Xúc xích có dòi và bài toán “cụt hai ngón tay”
Chính trị - Ngày đăng : 08:54, 21/06/2012
Cả hai sản phẩm vật chất và tinh thần đều phục vụ thiếu nhi nhưng cũng thuộc loại “siêu phế phẩm” tuyệt đối không được sử dụng bởi vô cùng độc hại!
Hư hỏng bao bì là một trong những nguyên nhân để ruổi đẻ ấu trùng ký sinh khiến sản phẩm hoá dòi. Ảnh: N.T
Ngày 6-6, Doanh nghiệp Vạn Kim (Tp. Biên Hòa, Đồng Nai), đại lý của Công ty Jupiter Foods Việt Nam, phát hiện nhiều sản phẩm xúc xích heo, bò, gà tiệt trùng hiệu Soyumm, dành cho trẻ em, dù vẫn còn hạn sử dụng nhưng nhiều thùng xuất hiện dòi bọ, nấm mốc, chảy nước, bốc mùi hôi thối. Chủ đại lý quay phim, chụp ảnh và khiếu nại lên Công ty. Ngày 12-6, đại diện Công ty Jupiter Foods Việt Nam đã phải thừa nhận lô hàng trên có lỗi kỹ thuật nên xin nhận lại về để kiểm tra, khắc phục lỗi sản xuất. Người tiêu dùng, nhất là các cháu thường dùng xúc xích tiệt trùng không thể hiểu “lỗi kỹ thuật” ở đây là gì. Tiệt trùng có nghĩa là ăn liền mà có dòi thì tiệt trùng kiểu gì.
Còn ở Đà Nẵng, các phụ huynh học sinh rùng mình khi phát hiện “Vở luyện tập viết tiếng Việt lớp 1” viết cây “lêu”, “dỗ" tổ. Không thể biện minh cho lỗi chính tả chết người, NXB Đà Nẵng thừa nhận: Qua kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình biên tập, xuất bản cuốn Vở luyện tập tiếng Việt lớp 1, đơn vị này xác định các lỗi sai chính tả là do khâu chế bản trong quá trình đưa in của đối tác liên kết và biên tập viên không kiểm tra bông cuối trước khi đưa in. Theo NXB Đà Nẵng, khi in xong, đối tác tự ý phát hành mà không nộp lưu chiểu để NXB làm công việc hậu kiểm nên các sai sót không được phát hiện, khắc phục kịp thời.
Tuy nhiên sai sót vì viết ngọng này không rùng rợn bằng bài toán cụt ngón tay trong... sách lớp 1. Giới phụ huynh vừa phát hiện tập sách “Phép cộng trừ phạm vi 100” có một ví dụ ở trang 11: “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay”. Bài toán còn có cả phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên. Ví dụ trên đây vô cùng phản cảm và phản giáo dục. Ðối với một quyển được ghi chú "dùng kèm với sách giáo khoa lớp 1" thì việc lấy ví dụ minh họa cho một phép tính trừ bằng hình ảnh "nghịch dao làm cụt hai ngón tay" là không thể chấp nhận được. Sách có tên tác giả là Hoàng Long, có logo NXB Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép là tháng 7-2002, nộp lưu chiểu tháng 9-2003.
Xem ra lĩnh vực sản xuất hàng hóa và sách vở dành cho thiếu nhi đang bị “buông” nên mới có những chuyện buồn lòng này. Các cháu ráng đợi nhé, sao cũng có chấn chỉnh.
Bảo Dân