Nga điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia do xung đột Ukraine

Chuyện lạ bốn phương - Ngày đăng : 08:06, 06/05/2015

Các mối đe dọa quân sự đang nổi lên gây áp lực khiến Moscow phải điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia đến năm 2020 và học thuyết về an ninh thông tin của Nga, TASS đưa tin ngày 6.5.

Nga điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia do xung đột Ukraine

Nga phải điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia do xung đột Ukraine và các mối đe dọa quân sự mới nổi.

Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã đưa ra quyết định điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia đến năm 2020 và học thuyết về an ninh thông tin, ông Nikolay Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang cho biết trong một bài báo đặc biệt đăng trên tờ Krasnaya Zvezda số ra ngày 06/5.

Ông viết: “Trước hết, đó là do những mối đe dọa quân sự mới nổi. Có thể nhìn thấy những dấu hiệu của chúng - các mối đe dọa quân sự mới nổi - trong sự phát triển của phong trào Mùa xuân Arập, tại Syria và Iraq, trong tình hình trong và ngoài Ukraine”.

Ông lưu ý rằng, những cường quốc hàng đầu đang sử dụng “những hành động gián tiếp” dựa trên các cuộc biểu tình của nhân dân, các tổ chức cực đoan và quá khích, các nhóm quân sự riêng lẻ để theo đuổi lợi ích riêng của mình.

“Mỹ và NATO ngày càng vi phạm sự tôn trọng đối với Nga. Họ xây dựng khả năng tấn công ở gần biên giới chúng ta và đang tích cực triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu”, ông Nikolay Patrushev  nhấn mạnh.

Những lý do nói trên dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi học thuyết quân sự của Nga và theo đó, phác thảo nhiệm vụ trọng tâm của các lực lượng vũ trang, sự phát triển của các lĩnh vực quốc phòng và các bước có thể để ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang, TASS cho biết.

“Học thuyết quân sự của Nga đã được sửa đổi vào cuối năm 2014”, ông Patrushev nhớ lại. “Học thuyết này tập trung hơn vào các vấn đề trong nước, sự đối đầu về mặt thông tin. Nó chỉ rõ một số quy định trong học thuyết quân sự hiện nay. Đồng thời, nó duy trì bản chất phòng thủ của mình và tái khẳng định cam kết của Nga đối với việc sử dụng các biện pháp quân sự nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia khi tất cả những biện pháp phi vũ lực đã được sử dụng triệt để”.

Minh Thi