Vụ “tố” hành vi phá hoại và tẩu tán tài sản tại Khách sạn Marino (Sầm Sơn - Thanh Hóa): Nghi vấn có sự bao che
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 10:46, 25/05/2017
Vi phạm tố tụng hình sự?
Để thông tin đa chiều, khách quan, ngày 22/5, PV đã liên hệ làm việc với Công an TP Sầm Sơn (Thanh Hóa). Trưởng công an TP. Nguyễn Đình Tại cho biết đang bận họp và đề nghị PV làm việc với ông Lánh, Đội trưởng đội cảnh sát hình sự. Tuy nhiên ông Lánh không ở cơ quan nên giới thiệu PV gặp ông Phạm Thành Hưng, Đội phó, người được phân công vụ việc này.
Sau khi xuất trình thẻ Nhà báo, ông Hưng nói PV chờ để lên báo cáo lãnh đạo. Một lúc sau, ông Hưng quay lại phòng từ chối làm việc vì không có giấy giới thiệu của Công an tỉnh. PV đã liên hệ với ông Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, người phát ngôn Công an tỉnh để liên hệ xin giấy giới thiệu nhưng không có hồi âm.
Vậy là, có vụ việc xảy ra trong phạm vi quản lý, theo đúng thẩm quyền và có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhưng đã hơn 3 tháng, Công an TP Sầm Sơn vẫn chưa có công bố gì về kết quả xác minh, thậm chí “né” báo chí. Trong khi đó, Điều 103 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định rất cụ thể mà theo đó, việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm kể cả nhiều tình tiết phức tạp thì cũng không quá 2 tháng, Cơ quan điều tra phải quyết định khởi tố hay không khởi tố. Vậy nên, bao giờ mới xử lý hay vụ việc sẽ “chìm xuồng” là nghi vấn đang được đặt ra mà chỉ có Công an TP Sầm Sơn mới trả lời được trước công luận.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn Lê Ngọc Chiến cho biết, đến nay Công an TP chưa báo cáo kết quả đã được ông chỉ đạo. Còn về xử lý việc cấp giấy đăng ký kinh doanh, ông Chiến giới thiệu PV làm việc với Phòng Tài chính- Kế hoạch. Ông Lê Văn Khoa, Phó phòng này cho hay đã mời ông Nguyễn Đình Nam lên làm việc và ra quyết định thu hồi với lý do ông Nam không có quyền thành lập hộ kinh doanh tại địa điểm số 01 Lê Lợi, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn. Về xử lý trách nhiệm, ông Khoa cho biết, những người có liên quan đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phát sinh khi đang tranh chấp quyền sở hữu khách sạn
Nhiều bất cập cần được giải quyết
Ngoài vụ việc tố cáo bị phá khóa chiếm giữ khách sạn, hủy hoại tài sản đã có chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết thì đã có những vấn đề bất cập khác xảy ra. Ngày 12/5/2017 Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên khách sạn Bằng Giang (đăng ký lần đầu) có địa chỉ số 01 Lê Lợi, Phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn và người đại diện theo pháp luật là ông Đào Trọng Thắng, sinh năm 1970, trú tại Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội. Đáng lưu ý, ông Đào Trọng Thắng là người đã ký bàn giao khách sạn, con dấu cho Công ty Đá Đỉnh Vòm và cũng là người bị tố trong việc phá khóa đuổi bảo vệ vào chiếm khách sạn.
Theo lý giải của ông Lê Ngọc Nghinh, Chánh văn phòng Sở KH&ĐT thì việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty Bằng Giang tại số 01 Lê Lợi là bình thường. Ông Nghinh cho rằng việc tranh chấp thì do Tòa giải quyết còn khi người đề xuất có đủ giấy tờ theo quy định thì phải cấp cho họ (!?). Tuy nhiên, thực tế mà ai cũng biết là địa chỉ của nơi cấp giấy chứng nhận này chính là trụ sở khách sạn đang có tranh chấp thì việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp liệu có bình thường như ông Nghinh khẳng định?
Khi thỏa thuận mua bán, ông Đào Trọng Thắng, Giám đốc Công ty Bằng Giang đã bàn giao con dấu của Công ty Bằng Giang cho bà Nguyễn Thị Giáng Hương - Giám đốc Công ty Đá Đỉnh Vòm. Vậy tại sao ông Thắng lại có con dấu để làm thủ tục và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty TNHH Bằng Giang (Khách sạn Bằng Giang)?. Ông Thắng còn ký giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Đình Nam thầu khách sạn Bằng Giang để kinh doanh trong khi khách sạn đang tranh chấp, khi con dấu đã bàn giao?
Trao đổi với PV, ông Đỗ Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Thanh Hóa cho biết, việc cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được diễn ra thường xuyên. Sau khi có đơn, Chi cục lập đoàn kiểm tra, đánh giá, đủ tiêu chuẩn thì cấp. Thông tin trên giấy là đủ điều kiện để thực hiện công việc được phân công về an toàn thực phẩm chứ không liên quan tới việc mua bán, chuyển nhượng chủ sở hữu. Người lao động được cấp giấy có thể chuyển qua đơn vị khác làm việc trong phạm vi này vẫn hợp lệ.
Tuy nhiên, điều lạ lùng đã xảy ra là ngày cấp “Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm” lại trùng ngày cấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vậy không hiểu việc “lập đoàn kiểm tra, đánh giá” thực hiện lúc nào? Ngạc nhiên hơn, trong giấy này ghi tên Khách sạn Bằng Giang, không ghi tên cá nhân mà bên dưới lại ghi số CMND số 172014788 cấp tại CA Thanh Hóa ngày 15/01/2007. Đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa, Chi cục an toàn thực phẩm Thanh Hóa kiểm tra và xử lý theo quy định.
Về vụ việc này, ngày 15/5/2017 Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản 358/BDN chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Tổng giám đốc Cty Đá Đỉnh Vòm đề nghị điều tra làm rõ việc thay biển hiệu, phá khóa và các dấu hiệu gây thiệt hại tài sản khách sạn Marino (Bằng Giang), địa chỉ tại số 01 Lê Lợi, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn. Công văn nêu rõ “Về việc này, UBND thị xã Sầm Sơn đã có Công văn chỉ đạo số 353/UBND-TP ngày 16/2/21017 giao Công an thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn) điều tra, làm rõ, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết, trả lời công dân”.
Ban Dân nguyện chuyển đơn, tài liệu của bà Nguyễn Thị Giáng Hương đến Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả giải quyết tới Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc này.