Quốc hội thông qua Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Chính trị - Ngày đăng : 19:02, 11/06/2019
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chiều ngày 11/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tại phiên họp toàn thể hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019
Theo đó, Nghị quyết quy định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên họp tháng 12/2019).
Nghị quyết cũng xác định, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Cũng tại kỳ họp này, trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Tại Kỳ họp thứ 10, trình Quốc hội thông qua: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống HIV/AIDS và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính pháp lý, chính xác, đầy đủ của các tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo, kỹ thuật lập pháp rõ ràng, từ ngữ trong sáng; không trình dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng; khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019 vào ngày 03/ 6 vừa qua, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan có liên quan tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế đã được các đại biểu chỉ ra; bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành văn bản.
Về đề nghị không lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội chỉ còn khoảng 04 tháng, trong khi khối lượng công việc phải thực hiện theo quy định rất nhiều.
Qua rà soát, kiểm tra tiến độ chuẩn bị 02 dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, tổng kết, đánh giá thực trạng pháp luật và nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ hơn một số chính sách mới phát sinh trong quá trình soạn thảo nhằm bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án luật. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép giữ tiến độ xem xét 02 dự án luật này như nội dung trình: Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Về đề nghị sớm đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào Chương trình để Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm đồng bộ với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Ngay sau khi có Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét để bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Một số ý kiến của đại biểu đề nghị bổ sung vào Chương trình các dự án, dự thảo để đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội như; sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm y tế; xây dựng Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, Luật Kiến thức khoa học, Luật Làng nghề Việt Nam, Luật Phê bình, tự phê bình, Luật Từ chức, Luật Chuyển đổi giới tính, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Ngôn ngữ, Luật hoặc Nghị quyết về quy trình, thủ tục thí điểm... Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và chuyển các kiến nghị này đến Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, phục vụ việc đánh giá, tổng kết các văn bản luật có liên quan; trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thì Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội có sáng kiến có thể chủ động nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ kiến nghị về luật để trình bổ sung vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp hỗ trợ đại biểu để thực hiện việc xây dựng hồ sơ đề nghị theo yêu cầu.