Phát hiện rác thải nhựa ở rãnh sâu nhất Trái Đất - khe nứt Mariana

Chuyện lạ bốn phương - Ngày đăng : 16:24, 15/05/2019

Trong chuyến lặn sâu nhất từ trước đến nay bằng tàu ngầm, một nhà đầu tư đồng thời là nhà thám hiểm bang Texas đã tìm thấy thứ mà ông gần như có thể bắt gặp ở bất kỳ rãnh nước nào trên các đường phố trên thế giới: rác!

Phát hiện rác thải nhựa ở rãnh sâu nhất Trái Đất - khe nứt Mariana

Nhà thám hiểm Victor Vescovo điều khiển tàu "DSV Limiting Factor" lặn xuống đáy Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Reuters đưa tin, ông Victor Vescovo, một cựu sĩ quan hải quân, cho biết đã phát hiện điều bất ngờ trên khi ông lặn xuống độ sâu 10.928m trên rãnh đại dương Mariana ở Thái Bình Dương - được cho là nơi sâu nhất từng biết đến trên Trái Đất.

Chuyến lặn thám hiểm bằng tàu ngầm mà ông Vescovo mới thực hiện sâu hơn 16m so với kỷ lục trước đây do chính ông tiến hành hồi năm 1960 tại rãnh Mariana.

Nhà thám hiểm người Mỹ cho biết đã tìm thấy một mảnh chất liệu do con người tạo ra ở dưới đáy đại dương, nhiều khả năng đó là một mẩu túi nilon. Ông cũng nhìn thấy các vật bằng kim loại hoặc những mảnh nhựa góc cạnh, hay thậm chí cả vật có chữ viết trên đó.

Trong chuyến thám hiểm suốt kéo dài 3 tuần qua, nhóm của ông Vescovo đã thực hiện 4 lần lặn sâu trong tàu ngầm mang tên DSV Limiting Factor, để thu thập các mẫu sinh vật và đất đá dưới đáy rãnh Mariana.

Phát hiện rác thải nhựa ở rãnh sâu nhất Trái Đất - khe nứt Mariana

Mẩu rác nhỏ nằm trên đáy đại dương ở độ sâu gần 11km. Ảnh: Discovery

Theo Reuters, đây là lần thứ ba con người lặn xuống điểm sâu nhất của đại dương, được biết đến với tên gọi thử thách “Challenger Deep”. Nhà làm phim người Canada, ông James Cameron, là người gần đây nhất lặn tàu ngầm xuống rãnh Mariana, đạt độ sâu 10.908m.

Trong khi đó, trước ông Cameron, chuyến thám hiểu “Challenger Deep” đầu tiên do Hải quân Mỹ tiến hành năm 1960, đạt độ sâu 10.912m.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, rác thải nhựa đã trở thành một đại dịch với khoảng 100 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trên các đại dương. Không chỉ phá hủy hệ sinh thái thủy sinh, chất hóa học từ rác nhựa còn tác động đến sự phát triển, quang hợp và sản xuất oxy của Prochlorococcus - loại vi khuẩn biển đang đóng góp một phần khí oxy chúng ta đang hít thở.

Bạch Dương (Theo Reuters)