Chiến tranh Việt Nam: Sự mất tích bí ẩn của những người lính Mỹ (Phần cuối)
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 09:42, 28/04/2016
Sự mất tích bí ẩn của Flying Tiger 739
Hơn 2 năm trước, ngày 8/3/2014, chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 đã biến mất một cách khó hiểu khi đang trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. 239 người trên MH370 được thông báo tử nạn. Thế nhưng, không hề có một dấu vết nào cho thấy MH370 gặp tai nạn.
Đến nay, mặc dù Ủy ban an toàn giao thông vận tải Australia (ATSB) công bố báo cáo kiểm tra kỹ thuật, khẳng định chắc chắn rằng hai mảnh vỡ tìm thấy ở Mozambique hồi tháng 12 năm ngoái là của MH370, nhưng kết luận chính thức ra sao, chúng ta vẫn cần… chờ đợi.
Lật lại lịch sử, có những chiếc máy bay thậm chí còn biến mất bí ẩn hơn cả MH370, bởi đã mấy chục năm trôi qua, chẳng ai phát hiện ra chút dấu vết nhỏ nhoi nào cho thấy có khả năng tìm thấy chúng. Một trong số đó là vụ mất tích của chuyên cơ Flying Tiger 739 hay còn gọi là Super Constellation L-1049 của quân đội Mỹ vào năm 1962.
Flying Tiger 739 đã biến mất đầy bí ẩn
Bài báo đăng tin chiếc Flying Tiger 739 bị mất tích
Ngày 16/3/1962, chuyến bay Flying Tiger 739 bị mất tích trên hành trình từ đảo Guam đến Philippines. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng, chiếc 739 chở hàng hóa và quân nhân từ California (Mỹ) tới Sài Gòn, Việt Nam; và bị mất tích ở vùng biển Phillipines sau trạm dừng tại căn cứ không quân ở đảo Guam để tiếp nhiên liệu.
Hai tháng sau, 107 người trên chiếc 739 - gồm 93 người Mỹ, 3 lính quân đội Việt Nam Cộng hòa và 11 hành khách khác - đều được tuyên bố tử nạn. Bởi dù khi đó, cơ quan chức năng không nhận được cuộc gọi khẩn cấp nào, và mặc dù đã cử 4 quân binh chủng đi tìm 739 song hoàn toàn vô vọng.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là không hề có bất kỳ dấu vết nào cho thấy 739 đã gặp nạn, cũng chẳng có một thông tin nào hé lộ chuyện gì đã xảy ra? Rắc rối hơn, gia đình các nạn nhân lại khẳng định có bằng chứng cho thấy, những thanh niên đi trên máy bay được đưa đến chiến trường Việt Nam (như đã nói ở trên). Còn phía chính quyền Mỹ thì không hề có dữ liệu chính thức nào về việc 739 thực hiện nhiệm vụ quân sự.
Theo một báo cáo của Ủy ban Hàng không Dân dụng Mỹ, 739 lúc đó đang hướng đến Sài Gòn và không mang theo hàng hóa. 739 chỉ đơn giản là bị mất liên lạc. Không hề có dấu hiệu gì bất thường. Thế nhưng, một nguồn tin cho biết, một tàu chở dầu Liberia báo cáo nhìn thấy một vụ nổ trên lộ trình chuyến bay, song cũng không tìm được dấu vết nào.
Sau sự kiện trên, gia đình nạn nhân yêu cầu chính phủ Mỹ lưu tên tuổi con em họ lên bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington, nhưng đổi lại là sự im lặng. Do đó, họ tin rằng, có thể những người trên chiếc 739 xấu số đã được đưa đi tham gia “chiến dịch đen”!?
Cái chết của hạ sĩ Robert Corriveau
Năm 1968, hạ sĩ thủy quân lục chiến Mỹ Robert Daniel Corriveau biến mất khỏi Bệnh viện Hải quân Philadelphia, sau khi được đưa từ chiến trường Việt Nam về Mỹ để điều trị hội chứng rối loạn tâm lý. Corriveau bị liệt vào danh sách đào ngũ.
Hạ sĩ Robert Daniel Corriveau. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Tuy nhiên, với niềm tin Corriveau không phải là kẻ đào ngũ, gia đình anh đã đấu tranh đến cùng. Rủi thay, một sự thật đau lòng khác đã hé lộ.
Năm 2012, từ ADN của em gái Corriveau, cảnh sát phát hiện anh chính là thi thể nằm ngay rào chắn ở bệnh viện chỉ sau khi biến mất khỏi bệnh viện 3 giờ đồng hồ.
Hơn 40 năm qua, thi thể này mang tên John Doe, bị giết chết với vết đâm vào tim. Xác anh được phát hiện ở cách bệnh viện khoảng 50km. Điều đáng nói, gia đình anh chỉ nhận được thông tin sau khi Corriveau mất tích một tuần.
Hiện, Chính phủ Mỹ đã trao tặng huy chương và tưởng thưởng cho Corriveau. Tuy nhiên, bí ẩn về cái chết của Corriveau vẫn chưa có lời giải.
Thủy quân tàu Mayaguez ở đâu?
Sự kiện Mayaguez được ghi nhận là thảm họa cuối cùng của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Cuộc xung đột đẫm máu diễn ra gần đảo Koh Tang, thuộc Vịnh Thái Lan khiến 15 người chết và mất tích.
Lính Mỹ xông lên tàu hàng Mayaguez ở đảo Koh Tang, Campuchia giải cứu thuỷ thủ đoàn, tháng 5/1975. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Vụ việc bắt đầu khi tàu SS Mayaguez của Mỹ bị lực lượng Khmer Đỏ đánh úp; và kết thúc khi lực lượng không quân và thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện nhiệm vụ giải cứu thủy thủ đoàn, vào tháng 5/1975.
Năm 1991, Campuchia và Mỹ hợp tác tìm kiếm hài cốt những binh sĩ tử trận. Đến nay, vẫn còn 3 thủy quân mất tích. Có tin rằng, họ bị bắt làm tù binh, bị tra tấn đến chết, bị chết vì bom đạn hay bị giam giữ…
Ít nhất 20 cuộc điều tra được tiến hành, song sự thật về số phận của 3 thủy quân này vẫn bị bao phủ bởi một tấm màn nhung đen.
Những bí ẩn xung quanh cuộc chiến thất bại của quân đội Mỹ tại Việt Nam, chẳng hạn như câu chuyện “hậu trường” hài hước về nghi án trốn nghĩa vụ quân sự của cựu Tổng thống G.W. Bush, chiến dịch Oan hồn vất vưởng hay sự thất bại của Marigold, những sự biến mất đầy bí ẩn của những con người có liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam chưa phải là tất cả. Bởi rất có thể, trong chính mỗi người lính từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam còn ẩn chứa nhiều bí mật mà cho đến giờ chính họ cũng không nhận ra… đó là bí mật.