Hà Đông - Hà Nội: Phê duyệt, thu tiền nhưng không giao đất, hàng trăm hộ dân kêu cứu
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:15, 18/05/2017
Đó là nội dung đơn thư phản ánh của hàng trăm người dân phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội đến các cơ quan có thẩm quyền và báo chí.
Thu tiền nhưng không giao đất
Ngày 20/11/2008, UBND phường La Khê thông báo đã niêm yết công khai danh sách các hộ được giao đất dịch vụ tại trụ sở UBND, trụ sở HTXNN và trên đài truyền thanh phường. Theo đó, có 2058 hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện giao đất thuộc các Khối 1,2,3,4 và Khối Cây quýt trong phường.
Một trong những diện tích đất đã xét duyệt bị bỏ hoang nhiều năm nay
Đến ngày 4/9/2009, với đủ thành phần đại diện cho 11 cơ quan, đơn vị của phường và quận, Hội đồng xét duyệt nhà ở, đất ở quận Hà Đông đã thống nhất danh sách với 2012 trường hợp người dân đủ điều kiện giao đất dịch vụ của phường La Khê. Ngày 20/10/2009, UBND quận Hà Đông ban hành Quyết định số 6712/QĐ-UBND phê duyệt danh sách đã được xét duyệt. UBND quận Hà Đông giao cho các cơ quan tính suất đầu tư hạ tầng để thông báo và thu tiền của các đối tượng được giao đất. Những người được giao đất đã nộp tiền và đã được UBND phường cho bốc thăm trúng số lô đất có ký hiệu lô thửa, diện tích cụ thể… Việc giao đất được triển khai nhưng có 153 trường hợp đã được duyệt, đã nộp tiền lại không được giao đất.
Ngày 21/11/2014, UBND quận Hà Đông ban hành Quyết định số 8780/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại của các đại diện cho 153 trường hợp với nội dung không chấp nhận yêu cầu tiếp tục giao đất dịch vụ của các hộ dân này. Theo UBND quận Hà Đông thì do có thay đổi về chính sách bồi thường, hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đất nông nghiệp không thực hiện giao đất dịch vụ mà hỗ trợ bằng tiền. UBND quận cho rằng 153 trường hợp này thuộc diện đất chưa có quyết định thu hồi trước ngày 1/10/2009. Từ đó, UBND quận cho rằng phải hủy kết quả xét duyệt nêu trên và thoái thu trả tiền đối với các trường hợp này.
Ngày 16/2/2016, UBND Tp. Hà Nội ban hành Quyết định số 754/QĐ-UBND về giải quyết khiếu nại và đã đồng ý với nội dung mà UBND quận Hà Đông giải quyết vụ việc này.
Không “phục” với cách giải quyết này, đại diện 153 trường hợp chưa được giao đất tiếp tục khiếu nại, thậm chí tố cáo việc làm mà họ cho là có sự “bất nhất” và sai trái của chính quyền phường...Về việc này, Văn phòng Chính Phủ đã nhiều lần có công văn chuyển đơn thư đến UBND TP. Hà Nội để xem xét, giải quyết.
Cần giải quyết đúng pháp luật và thực tế
Ông Nguyễn Bao Vinh (đại diện theo ủy quyền của 153 trường hợp) khẳng định, đất nông nghiệp của họ đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thu hồi từ 2008 về trước và nằm trong diện tích thu hồi để đấu nối giao thông đô thị, đất xen kẹt và dải cây xanh. Thời điểm đó, họ được UBND phường thông báo đã có quyết định thu hồi, cấm dịch chuyển, xây dựng và đưa họ vào xét duyệt giao đất dịch vụ. Còn đến nay, dự án đó chưa được triển khai là do các cơ quan có thầm quyền, họ là công dân đã nghiêm chỉnh chấp hành, không hề có lỗi. Theo ông Vinh đây là đất phục vụ lợi ích công cộng, không sinh lời và do chưa có kinh phí để triển khai nên chính quyền chưa tổ chức thu hồi, vẫn còn nguyên và bị bỏ hoang hóa. Việc UBND quận nêu rằng cần hủy bỏ kết qủa phê duyệt của 153 trường hợp nhưng không hề có quyết định.
Về vụ việc này, Luật sư Vũ Trọng Quốc Hưng (Đoàn LS TP. Hà Nội) cho rằng quận Hà Đông cần phải hiểu và thi hành đúng quy định pháp luật tại thời điểm xét giao đất. Việc UBND quận Hà Đông cho rằng 153 trường hợp không được giao đất vì chưa có quyết định thu hồi đất là không đúng cả về pháp lý và thực tế. Bởi lẽ, trong quyết định phê duyệt danh sách các trường hợp đủ điều kiện giao đất, UBND quận Hà Đông đã viện dẫn và căn cứ các quyết định thu hồi đất cụ thể của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Tại quyết định giải quyết khiếu nại, UBND quận Hà Đông nêu: “Sau khi có các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), Quận ủy, UBND quận đã chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND phường La Khê thực hiện thủ tục thu hồi và xét duyệt đối tượng giao đất làm mặt bằng sản xuất dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở theo Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Nghị định 84/2007/NĐ-CP”. Và thực tế, 153 trường hợp này nằm trong tổng số 2012 trường hợp có đất bị thu hồi, đã được hội đồng cấp quận xác định đủ điều kiện giao đất và đã được UBND quận phê duyệt. Như vậy, UBND quận Hà Đông đã thừa nhận 153 trong tổng số 2012 trường hợp đã phê duyệt là “sau khi có các quyết định thu hồi đất..”
Hơn nữa, theo quy định pháp luật và thực tế thì chỉ khi nào cá nhân, tổ chức có đất bị thu hồi thì mới được xem xét bồi thường, hỗ trợ. Ngược lại, nếu có hành vi duyệt “khống” đối tượng được giao đất là vi phạm pháp luật, cần được nghiêm trị. Cho đến nay, kết quả của Hội đồng xét duyệt cũng như Quyết định phê duyệt số 6712/QĐ-UBND chưa bị hủy bỏ nên về pháp lý, 153 trường hợp này vẫn được giao đất theo quy định.
Luật sư Hưng cũng cho rằng việc UBND quận Hà Đông viện dẫn Văn bản số 11677 ngày 7/12/2009 của UBND TP. Hà Nội “Về một số chính sách, quy định để giải quyết vướng mắc khi thực hiện GPMB trên địa bàn quận Hà Đông” để trả lời dân là không chính xác. Bởi lẽ, ngoài việc thu hồi đất có quyết định từ 2008 trở về trước thì việc Hội đồng cấp quận duyệt danh sách giao đất, tức duyệt phương án bồi thường hỗ trợ vào ngày 4/9/2009 là thuộc trường hợp nêu tại điểm a, mục 2 của văn bản 11667 nêu trên, tức là được giao đất.
Như vậy, vấn đề đáng quan tâm trong việc giải quyết vụ việc này là khi đã phê duyệt đúng đối tượng được giao đất, đã thu tiền thì cần áp dụng đúng quy định hiện hành để giải quyết. Việc phủ nhận kết quả xét duyệt của hội đồng (nếu thật) cần dựa trên căn cứ pháp lý và thực tế. Và nếu có việc hội đồng phê duyệt “khống” thì cần xử lý nghiêm trước pháp luật đối với các thành viên đó.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập những vấn đề khác liên quan đến vụ việc này mà người dân khiếu nại.