Thanh Hóa: Người dân bức xúc vì bị buộc di dời, phá dỡ nhà cửa
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:20, 23/06/2017
Theo phản ánh của 20 hộ dân thôn Thanh Bình, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đường Quốc lộ 10 mới chạy qua thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 2 năm nay. Đoạn đường Quốc lộ cũ (dài chừng 300m) trở thành đường cụt. Nhưng chính quyền xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa lại đưa phương tiện, máy móc về để phá dỡ một số công trình của 20 hộ dân mà theo chính quyền địa phương là vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
Đơn cử, vào sáng ngày 20- 22/6, chính quyền xã Hoằng Xuyên đã thành lập đoàn đưa máy xúc, phương tiện đến để tiến hành san ủi, phá dỡ một số công trình của các hộ dân. Tại đây, đoàn đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các hộ dân.
Đoạn Quốc lộ 10 cũ dài 300m (trái) chạy song song với Quốc lộ 10 mới (phải).
Chị Nguyễn Thị Hiền (trú tại thôn Thanh Bình, xã Hoằng Xuyên) cho biết: “Sáng 20/6, dù cả gia đình đóng cửa đi vắng, tuy nhiên, chính quyền xã đã cho người, máy móc đến phá dỡ một số công trình của gia đình. Dù thế nào đi nữa, chính quyền đưa người, máy móc đến phá dỡ một số công trình nhà tôi, trong khi gia đình đi vắng là trái pháp luật.”
Còn ông Vũ Ngọc Tân (72 tuổi, trú thôn Thanh Bình) bức xúc: “Ban đầu 20 hộ dân chúng tôi nhận được thông báo từ xã, yêu cầu các hộ phải tháo dỡ phần công trình vi phạm và lui vào 5m từ mặt đường, các hộ đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, đến ngày 19/6, chính quyền xã tiếp tục mời các hộ đến họp và yêu cầu phải phá dỡ và lui thêm vào 15m nữa để trả lại hành lang an toàn giao thông cho đoạn Quốc lộ cũ. Trước kia, khi xây dựng nhà thì không thấy chính quyền xã có ý kiến hoặc ngăn cản gì. Giờ đây, xây xong rồi lại buộc chúng tôi phá dỡ. Thử hỏi cả căn nhà phải phá lui 20m chiều sâu thì còn gì là nhà nữa. Nếu đường không nắn thì chúng tôi tuân thủ quy định nhà nước, nay Quốc lộ đã nắn đi chỗ khác thì đây là đường dân sinh. Vì vậy, chính quyền phải thực tế, cái gì có lợi cho dân thì làm".
Người dân bức xúc vì chính quyền tới phá dỡ các công trình, nhà ở.
Trao đổi về vấn đề trên ông Lê Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên thừa nhận: "Thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, ngày 20/6 xã đã đưa máy móc, phương tiện, con người về để tháo dỡ một số công trình của 20 hộ dân vi phạm. Chúng tôi thực hiện theo Chỉ thị 04 của tỉnh về xử lý lấn chiếm đất đai, hành lang an toàn giao thông và sau đó huyện cũng chỉ đạo xã phải khẩn trương tháo dỡ các công trình vi phạm của các hộ. Việc đưa người, máy móc, phương tiện về với mục đích là để hỗ trợ người dân trong việc phá dỡ, san lấp những hạng mục vi phạm chứ tuyệt nhiên không có chuyện cưỡng chế. Tại thời điểm chúng tôi triển khai có một vài hộ dân đi vắng. Tuy nhiên, những trường hợp này là người thân của họ đã có ý kiến nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ tháo dỡ.
Quốc lộ 10 mới đã hoàn thành, thế nhưng, hiện tại đoạn Quốc lộ cũ trên vẫn đang thuộc quyền quản lý của Cục Đường bộ và chưa được bàn giao cho địa phương quản lý nên chúng tôi phải tiến hành xử lý tháo dỡ một số công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông. Trong trường hợp Cục Đường bộ bàn giao về cho địa phương và trình qua các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, nếu được chuyển thành đất ở thì trong số 20 hộ dân trên sẽ được ưu tiên để mua lại diện tích đã lấn chiếm".
Ông Lê Trọng Trường, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hoằng Hóa cho hay: "Trước đây, chính quyền xã Hoằng Xuyên đã thực hiện chưa tốt, buông lỏng quản lý để các hộ dân lấn chiếm đất, xây nhà vi phạm hành làng an toàn giao thông. Sau khi tiến hành rà soát, kiểm tra lại, huyện đã yêu cầu xã Hoằng Xuyên phải khẩn trương giải tỏa các trường hợp lấn chiếm trả lại hành lang an toàn giao thông. Do đoạn Quốc lộ 10 cũ vẫn thuộc quyền quản lý của Cục Đường bộ và chưa được bàn giao cho huyện nên chưa thể lên phương án hay có kế hoạch để chuyển mục đích từ đất giao thông sang đất ở".
Thiết nghĩ, chủ trương giải tỏa hành lang an toàn giao thông là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên khi Quốc lộ đã thay đổi thì chỉ giới hành lang phải thay đổi theo. Việc bàn giao của cơ quan quản lý với chính quyền địa phương chỉ là thủ tục trên giấy. Cái cốt yếu phải giải quyết được lợi ích của nhân dân trên cơ sở thực tế có thay đổi, biến động chứ không cứng nhắc, rập khuôn.