Khai thác cát tràn lan ở Vĩnh Phúc - Bài 5: UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói gì?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 08:26, 19/06/2017
Thừa nhận có “việc nọ, việc kia”
Ngày 16/5/2017, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Cao Lục- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh giải trình, làm rõ về 6 vấn đề, trong đó có nhiều vấn đề báo chí, dư luận quan tâm. Trong đó, nổi bật là công tác quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản ở Vĩnh Phúc vẫn bộc lộ không ít bất cập, yếu kém, gây bức xúc cho nhiều người dân.
Như tình trạng khai thác cát sỏi trên các dòng sông chảy qua địa bàn tỉnh diễn ra ngang nhiên tại xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông; đất nông nghiệp bị cuốn trôi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống đê kè.
Bên cạnh đó, thường xuyên xảy ra hiện tượng xung đột giữa các doanh nghiệp và người dân gây mất trật tự trên địa bàn. Các công trường khai thác tài nguyên trái phép vẫn diễn ra công khai; một số khu vực đồi núi bị “băm” nham nhở, khiến đất đai bị tàn phá.
“Tổ công tác mong muốn tỉnh làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với tình trạng này như thế nào, tỉnh có giải pháp gì khắc phục”, ông Lục nói.
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khước- Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc cho biết: “Trước năm 2013, tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn sông Lô rất phức tạp; việc khai thác cát trái phép diễn ra thường xuyên. Có cả tình trạng cát tặc dùng súng hoa cải bắn nhau, gây thương tích cho người dân để tranh chấp vị trí khai thác, khiến trật tự trên địa bàn diễn biến rất phức tạp. Bộ Công an phải vào cuộc xử lý. Nhưng từ sau năm 2013, tình hình đã được cải thiện, không còn tình trạng tranh chấp, đánh nhau với người dân”, vị này giải thích thêm.
Còn tình trạng sạt lở đất tại xã Đôn Nhân, theo ông Khước là không mới. Bước đầu xác định nguyên nhân là do khu vực bờ sông có kết cấu đất yếu, bờ rời, bên dưới chủ yếu là lớp đất cát, dễ sạt lở khi có biến động dòng chảy.... “Các ngành xác định nguyên nhân không phải do khai thác cát gây ra. Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân tại vị trí sạt lở” – ông Khước khẳng định.
Ngoài ra, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng thừa nhận trong quá trình cấp phép các dự án khai thác cát sỏi có “việc nọ, việc kia”, nên Thường vụ Tỉnh ủy đã ra nghị quyết để bảo đảm an ninh nông thôn, không gây ra bất ổn.
Theo đó, không cấp phép mới việc khai thác trên sông Lô, chỉ thực hiện những dự án cũ. Còn khai thác cát đen trên sông Hồng thì tạm dừng không cấp phép. Trên sông Lô có 6 đơn vị được cấp phép khai thác cát sỏi với tổng số lượng giấy phép là 9, nhưng hiện nay chỉ có 7 giấy phép đang hoạt động, 2 giấy phép tạm dừng.
Báo cáo thiếu trung thực với tổ công tác của Chính phủ
Như nội dung báo Công lý đã phản ánh trong các số báo trước, trong việc xác định nguyên nhân gây sạt lở tại Báo cáo số 170/TNMT-KS của Sở TN&MT Vĩnh Phúc cũng như ông Nguyễn Văn Khước- Giám đốc Sở Tài nguyên Môi Trường Vĩnh Phúc báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đều cho rằng nguyên nhân gây sạt lở là do: "Khu vực bờ sông có kết cấu đất yếu, bờ rời, bên dưới chủ yếu là lớp đất cát, dễ sạt lở khi có biến động dòng chảy. Hơn nữa, khi thủy điện sông Công đi vào hoạt động, mực nước sông Lô luôn thấp hơn trước đây dẫn đến kết cấu ven bờ khô kiệt” .
Văn bản số 200/UBND-TNMT, ngày 14/03/2017 của UBND huyện Sông Lô gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc ghi rõ nguyên nhân sạt lở có do quá trình khai thác cát
Tuy nhiên, tính pháp lý của kết luận này đều dựa vào các nghiên cứu trước đây, như việc ông Nguyễn Vĩnh Hải- Phó phòng Khoáng sản đã trao đổi với PV trong buổi làm việc trước đó. Như vậy, sau khi xảy ra sạt lở chưa hề có một công trình nghiên cứu, kiểm tra đánh giá nào được lập ra để có câu trả lời xứng đáng nhất cho người dân, cử tri nhân dân Vĩnh Phúc.
Việc báo cáo "gian dối" của Sở TN&MT càng thể hiện rõ trong nhiều văn bản báo cáo từ các xã có hoạt động khai thác cát. Đặc biệt, trong tháng 3 năm 2017, UBND huyện Sông Lô có một số văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc xử lý sự cố sạt lở đất nông nghiệp tại vị trí kè xã Đôn Nhân, trong đó đều xác định việc sạt lở có nguyên nhân từ việc khai thác cát.
Đơn cử, văn bản số 169/UBND-TNMT, ngày 01/03/2017 và văn bản số 200/UBND-TNMT, ngày 14/03/2017 của UBND huyện Sông Lô gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc ghi rõ: "Theo đo đạc thực tế của UBND xã Đôn Nhân, phần diện tích đất bị sạt lở khoảng 5000m2. Diện tích này là đất nông nghiệp (Quỹ đất 1) của gần 300 hộ dân,... Nguyên nhân sạt lở theo báo cáo của UBND xã Đôn Nhân do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hoạt động khai thác khoáng sản".
Văn bản số 22/PCTT-VP về tình hình sạt lở bờ sông Lô của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc xác định nguyên nhân sạt lở do hoạt động khai khoáng
Đặc biệt hơn nữa, ngày 18/09/2015, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 22/PCTT-VP về tình hình sạt lở bờ sông Lô ghi rất rõ: "Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, một trong những nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng là do Công ty CP tư vấn Đầu tư XD Bắc Ái khai thác khoáng sản không đúng quy định (vị trí khái thác lấn sâu vào bờ, độ sâu khai thác, quy trình khai thác, công nghệ khai thác...không đúng quy định) của giấy phép khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp; do số lượng tàu, thuyền neo đậu lớn trong phạm vi bảo vệ kè, bờ sông không có trụ neo cố định mà neo trực tiếp vào bãi đất và do quá trình hoạt động của tàu thuyền, phương tiện khai thác cát sỏi sát gần bờ tạo nên sóng vỗ vào bờ làm sạt lở.
Với nhiều văn bản của cơ quan các cấp trong nhiều năm gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT, đều khẳng định nguyên nhân gây sạt lở có nguyên nhân từ hoạt động khai thác cát. Nhưng điều khó hiểu tại sao Sở TN&MT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn khẳng định với Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ là chỉ do yếu tố tự nhiên?
Đề nghị Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra Chính phủ sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Khước- Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, ông Vũ Chí Giang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong việc cấp phép và quản lý sau cấp phép gây hậu quả nghiêm trọng.