách pháp luật đất đai và đúng với hiện trạng sử dụng đất của các hộ gia đình.
Ông Nam phân tích, trong Kết luận 105, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang kết luận việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Vinh là: “Không có trích đo địa chính thửa đất theo quy định” và “Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất không đúng theo mẫu hướng dẫn...” Các nội dung kết luận này là không đúng với quy định bởi việc không có trích đo địa chính: Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì: “Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện các công việc tại Điểm a Khoản này, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);. Như vậy, trường hợp này, việc cấp GCNQSDĐ không cần trích đo địa chính bởi Khu đất đã có bản đồ địa chính.
Về việc chuyển mục đích sử dụng đất: Tại Kết luận 105 xác định: “Loại đất kê khai đăng ký không đúng với hiện trạng (đất trồng rừng (cây keo) nhưng lại kê khai là đất trông cây lâu năm)” và “Không đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất: Chưa có GCNQSDĐ và vị trí chuyển mục đích sử dụng đất không nằm trong quy hoạch là đất ở” là không có căn cứ bởi: Khoản 1 Điều 51 Luật Đất đai năm 2013:
“1. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải rà soát, điều tra bổ sung để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy định của Luật này khi lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016 - 2020).”.
Quy hoạch sử dụng đất xét duyệt tại Quyết định 1418 là quy hoạch trước khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực nên theo quy định trên, các cơ quan được phép rà soát bổ sung điều chỉnh quy hoạch. Khi tiến hành cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất trong giai đoạn đang rà soát để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, pháp luật không có quy định nghiêm cấm chuyển mục đích sử dụng đất.
Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Vinh cũng phù hợp với chủ trương phát triển dân cư, tạo quỹ đất ở tăng thêm của các xã, thị trấn đã được ghi nhận tại Kế hoạch số 109/KH-BCĐ ngày 05/5/2017 của BCĐ phát triển trung tâm các xã, thị trấn theo hướng đô thị về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và Chương trình hành động phát triển trung tâm các xã, thị trấn theo hướng đô thị giai đoạn 2016-2020 ngày 30/12/2016 của UBND huyện Bắc Quang sau này.
Ngoài ra, về nội dung kết luận liên quan đến việc kê khai đăng ký không đúng với hiện trạng (đất trồng rừng (cây keo) nhưng lại kê khai là đất trông cây lâu năm) ông Nam lý giải, theo quy định tại Thông tư 28/2004/TT-BTNMT “Đất trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng trên một năm từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch…” . Cây keo là trồng trên 01 năm là nhóm cây lâu năm nên việc kê khai và trên GCNQSDĐ xác định phần diện tích đất trồng cây lâu năm là đúng. Như vậy, qua một số căn cứ ở trên có thể thấy Kết luận thanh tra có nhiều điểm không phù hợp với các quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tân cho biết, sau khi nhận được kết luận thanh tra số 105/KL của UBND huyện Bắc Quang thấy không đúng với quy định pháp luật và nội dung kết luận không đúng với hiện trạng thực tế sử dụng đất, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức nên đã có đơn kiến nghị gửi lên cấp tỉnh đề nghị cần phải làm sáng tỏ các vấn đề để có biện pháp xử lý hợp tình, hợp lý.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.