Vụ vay nợ 25 tỷ đồng giữa Tổng Công ty Đông Á và Công ty Kenanga: Tòa án Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc thẩm

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 14:43, 11/05/2017

Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa ban hành Kháng nghị giám đốc thẩm số 09/2017/KN-KDTM ngày 28/4/2017 đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016 của TAND tỉnh Thanh Hóa.

Bị đơn lấy lý do hợp đồng vô hiệu

Như chúng tôi đã thông tin, tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016, TAND tỉnh Thanh Hóa quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam (gọi tắt là KVS, trụ sở số 2D Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của Tổng Công ty Bất động sản Đông Á (gọi tắt là Đông Á, số 11 A1 Tân Hương, phường Đông Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Vụ vay nợ 25 tỷ đồng giữa Tổng Công ty Đông Á và Công ty Kenanga: Tòa án Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc thẩm

Kháng nghị Giám đốc thẩm số 09/2017/KN-KDTM ngày 28/4/2017 của Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội

Đồng thời, cấp phúc thẩm cũng sửa án sơ thẩm theo hướng: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của KVS về việc yêu cầu Đông Á phải thanh toán khoản tiền đã vay. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Đông Á. Tuyên bố: Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01 ngày 20/12/2011 và Phụ lục kèm theo được ký kết giữa hai bên bị vô hiệu do giả tạo, phần nội dung vay vốn bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Buộc Đông Á phải trả lại cho KVS 25 tỷ đồng, được trừ số tiền đã thanh toán là 10,2 tỷ đồng (làm tròn số), còn lại là hơn 14,7 tỷ đồng.

Buộc KVS phải trả cho ông Cao Tiến Đoan, bà Nguyễn Thị Điệp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 105409 do UBND huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 18/1/2005. Dành quyền cho KVS khởi kiện bà Nguyễn Thị Thanh Hằng số tiền gần 1,7 tỷ đồng bằng vụ án khác khi có yêu cầu. Không đồng tình với bản án phúc thẩm, nguyên đơn - KVS đã có đơn đề nghị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm bản án nêu trên.

Theo nội dung vụ án thì hai công ty đã ký Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01, KVS góp 25 tỷ đồng cho Đông Á để hoàn thiện, đưa vào kinh doanh dự án “Khu resort- Khu cầu Bình Cầu- Quảng Châu- Quảng Xương- Thanh Hóa”. Thời hạn đầu tư 10 tháng, kể từ ngày giải ngân, lợi nhuận 2%/tháng, thời hạn trả lợi nhuận hàng tháng vào ngày 5 đến ngày 10. Ngày 4/6/2014, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng, KVS đồng ý gia hạn thêm một kỳ hạn 9 tháng đầu tư với Đông Á, kể từ ngày 25/12/2013 đến ngày 25/9/2014.

Thực hiện hợp đồng, KVS đã chuyển 25 tỷ đồng cho Đông Á. Tính đến tháng 4/2015, Đông Á thanh toán cho KVS 3 tỷ tiền vốn đầu tư và hơn 7,2 tỷ đồng (làm tròn số) tiền lợi nhuận. Do Đông Á vi phạm nghĩa vụ thanh toán lợi nhuận và tiền đầu tư nên KVS yêu cầu Đông Á phải trả nốt 22 tỷ đồng tiền đầu tư và tiền lợi nhuận tính đến ngày 30/4/2015 là gần 8 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh do việc chậm thanh toán là hơn 1,6 tỷ đồng. Đại diện Đông Á thừa nhận Công ty đã nhận đủ 25 tỷ đồng theo hợp đồng nhưng cho rằng hợp đồng bị vô hiệu nên đề nghị Tòa án buộc KVS phải hoàn lại cho Đông Á 7,2 tỷ đồng mà Công ty đã thanh toán cho KVS, để trừ vào số tiền gốc.

Xem xét lại việc không trả lãi

Đối với trình bày của Đông Á về việc KVS cho vay 25 tỷ đồng là giao dịch vô hiệu vi phạm điều cấm của pháp luật, Tòa án Cấp cao cho rằng, ngoài 3 loại hình KVS được phép hoạt động là môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán thì theo khoản 3, Điều 60 Luật Chứng khoán (sửa đổi, bổ sung năm 2010) còn quy định: Công ty chứng khoán được cung cấp các dịch vụ tài chính khác. Tại Điều 7 Điều lệ KVS quy định: Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm mới phải được sự chấp thuận trước của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Do đó, ngày 20/12/2011, KVS cho Đông Á vay 25 tỷ đồng là chưa được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nhưng, theo Điều 11 Nghị định 102/2010/CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Doanh nghiệp 2005 thì doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước nếu ngành nghề kinh doanh đó không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh.

Tại thời điểm KVS cho Đông Á vay 25 tỷ thì Luật Chứng khoán chỉ có quy định Công ty chứng khoán không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán, trừ trường hợp Bộ Tài chính có quy định khác, mà không có quy định cấm công ty chứng khoán cho cá nhân, tổ chức vay tiền ở các loại hình cho vay khác.

Trong khi đó, tại Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán ban hành theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 cũng không có quy định cấm công ty chứng khoán cho cá nhân, tổ chức vay tiền ở loại hình cho vay khác. Tại khoản 10, Điều 1 Quyết định 126/2008/QĐ-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC cũng chỉ quy định công ty chứng khoán không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào đối với các cổ đông lớn, thành viên Ban Kiểm soát, thành viên HĐQT, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Giám đốc và người có liên quan của những đối tượng nêu trên.

Chỉ từ khi có Thông tư 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực ngày 15/1/2013) thay thế Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC và Quyết định 126/2008/QĐ-BTC thì tại Điều 43 mới có quy định: “Công ty chứng khoán không được cho vay tiền và chứng khoán dưới mọi hình thức”. Như vậy, tại thời điểm KVS cho Đông Á vay tiền và gia hạn thì giao dịch đều phát sinh trước ngày 15/1/2013 nên giao dịch nói trên giữa hai công ty không vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó, giao dịch cho vay tài sản giữa các bên vẫn có hiệu lực theo Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005.

Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm tỉnh Thanh Hóa nhận định tại thời điểm các bên xác lập hợp đồng, Bộ Tài chính chưa có văn bản nào quy định cho phép KVS được cho vay tiền, dù Đông Á không vay tiền để mua chứng khoán nhưng KVS cũng không được phép cho vay. Từ đó xác định hợp đồng vay tiền giữa KVS với Đông Á là vô hiệu và chỉ buộc Đông Á trả tiền vay gốc cho KVS mà không buộc phải trả lãi cho KVS là làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp cho KVS. Vì vậy, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016 của TAND tỉnh Thanh Hóa. Chánh án cũng đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, sơ thẩm nêu trên theo quy định.

Tống Toàn