Mua nhà theo Nghị định 61 ở Quảng Trị: Vì sao UBND tỉnh nhiều lần báo cáo trái thực tế?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 07:30, 18/04/2017
Trong đó, nhiều báo cáo của các đơn vị này không đúng với thực tế, thậm chí trái ngược với báo cáo của cấp trung ương…
Nhà tại địa chỉ Cam An, Cam Lộ của bà Duyên hiện là nơi thờ cũng ông bà tổ tiên
Như Báo Công lý đã thông tin, ngôi nhà số 25 Phan Bội Châu (Đông Hà, Quảng Trị) là nhà vắng chủ do Nhà nước quản lý, chính quyền địa phương đã giao căn nhà này cho Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà và công ty này đã ký hợp đồng cho bà Duyên thuê nhà từ năm 1991. Ngày 12/3/2012, bà Duyên làm đơn xin mua lại căn nhà và đất nói trên theo Nghị định 61/NĐ-CP ngày 5/7/1994 nhưng các cấp sở tại không đồng ý.
Không được giải quyết, bà Duyên đã có đơn gửi các cấp đề nghị được xem xét. Điều đáng nói, kết quả xác minh lại trái ngược với báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị gửi Thủ tướng. Trong đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu, việc UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản với nội dung nhà số 25 Phan Bội Châu bị hư hỏng xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ… chưa đủ cơ sở. Không chỉ vậy, theo quy hoạch phê duyệt, nhà số 25 có một phần đất nằm trong quy hoạch nút giao thông nhưng đến nay chưa thực hiện quy hoạch vì vậy hiện nay nhà số 25 chưa bị ảnh hưởng bởi quy hoạch được duyệt…
Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận, song một lần nữa UBND tỉnh Quảng Trị lại có báo cáo với nội dung không khác gì kết quả của báo cáo trước đó. Ngày 27/2/2017, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Công văn số 1754/VPCP-V.I yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị sớm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thì đến ngày 22/3/2017, UBND tỉnh Quảng Trị có Báo cáo số 44/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, một lần nữa UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục “bảo vệ” nội dung của các báo cáo trước đó của mình.
Theo bà Duyên, không chỉ nội dung báo cáo không đúng mà ngay đến những tài liệu đính kèm cũng thể hiện sự thiếu trung thực trong đó. Cụ thể, trong bản báo cáo của Trung tâm quy hoạch và Kiểm định xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị) ghi ngày 5/8/2016 về việc kiểm tra, đánh giá sơ bộ chất lượng ngôi nhà số 25 và kèm theo một số hình ảnh về hiện trạng ngôi nhà nhưng thực tế ngày 16/9/2016 mới có biên bản về việc này. Nói về hình ảnh đính kèm, bà Duyên khẳng định đây không phải là hình ảnh những phần đã giám định trong ngôi nhà 25. Không chỉ vậy, trong báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị còn đính kèm bài báo Tiền Phong từ năm 2008 và hình ảnh trong bài báo trên không phải là nhà của bà.
Vấn đề đáng nói ở đây, không hiểu vì sao khi báo cáo Phó Thủ tướng thì Quảng Trị chỉ có 6 ngôi nhà thuộc diện nhà vắng chủ nhưng trong Báo cáo số 44 ngày 22/3/2017 thì UBND tỉnh này lại báo cáo có tới 7 ngôi nhà thuộc diện này. Bên cạnh đó, báo cáo lần này vẫn nêu bà Duyên không thuộc đối tượng được mua nhà theo Nghị định 61 với lý do, từ tháng 1/2008 đến tháng 1/2012 UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định xác lập sở hữu toàn dân ngôi nhà này, lúc này bà Duyên không có hợp đồng thuê nhà vắng chủ nói trên. Việc bà Duyên nộp tiền thuê nhà đến 6 tháng đầu năm 2012, UNBD tỉnh Quảng Trị cho là lỗi của nhân viên thu ngân của Cty Môi trường và khẳng định nếu tranh chấp thì giải quyết với nhau theo quy định của Bộ luật Dân sự… nhưng trên thực tế cho đến nay bà Duyên vẫn đang sinh sống tại ngôi nhà này và bà vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một người thuê nhà.
Việc xác lập sở hữu toàn dân ngôi nhà số 25 của UBND tỉnh Quảng Trị được thể hiện rõ tại Quyết định số 02/QĐ-UBND đề ngày 3/1/2012, trong khi đó ngày 12/3/2012 bà Duyên mới có đơn xin mua căn nhà nói trên theo Nghị định 61/CP, vậy tại sao UBND TP Đông Hà lại khẳng định bà Duyên không thuộc diện mua nhà...
Trong báo cáo số 44 một lần nữa cho rằng ngôi nhà số 25 nằm trong quy hoạch điểm nút giao thông… thuộc diện phải tháo dỡ, giải phóng mặt bằng, cắt góc mở rộng tầm nhìn nhưng thực tế đến nay vẫn chưa thực hiện nên không thể nói ngôi nhà 25 sẽ bị ảnh hưởng.
Nói về ngôi nhà số 8 Cao Xuân Dục (Hải Châu, TP Đà Nẵng) rõ ràng đây là nhà do bà Duyên thuê cho con gái ở để đi học, Thanh tra Chính phủ cũng đã kiểm tra xác nhận nhưng không hiểu vì sao lần này trong báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị vẫn cho rằng bà Duyên vào ở hẳn đây và khẳng định bà Duyên không ở tại nhà số 25 nói trên. Không chỉ vậy, với ngôi nhà tại thôn Phú Hậu, Cam An, Cam Lộ (Quảng Trị), đây là ngôi nhà được mẹ bà Duyên để lại với mục đích làm nơi thờ cúng gia tộc nhưng không hiểu vì lý do gì trong báo cáo của UBND tỉnh vẫn căn cứ vào đây để kết luận bà Duyên không khó khăn về nhà ở và bác nguyện vọng mua căn nhà số 25 của bà Duyên là thiếu khách quan, không có cơ sở.
Trao đổi thêm về những vấn đề liên quan đến ngôi nhà số 25, ông Lê Công Định- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho rằng báo cáo của Thanh tra Chính Phủ là hợp lý. Tuy nhiên, việc báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị hoàn toàn trái ngược với báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ông Định lại xin phép không bàn luận đúng, sai (!?). Ông Định cho biết, trong 7 ngôi nhà đã xác lập sở hữu toàn dân, chỉ còn một ngôi nhà của bà Duyên là chưa thực hiện được, dù nhà bà Duyên đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, thực tế ngôi nhà số 23 cạnh nhà bà Duyên thực sự xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn được cho thuê để sử dụng với mục đích kinh doanh. Trước đó trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Phúc- Chuyên viên Phòng đô thị cho rằng, dù xác lập sở hữu toàn dân, đấu giá công khai ngôi nhà số 25 này cũng không đến lượt bà Duyên được mua… Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, rất nhiều lần PV liên hệ đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị nhưng bị từ chối với rất nhiều lý do.
Như vậy, nội dung báo cáo số 44 của UBND tỉnh Quảng Trị lần này không có gì mới so với những báo cáo trước đây. Và nếu như vậy, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị đề xuất giao UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt kết quả kiểm định chất lượng nhà số 25; giao chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo giải quyết kiến nghị theo hướng: ngôi nhà 25 không đủ điều kiện để ở và nằm trong quy hoạch nút giao thông… để không chấp nhận cho bà Duyên mua căn nhà nêu trên liệu có phù hợp, có khách quan?