Tiếp tục phân tích đánh giá tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu

Chính trị - Ngày đăng : 22:17, 31/05/2019

Thủ tướng nhấn mạnh nội dung trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, diễn ra ngày 31/5.

Tiếp tục phân tích đánh giá tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu

Phát biểu khai mạc phiên họp, về tình hình trong tháng qua, trước hết, Thủ tướng nêu ra 2 việc đáng khen ngợi, là tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 với sự tham gia của trên 3.000 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. “Chúng ta chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội với trách nhiệm cao”, Thủ tướng nêu tiếp.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở một số việc như triển khai thủ tục chậm, ban hành chậm một số văn bản. Theo Thủ tướng, cần tổng hợp danh sách các bộ, ngành làm tốt và không tốt, làm chậm trễ để đưa ra phiên họp Chính phủ để thẳng thắn phê bình. Bên cạnh đó, có một số vấn đề chưa rõ trách nhiệm, đòi hỏi phải quán xuyến từ đầu đến cuối công việc có liên quan, “làm ngày làm đêm chưa hết việc chứ đừng nói là làm túc tắc”. Vấn đề nữa Thủ tướng lưu ý là những tiến bộ khoa học công nghệ mới chậm đưa vào cuộc sống.

Không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng lưu ý về các rủi ro, thách thức bên ngoài khó lường, Thủ tướng nêu rõ áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, nếu chúng ta không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông, giải tỏa tâm lý lạm phát thì khả năng CPI bình quân tăng vượt 4% năm 2019 có thể xảy ra.

Nêu một số định hướng điều hành vĩ mô thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2019, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4% với “tinh thần là thắng không kiêu, bại không nản, không lùi bước trước khó khăn, thách thức của toàn cầu”.

Trước rủi ro bên ngoài, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát triển thị trường trong nước… “Bộ Công Thương không tổ chức thị trường trong nước tốt thì gay go”, Thủ tướng nói.

Các bộ, ngành liên quan phải quan tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ, tìm và mời các doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới vào đầu tư tại Việt Nam…

NHNN là đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đối với tỷ giá, lãi suất để có giải pháp kịp thời; tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với cú sốc bên ngoài.

Các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới và “phải xem lại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa qua chú trọng giải pháp nào để đưa vào cuộc sống, từ đất đai, công nghệ, chuỗi giá trị, thúc đẩy xuất khẩu, các dự án lớn thế nào, những vướng mắc nào cần tháo gỡ. Phải giảm lãi suất ở mức độ nào mà rất nhiều đại biểu Quốc hội nói cần nghiên cứu việc giảm lãi suất”, Thủ tướng lưu ý Thống đốc NHNN quan tâm vấn đề này.

Nhấn mạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nêu rõ không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, tăng cường truyền thông, giám sát hành vi thao túng giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải tăng dày các cuộc họp đánh giá, phân tích. “Thế giới diễn biến phức tạp mà mình không tỉnh táo thì sẽ mắc bẫy, sẽ bị theo”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục phân tích vấn đề mà Quốc hội thảo luận hôm nay (ngày 31/5) là đánh giá tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn, nhất là đối với người dân, cần tăng cường truyền thông, hạn chế bức xúc.

Bộ Tài chính, mà trước hết là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, làm đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá thị trường chứng khoán, tăng cường đánh giá, theo dõi dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua kênh thị trường chứng khoán để kiểm soát rủi ro, tình trạng chảy vốn và rủi ro lan truyền.

Chống dịch như chống giặc

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, chủ động tăng năng lực tiếp cận khai thác hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực, công việc của mình. Đẩy mạnh tiến độ chính quyền điện tử, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện, nhất là xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng kinh tế số…

Bộ Khoa học và Công nghệ sớm trình các văn bản, chỉ thị thúc đẩy hấp thụ, phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, trình Thủ tướng phê duyệt điều lệ, tổ chức hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

Nhấn mạnh nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, Thủ tướng nêu rõ, cần cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Không cắt giảm hình thức, không để lợi ích nhóm chi phối.

Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các địa phương có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các vấn nạn, các tồn tại trong lĩnh vực xã hội mà người dân, báo chí phản ánh nhiều như bạo lực học đường, gian lận thi cử, bảo đảm kỳ thi sắp tới trong sạch, minh bạch, thành công.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án chặt chẽ; các địa phương chủ động, phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về chất lượng kỳ thi, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Việc xử lý các tồn tại, bất cập nêu trên cần được coi là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; có phương án bảo đảm không thiếu hụt nguồn cung thịt cho người dân cũng như có phương án tái đàn, nuôi gia súc, gia cầm khác.

Tại phiên họp, Thủ tướng đã chỉ đạo về công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội; về ban hành văn bản quy định chi tiết pháp luật, về dự thảo các Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện; về thí điểm mở rộng quyền tự chủ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TPHCM.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có chuyển biến tích cực (trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn). Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%.

Đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục khởi sắc, đưa nước ta trở thành một điểm đến đầu tư đáng tin cậy. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng hơn 27%.

Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.

 

Xuân Lan