Vụ cưỡng chế trái luật tại TP. HCM: Cơ quan THADS bị “tuýt còi”

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 14:16, 09/06/2017

Ngày 16/5 vừa qua, Cục THADS TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát Thông báo số 6541/TB-CTHADS và Quyết định số 172/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế thi hành án đối với Cty CP Trung Nam- đối tượng không có nghĩa vụ THA nhưng lại bị kê biên, đấu giá tài sản trái luật.

Tuy nhiên ngày 2/6/2017, VKSNDTC đã có văn bản yêu cầu VKSND TP. Hồ Chí Minh thực hiện công tác kiểm sát việc cưỡng chế thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Kê biên tài sản sai đối tượng, đấu giá trái quy định

Trong hai năm 2004 và 2005, Công ty Trung Nam I đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng 4.721m2 đất và nhà xưởng cho Công ty Thuận An (tên gọi cũ của Công ty CP Trung Nam). Việc chuyển nhượng đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật trước sự hướng dẫn chặt chẽ của các sở ngành như Sở Tư pháp, Sở TN & MT, UBND huyện Hóc Môn, Công ty CP Trung Nam đã được UBND TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.

Tuy nhiên, ngày 26/3/2010, cơ quan THADS TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định số 09/QĐ-THA: “Kê biên tài sản gồm quyền sử dụng đất thuê và quyền sở hữu nhà xưởng xây dựng trên diện tích 4.721m2 tọa lạc tại địa chỉ số 7/6 ấp Xuân Thới Đông, xã Tân Xuân (nay là ấp Xuân Thới Đông I, xã Xuân Thới Đông), huyện Hóc Môn của Công ty TNHH Trung Nam I hiện nay đã chuyển nhượng hợp pháp cho Công ty Trung Nam để đảm bảo thi hành án”.(?)

Đây là một điều "kỳ lạ" khi tài sản đã nhận chuyển nhượng hợp pháp nhưng vẫn bị kê biên. Quyền sở hữu tài sản của Công ty bị cơ quan thi hành án dân sự xâm phạm, đi ngược lại với chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp theo Điều 169 Bộ luật dân sự và Điều 5 Luật Doanh nghiệp.

Mặt khác, căn cứ Bản án số 42/KTPT ngày 6/9/2001 của Tòa phúc thẩm TANDTC và Bản án số 976/DSPT ngày 18/6/2003 của TAND TP. Hồ Chí Minh thì Công ty CP Trung Nam không phải là đối tượng thi hành án nhưng Chấp hành viên lại kê biên, bán tài sản hợp pháp của doanh nghiệp là sai về chủ thể, đối tượng và không đúng nội dung hai bản án trên.

Thời điểm ra quyết định kê biên, người phải thi hành án là Công ty TNHH Trung Nam I không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đã thanh lý hợp đồng thuê đất với UBND thành phố, không đủ điều kiện để kê biên theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ. Về việc này, ngày 17/3/2017, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Văn bản số 220/BDN xác định rất rõ.

Điều đáng nói, ngay sau khi có quyết định kê biên tài sản trái pháp luật, dù Công ty CP Trung Nam liên tục có đơn khiếu nại nhưng Cục THADS thành phố vẫn nhanh chóng chuyển hồ sơ cho công ty khác tổ chức bán đấu giá. Vì động cơ gì mà cơ quan thi hành án dân sự vội vàng bán tài sản của doanh nghiệp khi không đủ các điều kiện theo đúng quy định tại Điều 26 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ:  “Khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc bằng chứng khác chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó”. Sự “vội vàng” này phải chăng có điều ẩn khuất đằng sau?

Vụ cưỡng chế trái luật tại TP. HCM: Cơ quan THADS bị “tuýt còi”

Trong khi Công ty Trung Nam đang chờ đợi giải quyết khiếu nại, các lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.

Thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có căn cứ pháp luật

Trong Công văn số 2979/VKSNDTC-V7 gửi Công ty CP Trung Nam ngày 29/8/2012, VKSNDTC đã xác định: "Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Trung Nam I với Công ty Trung Nam là hợp pháp, do đã được Sở Tư pháp hướng dẫn thực hiện việc chuyển nhượng và Công ty Trung Nam đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Ngày 31/10/2014, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh ban hành Kết luận số 37 với nội dung: "Việc cấp GCN quyền sử dụng đất cho Công ty Trung Nam I là đúng trình tự, thủ tục quy định. Quá trình cập nhật việc chuyển nhượng giữa Công ty Trung Nam I và Công ty Thuận An trên cơ sở các bên cung cấp các hợp đồng chuyển nhượng có công chứng; Sở TN & MT không nhận được bất kỳ một yêu cầu nào về ngăn chặn việc chuyển nhượng của các bên có liên quan. Do đó, việc cập nhật thay đổi chủ sử dụng đất tại trang 4 của GCN số 202/QSDĐ/1996 ngày 6/12/1996 là đúng trình tự, thủ tục (BL 478)".

