Vụ lừa đảo tuyển sinh lớn nhất nước Mỹ: Phụ huynh thứ hai nhận tội
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 09:32, 06/04/2019
Gordon Caplan, đồng Chủ tịch của công ty luật Willkie Farr & Gallagher, phải đối mặt với cáo buộc trong kế hoạch gian lận tuyển sinh đại học trên toàn quốc, rời Tòa án liên bang ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 4 năm 2019.
Gordon Caplan, hiện không còn là đối tác của Công ty luật Willkie Farr & Gallagher có trụ sở tại New York, nằm trong số 50 người bị các công tố viên liên bang ở Boston cáo buộc tham gia vào các kế hoạch liên quan đến gian lận trong kỳ thi đại học và trả tiền hối lộ 25 triệu đô la để đảm bảo cho con cái họ được nhận vào các trường đại học nổi tiếng.
Ba mươi ba phụ huynh, trong đó có nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin, bị buộc tội tham gia vào đường dây này với hy vọng đưa con vào các trường đại học bao gồm Yale, Georgetown và Đại học Nam California.
Gordon Caplan, người cùng với những người khác bị buộc tội vào ngày 12 tháng 3, hôm nay đã nhận tội và nói rằng anh ta "vô cùng xấu hổ về hành vi và hành động” của mình.
Các công tố viên đã được tổ chức các cuộc đàm phán với những người khác. Hôm 3/4, doanh nhân thực phẩm đóng gói Peter Sartorio trở thành phụ huynh đầu tiên nói rằng ông sẽ nhận tội.
Hai người khác, doanh nhân Devin Sloane ở California và giám đốc tiếp thị Jane Buckingham, cho biết họ cũng đang nói chuyện với các công tố viên.
Các nhà chức trách nói rằng chương trình này được tổ chức hoạt động bởi cố vấn tuyển sinh đại học California William "Rick" Singer - người đứng đầu tổ chức từ thiện Key Worldwide Foundation và là CEO của công ty đào tạo và hướng nghiệp Edge College & Career Network.
Các nhà điều tra cho biết các bậc cha mẹ đã trả cho William Singer từ 200.000 đến 6,5 triệu USD, tùy từng trường hợp và từng trường đại học học mà các gia đình này nhắm đến, để tăng cơ hội cho con cái họ vào các trường như đại học Yale, đại học Stanford và đại học Georgetown thông qua việc trả tiền cho người làm bài kiểm tra hộ, mua chuộc các quản trị viên kiểm tra và các huấn luyện viên của một số trường đại học này.
William Singer cũng bị buộc tội đã trả tiền cho việc tạo hồ sơ thể thao giả cho con cái của các "khách hàng," sau đó mua chuộc các huấn luyện viên nhằm tìm các "suất" trong việc tuyển chọn các vận động viên sắp tới.
Trong đường dây này của Singer còn có 3 đồng phạm khác.
William Singer đang phải đối mặt với mức án tối đa là 65 năm nếu bị kết án, cho rằng bản thân "hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ việc".
Chiến dịch mang tên "Varsity Blues" đã xác nhận 50 nghi phạm bao gồm các giám đốc điều hành (CEO), nhiều ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, các nhà thiết kế thời trang, các luật sư cao cấp và giáo sư đại học... tại Mỹ đã "đi đêm" để chạy suất cho con họ vào các trường đại học hàng đầu như Yale, Stanford, Georgetown hay Nam California.
Các công tố viên cho biết đường dây chạy trường đại học này đã hoạt động từ năm 2011 và liên quan tới 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ.
Các công tố viên tuyên bố rằng vào tháng 11 và tháng 12, Caplan đã nộp 75.000 đô la cho Singer để nhà tư vấn này sắp xếp để một phó giám đốc kỳ thi tuyển sinh đại học ACT giúp con gái ông trả lời các câu hỏi. Gordon Caplan đã thừa nhận điều đó vào hôm qua.
Caplan hôm qua nhấn mạnh rằng con gái ông, một học sinh trung học, không biết gì về hành động của mình. Các công tố viên đã nói rằng một số cha mẹ đã thực hiện các bước để con cái họ không nhận ra chúng được hưởng lợi từ gian lận.
Luật sư Andrew Lelling nói với các phóng viên vào thứ Sáu rằng các chuyên gia dưới quyền ông đang thảo luận nội bộ về việc có nên buộc tội bất kỳ sinh viên nào hay không, "nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng tôi có làm hay không".
Vụ bê bối đã khơi dậy một cuộc tranh luận công khai về sự công bằng trong tuyển sinh đại học.
Đại học Harvard hôm thứ Năm cũng cho biết họ đã đưa ra một đánh giá độc lập về một giao dịch bất động sản liên quan đến huấn luyện viên đấu kiếm và một người đàn ông có con trai được nhận vào trường, theo báo cáo của Boston Globe.