Dự án đồi 79 Mùa xuân: Văn phòng Chính phủ đề nghị giải quyết
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 20:07, 29/03/2017
Đương sự bị bắt giam đến nay đã hơn 27 tháng vẫn chưa được xét xử, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự về thời hạn điều tra và tạm giam.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự
Cũng theo phản ánh của anh Trần Phan Tuấn Nghĩa, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội đã bắt tạm giam bà Mai từ 6/12/2014 đến nay. Đến ngày 13/10/2016, VKSND TP. Hà Nội mới có bản Cáo trạng số 384/CT-VKS-P3 đề nghị truy tố bà Phan Thúy Mai theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Quang (Công ty luật hợp danh V.I.P - Đoàn Luật sư Hà Nội) - cho rằng, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, kéo dài thời hạn điều tra vụ án nhiều lần so với quy định. Khoản 1, Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, việc tạm giam đối với những tội danh nghiêm trọng và rất nghiêm trọng là không quá 4 tháng. Nếu xét thấy vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp phải tạm giam dài hơn thì cơ quan điều tra phải đề nghị VKSND gia hạn tạm giam. Với tội danh rất nghiêm trọng, việc gia hạn tạm giam 2 lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ 2 không quá 2 tháng.
Bà Phan Thúy Mai bị tạm giam 4 tháng và 2 lần gia hạn với tổng thời gian tạm giam là 9 tháng. “Luật đã quy định thời gian tạm giam 9 tháng là cùng, nay đã trên 27 tháng bà Phan Thúy Mai vẫn bị tạm giam, là dấu hiệu vi phạm rất nghiêm trọng về thời hạn tạm giam để phục vụ điều tra”, luật sư Nguyễn Văn Quang nói. Về thời hạn điều tra đối với vụ việc này cũng có sự vi phạm nghiêm trọng bởi thời gian để điều tra vụ án này cũng chỉ nằm trong “khung” 9 tháng.
Theo luật sư Quang, các cơ quan tiến hành tố tụng, Công an, VKS đến Tòa án đều phải lấy Bộ luật Tố tụng Hình sự làm căn cốt; nếu luật không quy định thì không được làm. “Là luật sư bào chữa cho bà Mai, tôi đã thấy có sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng và có dấu hiệu của việc hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế nên ngay trong giai đoạn điều tra, tôi đã có văn bản gửi Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện trưởng VKSND TP Hà Nội nói rõ và đề nghị cho thay thế biện pháp tạm giam đối với bà Mai sang tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Thế nhưng, VKSND Hà Nội chỉ im lặng, còn Cơ quan CSĐT có văn bản số 988/TB-PC46(Đ10) ngày 22/6/2016 cho rằng “vì tính chất phức tạp của vụ án, ngay từ giai đoạn đầu điều tra, Phan Thúy Mai không hợp tác, gây cản trở việc điều tra… Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Phan Thúy Mai là chưa thực hiện được.”
Văn phòng Chính phủ đề nghị giải quyết
Mới đây nhất, ngày 9/3/2017, trước việc ông Trần Phan Tuấn Nghĩa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét việc khởi tố, bắt tạm giam bà Phan Thúy Mai (mẹ ông Nghĩa) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm doạt tài sản có dấu hiệu oan sai, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị TAND TP. Hà Nội xem xét, giải quyết theo quy định và thông báo kết quả giải quyết về Văn phòng Chính phủ.
Tiếng kêu cứu của một doanh nhân được ghi nhận bởi Văn phòng Chính phủ, được yêu cầu xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật cũng chính là niềm tin, là thước đo giá trị vào nền tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh mà trọng tâm là hoạt động xét xử.
Trước những vấn đề cần được xem xét về thời gian, thời hiệu trong hoạt động tố tụng và điều kiện sức khỏe của bà Phan Thúy Mai yếu, gia đình bà khẩn thiết đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú để chờ đợi phiên tòa xét xử sơ thẩm – một phiên tòa giải tỏa, củng cố niềm tin vào công lý, vì dân, vì doanh nghiệp, doanh nhân../.