Những vụ ám sát nổi tiếng làm thay đổi thế giới (Kỳ 1): Vụ ám sát Julius Ceasar
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 06:56, 17/03/2016
Dù sống cách đây hơn 2000 năm, Julius Ceasar vẫn là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất từng bị ám sát một cách dã man.
Julius Caesar, tên đầy đủ là Gaius Julius Caesar (100 TCN – 44 TCN), là một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã. Ông đồng thời là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Caesar được đánh giá là một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất, chính trị gia xuất sắc nhất và là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của lịch sử thế giới thời La Mã cổ đại.
Julius Ceasar là một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã
Ông được tôn vinh là "Hoàng đế không ngai" của Đế chế La Mã, là nhân vật từng liên kết với Pompey và Crassus tạo thành "Liên minh Tam hùng" nổi tiếng trong lịch sử La Mã.
Nhiều nhà sử học cho rằng, Caesar là nhân vật có ảnh hưởng còn lớn lao hơn nhiều so với các vua chúa, các hoàng đế thời cổ xưa bởi cái tên Caesar đã tượng trưng cho quyền lực và phong cách uy nghi.
Ông đóng một vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã. Một trong những chiến tích quang vinh nhất của ông là cuộc chinh phục xứ Gaule (bao gồm Pháp, Bắc Ý, Bỉ, Tây Thụy Sĩ, v.v... ngày nay). Ông cũng là người mở cho La Mã con đường tiếp cận Đại Tây Dương.
Đồng thời, Julius Caesar còn là người phát động cuộc xâm lăng của La Mã vào xứ Britannia (nước Anh ngày nay), cũng như đã cho xây cầu sông Rhein năm 55 TCN. Và trở thành vị tướng La Mã đầu tiên vượt qua eo biển Manche.
Ông đã được Viện Nguyên Lão La Mã tôn vinh là vị thống soái cao nhất của La Mã
Ông đã được Viện Nguyên Lão La Mã tôn vinh là Imperus Maximus Dalte Sum Romana (vị thống soái cao nhất của La Mã). Danh hiệu này khẳng định rằng ông là Praetori et Romanus, nghĩa là "Người bảo trợ cao nhất của La Mã" (sau này danh hiệu này được truyền cho Augustus).
Vào đầu năm 44 TCN, khi mà danh tiếng của Caesar không ngừng tăng, hố ngăn cách giữa ông và giới quý tộc ngày càng sâu, các âm mưu ám sát ông bắt đầu.
Vụ ám sát Julius Caesar là kết quả của một âm mưu của nhiều vị Nguyên lão, những người đã tự gọi mình là Liberatores (Người giải thoát). Nhiều Nguyên lão sợ rằng Caesar có ý muốn lật đổ Viện nguyên lão để ủng hộ chế độ độc tài.
Chính vì thế, vào ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN, một nhóm các nguyên lão gọi Caesar đến để đọc đơn thỉnh cầu ông giao trả quyền lực, tuy nhiên tất cả chỉ là giả mạo. Vị tướng thân cận của Caesar, là Mark Antony đã cảm thấy nghi ngờ việc các Nguyên lão đột ngột muốn gặp mặt Caesar và không cho phép các vệ sĩ đi theo như mọi khi.
Nhưng đã quá muộn, khi đi qua Nhà hát Pompey, Caesar bị một nhóm các Nguyên lão chặn lại và dẫn ông vào một căn phòng ở cửa Đông.
Khi Caesar đang đọc lá đơn giả mạo, Servilius Casca tiến lại giật áo choàng của Caesar và sượt tay qua cổ ông. Caesar quay lại và nắm lấy cằm của Casca la to bằng tiếng Latin : "Tên khốn Casca, ngươi đang làm gì đó?". Casca hoảng sợ, kêu những Nguyên lão đồng mưu bằng tiếng Hy Lạp : "Anh em làm ơn giúp đỡ".
Xác của ông nằm tại một vị trí liền kề với Nhà hát Pompey
Ngay lập tức, toàn bộ nhóm Nguyên lão xông lên tấn công Caesar. Theo Eutropous, có hơn 60 người tham gia vào âm mưu giết Caesar, và chủ mưu của vụ ám sát là Gaius Cassius Longinus và Marcus Junius Brutus. Caesar đã bị đâm tổng cộng 23 nhát, xác của ông nằm tại một vị trí liền kề với Nhà hát Pompey vào ngày Ides tháng 3 (tức 15 tháng 3) năm 44 TCN.
Hậu quả của vụ ám sát dẫn đến cuộc nội chiến vào một năm sau đó, và cuối cùng mở đầu cho thời đại Nguyên thủ của đế chế La Mã .