Birmingham - Thành phố của sự sợ hãi (Kỳ 3): Vụ đánh bom tàn khốc

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 08:47, 01/03/2016

Ngày 15/6/1963, tại thành phố đầy hỗn loạn Birmingham đã sảy ra một vụ đánh bom tàn khốc. Vụ tấn công nhằm đúng lúc diễn ra buổi lễ ở nhà thờ vào ngày chủ nhật. Đây được xem là một trong số những tội ác đáng ghê tởm nhất ở Mỹ trong thế kỷ 20.

Những kẻ thủ ác đã ẩn mình sau những chiếc mặt nạ bí mật và trong những tấm áo choàng trắng của tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan.

Đúng 9 giờ sáng ngày 15/6/1963, lớp học gồm 80 em học sinh nữ bắt đầu tập trung tại hành lang của nhà thờ Baptist trên phố 16. Hôm nay, cô giáo Ella C. Demand đứng lớp và giảng cho các em bài học về sự tha thứ.

Cô Demand đưa các em xuống tầng hầm khi hàng trăm người lớn đang tham dự buổi lễ ngày Chủ nhật ở tầng một, ngay phía trên lớp học của cô. Hầu hết các em đều quen biết nhau, bởi các em cùng lớn lên ở một khu phố, cùng học chung một trường và cùng đi lễ ở một nhà thờ.

Khi Mục sư John Cross thuyết giảng, thì cũng là lúc các em học sinh đang chăm chú lắng nghe lời chỉ dạy của cô giáo Demand dưới tầng hầm.

Birmingham - Thành phố của sự sợ hãi (Kỳ 3): Vụ đánh bom tàn khốc

Đúng 10 giờ 22 phút, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả nhà thờ

Nhưng đúng 10 giờ 22 phút, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả nhà thờ. Toàn bộ bức tường của nhà thờ phía phố 16 đổ sập xuống căn phòng giữa những tiếng la hét kinh hãi. Mảnh kính vỡ bay trong không trung như những viên đạn. Đá và những tảng vữa rơi ầm ầm xuống trần nhà và phủ lấp hai lối vào tầng hầm.

Gần như ngay lập tức, những người tham dự buổi lễ ở tầng trên chạy về phía phát ra tiếng nổ. Một số người không biết tiếng nổ bắt nguồn từ đâu, chỉ biết nó xảy ra ở một địa điểm nào đó trong nhà thờ.

Khi mọi người xuống đến tầng hầm đã bị phá hủy do vụ nổ, bọn trẻ đang rất sợ hãi và một vài em đã bắt đầu bò ra khỏi đống đổ nát. Một số em bị thương đã được các bạn kéo ra khỏi đống gạch đá. Nhiều nhân viên y tế đã nhanh chóng có mặt và chăm sóc cho những người bị thương.

Trong vòng vài phút, thi thể đầu tiên trong số những đứa trẻ bị thiệt mạng được kéo ra khỏi đống đổ nát của tầng hầm.

Tin tức về vụ đánh bom nhà thờ Baptist lan nhanh như dòng điện tới khu vực của cộng đồng người da đen, và ngay lập tức đám đông thanh niên khu phố kéo về phố 16.

Hàng trăm người đổ dồn về phía nhà thờ. Nhiều người xông vào đống đổ nát, cố đào bới để tìm những nạn nhân còn sống sót. Cảnh sát tìm cách ngăn họ lại nhưng vô vọng. Đám đông ngày càng đông hơn, nhiều người giận dữ la hét và ném đá vào các nhân viên cảnh sát.

Hàng chục cảnh sát trang bị súng ngắn đã được huy động đến giao lộ trên phố 16, khi đám đông những người đàn ông da đen giận dữ bao vây khu vực này. Đụng độ đã xảy ra và tình hình mỗi lúc một thêm căng thẳng.

Birmingham - Thành phố của sự sợ hãi (Kỳ 3): Vụ đánh bom tàn khốc

Toàn bộ bức tường của nhà thờ đổ sập xuống căn phòng giữa những tiếng la hét kinh hãi

Đến cuối ngày công tác cứu hộ gần hoàn tất. Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 4 em nhỏ, hàng chục bé gái khác bị thương.

Người ta cho rằng, trái bom trong vụ tấn công này gồm ít nhất 15 kíp nổ. Vì không những phá vỡ toàn bộ kính của nhà thờ, mà nó còn phá vỡ cửa sổ của các tòa nhà bên kia đường và hất tung những chiếc xe hơi đậu cạnh nhà thờ. Nó dường như được đặt bên ngoài nhà thờ, phía dưới cầu thang dẫn tới tầng hầm.

Trong lúc mọi người đang hỗn loạn, thì tại một góc phố gần nhà thờ Baptist, có một người đàn ông da trắng đứng vô hồn bên cạnh hàng rào của cảnh sát. Anh ta nhìn chằm chằm về phía nhà thờ. Charles Vann, phụ tá thị trưởng thành phố, đã nhìn thấy người đàn ông này khi đang trên đường tới hiện trường vụ nổ.

Người đàn ông đó là Robert Chambliss và theo lời Charles Vann, anh ta “nhìn về phía nhà thờ Baptist giống như cách người ta đốt lửa rồi đứng xem ngọn lửa bốc cháy”.

Birmingham - Thành phố của sự sợ hãi (Kỳ 3): Vụ đánh bom tàn khốc

Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 4 em nhỏ

Những ngày sau đó, dư luận cả nước Mỹ kịch liệt lên án những kẻ thực hiện vụ đánh bom nhà thờ Baptist. Tờ Birmingham News viết “Không một từ ngữ nào có thể bù đắp cho cái chết của bốn em gái vô tội”.

Tờ Birmingham World viết “Birmingham là một thành phố bệnh tật? Chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan thực thi pháp luật khác phải bằng mọi cách tìm ra thủ phạm của tội ác ghê tởm này và đem chúng ra trước công lý”.

Hà Kim