Đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN: Mấu chốt vẫn là cơ chế quản lý
Chính trị - Ngày đăng : 07:05, 27/06/2012
Tại hội thảo khoa học bàn về vấn đề trên do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (HVHCQG Hồ Chí Minh) tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu đã phân tích, mổ xẻ và đưa ra những khuyến nghị hữu ích cho vấn đề này.
Tỷ lệ nghịch giữa các con số
Số liệu gần đây nhất cho thấy, tổng số DNNN hiện có của cả nước khoảng 1.309 DN, trong đó có 857 DN kinh doanh, chiếm 65,5% tổng số DN 100% vốn nhà nước. Mặc dù giảm về số lượng nhưng vốn điều lệ và tài sản của DNNN tăng lên nhiều. Tính đến cuối năm 2011, các DNNN tập trung chủ yếu ở 96 tập đoàn kinh tế và tổng công ty và một số DN độc lập với tổng tài sản khoảng 1.760.000 tỷ đồng, lợi nhuận 117.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 34% GDP của cả nước. Tuy nhiên, các DNNN có nợ phải trả ngày một tăng và hiện có trên 1.044 tỷ đồng, bình quân bằng 1,65 lần vốn chủ sở hữu.
Bộ Tài chính vừa công bố kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2012 sẽ tiến hành cổ phần hóa 93 đơn vị, trong đó có 22 doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, 33 thuộc các tập đoàn, tổng công ty và 38 thuộc các địa phương. Một số tập đoàn, tổng công ty, công ty sẽ tiến hành cổ phần hóa trong những tháng cuối năm: Công ty TNHH một thành viên Lọc - Hoá dầu Bình Sơn (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Tổng Công ty Xi Măng Việt Nam; Tổng Công ty Giấy Việt Nam; Tổng Công ty Thuỷ tinh và gốm Xây dựng (Viglacera); Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama)… |
Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc HVHCQG Hồ Chí Minh, mặc dù nhận được khá nhiều ưu đãi về nguồn lực nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh lại không tương xứng. DNNN sử dụng hàng chục đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu, trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ cần một đồng vốn.
GS.TS Chu Văn Cấp, Viện Kinh tế, HVHCQG Hồ Chí Minh cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, kể cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn…, nâng cao năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, nhà đầu tư và người lao động.
Với tư cách là chủ sở hữu của DNNN, Nhà nước phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với DNNN, bởi quy mô của sở hữu nhà nước, kinh tế nhà nước và hiệu quả hoạt động của chúng phụ thuộc vào nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, kiểm soát các DNNN; chú trọng những giải pháp phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Điều quan trọng nhất là yêu cầu các DN phải công khai, minh bạch các thông tin về hoạt động kinh tế.
Hướng tới tái cơ cấu khu vực DNNN
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: một phần cơ bản của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu khu vực DNNN. Nhiệm vụ này, đặt trong quan hệ với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng bao gồm thay đổi cấu trúc sở hữu, cấu trúc chủ thể của nền kinh tế theo hướng thu hẹp phạm vi và tỷ trọng của kinh tế nhà nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực tư nhân lớn mạnh; thay đổi phương thức phát triển và cơ chế vận hành nền kinh tế, theo đó hoạt động điều hành nền kinh tế của Nhà nước và vận hành của các DNNN chuyển sang nguyên tắc thị trường.
Sản xuất thép
Quan điểm của Nhà nước là tiếp tục đổi mới DNNN để chúng có khả năng cạnh tranh trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập. Trước hết là hoàn thành quá trình chuyển DNNN sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chung; trong đó trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, kể cả DN lớn, chuyển các DNNN không thích hợp với sở hữu nhà nước cho khu vực tư nhân, giữ lại DNNN trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, lĩnh vực công ích. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, tầm cỡ khu vực, trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối.
Theo ông Nguyên Sinh Cúc, Tổng Cục Thống kê, định hướng và giải pháp đối với DNNN trong thời gian tới là cần chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, đồng thời “nghiêm cấm các tập đoàn, tổng công ty phi tài chính đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản”. Liên quan đến quản trị DN, từ năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty phải lập và công bố báo cáo tài chính hợp nhất theo chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam. Quy chế công bố các báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh và thông tin điều hành của tập đoàn, tổng công ty phải theo tiêu chuẩn như các công ty niêm yết.
Theo báo cáo của 4 Bộ, 19 tập đoàn, tổng công ty và 57 địa phương gửi đến Bộ Tài chính, tổng số doanh nghiệp được sắp xếp trong vòng 4 năm tới dự kiến là 899 đơn vị. Trong đó, 367 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, còn lại 532 doanh nghiệp sẽ được sắp xếp theo hình thức khác như: giao, bán, giải thể, phá sản, giữ nguyên là công ty TNHH một thành viên hay chuyển thành công ty TNHH hai thành viên. |
Quang Toàn