Xã An Khánh (Hoài Đức): Dày đặc trạm trộn bê tông hoạt động trái phép “hủy diệt” môi trường
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 15:21, 16/04/2017
Một loạt các trạm bê tông hoạt động không phép tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức
Trạm trộn bê tông miền Bắc và An Bình nhìn từ bên kia đường.
Theo ghi nhận của PV chỉ có vài trăm mét đường dọc theo tuyến đường Đại lộ Thăng Long đoạn qua khu vực cầu vượt An Khánh nhưng có đến tận 5 trạm trộn bê tông hoạt động trái phép từ nhiều năm nay, có thể kể đến một số cái tên như: Trạm trộn A&P, Miền Bắc, An Phúc…Những hình ảnh thường bắt gặp khi lưu thông qua đoạn đường này là những chiếc xe lớn chở xi măng, cát, đá nối đuôi nhau ra vào trạm trộn, bụi bay mù mịt, vữa bê tông rơi vãi, tiếng còi xe. Tuyến đường Đại lộ Thăng Long chưa đi vào hoạt động được bao lâu nhưng đến nay mặt đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ngày nắng thì bụi mù đường, ngày mưa thì trơn trượt, nhầy nhụa khiến người tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Đoạn đường trên Đại Lộ Thăng Long qua địa bàn xã An Khánh bụi mù mịt, vữa bê tông rơi vãi ra đường
Anh Cường, người dân xã An Khánh cho biết: “Cảnh tượng này đã quá quen thuộc với người dân chúng tôi, tiếng máy móc gầm rú, xe chở cát sỏi chạy rầm rập suốt ngày đêm, khói bụi bay mù mịt nên các hộ dân quanh khu vực luôn phải đóng kín cửa cả ngày, đêm để tránh khói bụi và đặc biệt không cho các cháu nhỏ tự đi xe dọc tuyến đường vì rất nguy hiểm".
Trạm bê tông A & P hoạt động gây ô nhiễm môi trường
Theo tìm hiểu của PV thì các trạm trộn bê tông này còn xả thải không qua xử lý đang khiến kênh, mương trên địa bàn xã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn nữa khi đa phần người dân trên địa bàn xã vẫn dùng nước giếng khoan, nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài thì nguồn nước xả thải sẽ ngấm vào mạch nước ngầm ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có 5 trạm trộn bê tông hoạt động trái phép, 1 trạm thuộc thẩm quyền xử lý của xã thì xã đã xử lý, còn 4 trạm còn lại thuộc thẩm quyền của huyện thì xã chỉ lập biên bản, đề xuất gửi lên huyện và chờ chỉ đạo chứ xã không thể giải quyết được”.
Để làm rõ vẫn đề trên PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Xuân Lý, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức, thay vì niềm nở đón tiếp thì vị Chánh văn phòng này lại to tiếng quát nạt, có lời lẽ thiếu chuẩn mực với PV. Sau một hồi giải thích, vị Chánh văn phòng mới chịu để PV đặt lịch và hứa sẽ thông tin cho PV. Thế nhưng hơn một tháng trôi qua, UBND huyện Hoài Đức vẫn “bặt vô âm tín” né tránh trả lời báo chí.
Trước sự im lặng của UBND huyện Hoài Đức, dư luận đặt dấu hỏi lớn về công tác quản lý của huyện. Phải chăng các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức đã “chào thua” các sai phạm trên, để các trạm trộn ngang nhiên “hủy diệt” môi trường sống của người dân? Đã đến lúc các cơ quan chức năng của thành phố phải vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về lý giải của UBND huyện Hoài Đức khi để các trạm trộn bê tông trái phép hoạt động trong bài viết sau.
.