Ngày 29/12/2011, Bộ TN & MT có văn bản số 4892/BTNMT-TTr khẳng định:“Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty TNHH thương mại và dịch vị Trung Nam I là phù hợp với quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 111 và điểm a, khoản 2, Điều 110 Luật Đất đai năm 2003”.

Tuy nhiên, trước "đề nghị" của Cục THADS thành phố, ngày 29/3/2016, Sở TN & MT thành phố ra Quyết định số 792/QĐ-TNMT-VPĐK có nội dung "Về việc chấm dứt hợp đồng thuê đất và hủy bỏ nội dung đăng ký thay đổi chủ sử dụng đất, hủy bỏ nội dung chuyển quyền sở hữu trên các chứng từ liên quan hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất thuê thuộc thửa đất số 1703, tờ bản đồ số 1 tại ấp Xuân Thới Đông I, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn" của doanh nghiệp.

Việc Sở TN&MT thành phố thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan của cơ quan THADS, trong quyết định thu hồi, Sở TN&MT không dẫn ra được một văn bản pháp lý nào làm cơ sở cho việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty cổ phần Trung Nam.

Tại Văn bản mới nhất số 6152/BTNMT-TTr của Bộ TN & MT đã khẳng định: "Bộ TN & MT nhận thấy Công ty CP Trung Nam đã được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích 4721m2 nêu trên theo đúng quy định của pháp luật, do đó, việc thu hồi GCNQSDĐ được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015".

Như vậy, việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, Công ty CP Trung Nam không thuộc trường hợp bị thu hồi theo Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai, do đó, không thể bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc Sở TN & MT thành phố thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ đối với Công ty CP Trung Nam là trái với quy định của pháp luật đất đai.

Hiện nay, TAND TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý đơn khởi kiện của Công ty CP Trung Nam về việc “Khởi kiện quyết định hành chính trong quản lý đất đai”. Doanh nghiệp và công luận đang chờ đợi một phán quyết công minh.

Trước nhiều văn bản yêu cầu kiểm sát vụ việc thi hành án của các cơ quan Trung ương như Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Tư pháp Quốc hội,… để có cơ sở đánh giá việc thi hành án, VKSNDTC đã yêu cầu Cục THADS TP. Hồ Chí Minh cung cấp toàn bộ hồ sơ thi hành án để kiểm sát theo thẩm quyền.

Ngày 3/10/2016, VKSNDTC đã ban hành Văn bản số 3975/VKSTC-V11 kết luận nhiều sai phạm: Trong vụ việc này, cơ quan thi hành án dân sự vừa quyết định kê biên tài sản là quyền sử dụng đất (trong khi người bị kê biên là Công ty Trung Nam I không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trái với quy định của nghị định 164/2004); vừa quyết định cho rằng giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Trung Nam I với Công ty cổ phần Trung Nam là không có hiệu lực - đây là những hành vi vượt quá thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự. Việc nhận thức của Chấp hành viên đối với quy định của pháp luật còn hạn chế, dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác, không đúng nguyên tắc pháp chế. Với những vi phạm nêu trên, về nguyên tắc thì việc kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất trong vụ việc này phải bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

Tại Văn bản số 5151/VKSTC-V11 ngày 15/12/2016, VKSNDTC tiếp tục khẳng định: Chấp hành viên không tiến hành xác minh đầy đủ, toàn diện, chính xác, để xử lý kéo dài, khi không thể xử lý được nữa mới tiến hành xác minh và kê biên tài sản khác nhưng khi đó, tài sản đã được chuyển nhượng hợp pháp cho người khác. Chấp hành viên tiếp tục kê biên nhưng khi chưa có xử lý của cơ quan có thẩm quyền đối với giao dịch chuyển nhượng đó thì đã tổ chức định giá, bán đấu giá làm thay công việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không cho bên thứ ba đang thuê tài sản được tiếp tục thuê tài sản theo hợp đồng, dẫn đến làm phức tạp thêm tình hình, khiếu kiện kéo dài.

Mặc dù kết luận kiểm sát hồ sơ thi hành án dân sự của VKSNDTC đã rất rõ ràng, các sai phạm của cơ quan thi hành án dân sự cũng như chấp hành viên được khẳng định nhưng Cục THADS TP. Hồ Chí Minh vẫn “phớt lờ”, quyết cưỡng chế đối với doanh nghiệp.

Nhận được khiếu nại của Công ty CP Trung Nam về việc cưỡng chế tài sản, ngày 2/6/2017, VKSNDTC đã có Văn bản số 1169/VKSTC-V12 khẳng định lại nhiều nội dung phản ánh, khiếu nại của doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở, đồng thời yêu cầu VKSND TP. Hồ Chí Minh thực hiện công tác kiểm sát việc cưỡng chế thi hành án của Cục THADS TP. Hồ Chí Minh theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc này, trước đó Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có ý kiến tại Văn bản số 327/UBTP14 ngày 9 tháng 12 năm 2016 theo đó Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kết luận cụ thể nhiều sai phạm của Chấp hành viên trong quá trình áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, đánh giá nguyên nhân của các sai phạm và yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục xem xét một cách thận trọng, khách quan, đúng pháp luật.

Nhóm PVĐT