Chủ tịch EVN NPC và những quyết định sai lầm
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 13:24, 27/05/2017
Quyết định sai lầm
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước tại CTCP Xây lắp Điện lực 1 sau khi doanh nghiệp này tiến hành tăng vốn vào đầu năm ngoái.
CTCP Xây lắp Điện lực 1 tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp điện thuộc Công ty Điện lực 1 (nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc - EVN NPC), được tiến hành cổ phần hóa từ năm 2005.
Thời điểm đó, vốn điều lệ của Công ty ổn định ở mức 8 tỷ đồng, tương ứng 800.000 cổ phần. Trong đó Nhà nước là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48,31% bao gồm EVN NPC chiếm 29,21% và Công đoàn EVN NPC nắm giữ 19,1%.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN NPC Thiều Kim Quỳnh
Đầu năm 2016, EC1 chủ trương phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên ngày 25/4/2016, EVN NPC có Công văn số 1553 do Chủ tịch kiêm TGĐ Thiều Kim Quỳnh ký chỉ đạo không góp thêm vốn tại đây. Điều này khiến cho sau khi tăng vốn lên 40 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước tại EC1 chỉ còn là 5,84%, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông bên ngoài tăng từ 51,69% lên 90,34%.
Với việc chỉ còn 5,84% vốn Nhà nước, EC1 sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi khi đang sở hữu 2 mảnh đất sử dụng làm trụ sở và nhà làm việc ở An Dương - Tây Hồ (Hà Nội), có diện tích lần lượt là 3.350m2 và 8.109m2, được đánh giá là có vị trí đẹp, ngay giáp hai hồ điều hòa lớn nhất Thủ đô là hồ Tây và hồ Trúc Bạch.
Tổng giám đốc EVN khẳng định làm sai quy định
Theo báo cáo của Tổng giám đốc EVN ông Đặng Hoàng An, việc EVN NPC thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ tại CTCP nhưng không chuyển nhượng quyền mua là chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đồng thời chưa đảm bảo nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn EVN đầu tư tại EVN NPC theo quy định tại Điều 10 Điều lệ EVN NPC.
Khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015 quy định trường hợp vốn góp nhà nước đã đầu tư vào các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực nhà nước cần tiếp tục đầu tư thêm thì cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm. Nguyên tắc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.
Giải thích chưa đúng?
EVN NPC cho rằng theo quy định EVN NPC là cổ đông hiện hữu nên được quyền mua hoặc chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành tăng thêm. Tuy nhiên căn cứ kết quả định giá doanh nghiệp, giá trị 01 cổ phần EC1 theo Báo cáo tài chính ngày 31/12/2015 là 8.869 đồng, thấp hơn mệnh giá phát hành là 10.000 đồng. Như vậy EVN NPC xác định quyền mua cổ phần thuộc quyền mua của EVN NPC là 0 đồng/cổ phần, nên không thực hiện xem xét triển khai bán quyền mua theo quy định mà lựa chọn hình thức chuyển quyền mua cho cán bộ công nhân viên của EVN NPC.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng - VNBA, giải thích như trên là chưa đúng với quy định luật pháp hiện hành. Nghị định 91/2015 áp dụng cho tất cả các trường hợp chuyển nhượng quyền mua đối với cổ đông nhà nước, không có chi tiết nào về việc giá trị sổ sách dưới mệnh giá phát hành thì không chịu sự điều chỉnh của khoản 5 Điều 38 Nghị định này. Quy định về bán đấu giá công khai quyền mua cổ phần là nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của nhà nước, tránh lợi ích nhóm thao túng doanh nghiệp, gây thất thoát cho ngân sách.
TS Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định để tối đa hóa lợi ích mang lại khi thoái vốn nhà nước, không có cách gì khác ngoài đấu giá công khai, minh bạch, tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư có năng lực biết tới.
Qua sự việc trên, mặc dù có nhiều dấu hiệu sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa thấy lãnh đạo EVN NPC phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm trên.