Nasa công bố bằng chứng có sự sống trên sao Hỏa
Chuyện lạ bốn phương - Ngày đăng : 06:50, 30/09/2015
Vào 22h30 tối 28/9 theo giờ Việt Nam, tại trụ sở NASA ở Washington, Mỹ - một hội nghị khoa học nhằm công bố việc phát hiện ra nước lỏng trên bề mặt Sao Hỏa đã được tổ chức.
Jujendra Ojha - ứng viên Tiến sĩ khoa học hành tinh ở Viện công nghệ Georgia chính là người khám phá có thể có nước mặn chảy trên Sao Hỏa năm 2011. Quay trở lại năm 2010 khi Lujendra Ojha, một nhà khoa học tại Viện công nghệ Georgia, cùng với các đồng nghiệp đã phát hiện ra những "sườn dốc biến thiên định kỳ" cùng với đó là những hòn đá tạo nên từ muối lăn trên những vị trí này.
Từ đó, các chuyên gia nhận định, đường di chuyển của những "sườn dốc" này rất có thể là những dòng nước, mặc dù vậy lúc đó họ vẫn chưa tìm ra bằng chứng thuyết phục cho đến tận những ngày gần đây, khi tàu thám hiểm không gian Mars Reconnaissance Orbiter của NASA đã phát hiện những vệt có chiều dài khoảng 100m chảy dốc xuống trên Sao Hỏa, được cho là hình thành từ dòng nước chảy không liên tục.
Những sườn dốc tại đỉnh núi lửa Horowitz, các vệt đen dài hơn 100m được cho là những dòng nước ngầm đang chảy trên Sao Hỏa
Chủ nhiệm dự án Thăm dò Sao Hỏa, Michael Meyer phấn khởi cho biết, đây là một phát hiện mang tính bước ngoặt của ngành khoa học vũ trụ nói riêng và của cả nhân loại nói chung. Theo các chuyên gia của NASA, phát hiện này mở ra một tương lai mới cho những cuộc thám hiểm vũ trụ sau này của loài người. Tuy nhiên, tuyên bố của NASA cũng nói rằng, dù phát hiện của ngày nay là to lớn nhưng vẫn còn rất nhỏ so với sông, hồ và những đại dương rộng lớn, được cho là đã từng chảy trên bề mặt Sao Hỏa hàng tỉ năm trước.
“Chúng tôi biết Sao Hỏa là hành tinh giống Trái Đất nhiều nhất với biển nước mặn ấm áp và những hồ nước ngọt. Tuy nhiên, đã có chuyện xảy ra trên Sao Hỏa đó là hành tinh này đã bị mất nguồn nước của nó” - hãng tin ABC dẫn lời Giám đốc khoa học hành tinh tại NASA Jim Green tuyên bố.
Trong những hình ảnh mới nhất được công bố tại buổi họp bất thường của NASA được chụp bởi tàu thám hiểm Curiousity, hình ảnh của những dòng nước bên dưới bề mặt của các sườn dốc nói trên đã lộ diện. Ảnh chụp cho thấy, các vết đen dài trên địa hình Sao Hỏa có thể rộng hàng trăm mét và dốc cao, trước khi chúng trở nên khô cằn trong mùa thu.
Những rãnh rộng từ 1 đến 10m này là dấu tích của những dòng nước bị lộ ra do bề mặt bị bào mòn tại khu vực Hellas.
Báo cáo không cung cấp lời giải về cội nguồn dòng nước, tuy nhiên, các nhà khoa học đưa ra vài giả thuyết cho rằng, có thể nó là băng tan chảy dưới bề mặt, hoặc là kết quả của lượng muối dồi dào trong lòng đất Sao Hỏa hút nước từ bầu khí quyển, hoặc cũng có thể là chất lỏng sủi lên từ tầng nước ngầm. Hàm lượng muối trong nước đóng vai trò quan trọng bởi thiếu nó, nước sẽ bị đóng băng trong nhiệt độ lạnh giá ở Sao Hỏa.
Hồi tháng 3, NASA tuyên bố từng có biển kích cỡ tương đương Đại Tây Dương của Trái Đất trên Sao Hỏa.
Hình ảnh về mặt cắt bề mặt khu vực có dòng nước chảy qua.
Có ba tàu vũ trụ đã được lên kế hoạch để đến Sao Hỏa trong 3 năm tới. Một trong số này là ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nó sẽ đi sâu vào bề mặt Sao Hỏa để tìm kiếm bằng chứng của sự sống trên hành tinh đỏ. Và ngay lúc này, các nhà khoa học đã nghĩ tới những cuộc đổ bộ của con người lên Sao Hỏa trong tương lai.