Vụ lừa đảo khảo cổ chấn động lịch sử nhân loại (Kỳ cuối): Lật lại quá khứ
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 08:42, 09/01/2016
Theo tài liệu của một thám tử, Dawson từng ăn cắp những nghiên cứu về các lâu đài cổ ở Sussex chưa từng được công bố rồi khẳng định đó là công trình do mình làm nên; từng dính vào một vụ buôn bán đồ cổ giả mạo...
Một cuộc điều tra khác cho biết thêm trong các cổ vật khác do Dawson cung cấp có ít nhất 38 mẫu được xác định là giả. Trong đó có một bộ sưu tập đá lửa bị phát hiện được ủ bằng hóa chất, tương tự như quá trình được sử dụng với các cổ vật Piltdown.
Và cùng với những chứng cớ thu thập được, giới khoa học tin chắc rằng Charles Dawson là kẻ chủ mưu của vụ lừa đảo người “Piltdown Man”.
Tuy nhiên, ông ta sẽ không thể dựng nên một câu chuyện hoàn hảo như thế nếu không có sự giúp đỡ của những kẻ đồng lõa khác. Trong số đó, Woodward chính là người hỗ trợ hăng hái nhất.
Song khác với Dawson, Woodward không đơn giản chỉ muốn đùa cho vui hay lợi dụng câu chuyện Piltdown Man để trở nên nổi tiếng. Bởi lẽ, ông Woodward đã được giới khoa học công nhận về những khám phá của mình từ trước đó.
Woodward chính là người hỗ trợ hăng hái nhất cho Dawson
Hơn nữa, những người cùng làm việc với Woodward khẳng định ông không phải mẫu người muốn phóng đại một câu chuyện mang tính chất khoa học, lịch sử để làm trò tiêu khiển.
Ấy vậy mà ông chính là người đầu tiên hợp tác và giúp đỡ Dawson gây ra vụ bê bối nhất trong lịch sử ngành khảo cổ. Theo Teilhard - người bị nghi ngờ là đồng phạm với Dawson nói, có thể động cơ thúc đẩy Woodward mạo hiểm phạm tội chính là tham vọng thăng tiến trong sự nghiệp.
Thời điểm khai quật được những cổ vật tại Piltdown, Woodward đang trong quá trình tranh cử vào chiếc ghế Giám đốc tại Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên của Anh. Thế nên, vụ Piltdown chẳng khác nào giúp ông "mọc thêm cánh" trong việc kêu gọi sự ủng hộ của các phiếu bầu.
Nói là vậy, song nhiều người vẫn không hiểu nổi tại sao Woodward lại có thể tham gia vào một vụ lừa đảo táo tợn đến như vậy. Làm trong ngành khoa học, Woodward biết rõ như thế là mạo hiểm và nếu bị phát hiện, toàn bộ sự nghiệp xán lạn của ông sẽ tan thành mây khói. Có lẽ danh tiếng và tiền bạc đã làm lu mờ nhà khoa học được không ít người kính trọng này.
Dawson và Woodward đã cùng nhau trong suốt quá trình khai quật các cổ vật
Dawson và Woodward đã cùng nhau trong suốt quá trình khai quật các cổ vật trên. Tuy nhiên, hai người đó không thể một mình đánh lừa được cả thế giới. Cảnh sát cũng nhắc đến vai trò không nhỏ của Pierre Teilhard de Chardin và Martin A.C. Hinton.
Giống như Dawson và Woodward, Teilhard cũng tham gia đáng kể vào vụ Piltdown. Trên thực tế, ông còn công bố những khám phá riêng của mình về một chiếc răng nanh có niên đại xấp xỉ 500.000 năm giống như hộp sọ mà Dawson khai quật được.
Chính vì điều này mà người ta tin rằng Teilhard chính là kẻ đồng lõa trong vụ lừa đảo. Khi vụ việc bị vỡ lở vào năm 1953, Teilhard là một trong số ít những người liên quan còn sống sót.
Tuy nhiên, ông không trả lời bất kỳ câu hỏi nào về vụ Piltdown Man. Hai năm sau, do tuổi cao sức yếu, Teilhard đã qua đời ở tuổi 73. Trong di chúc để lại, ông còn nói: "Nếu trong cuộc đời này tôi làm bất kể điều gì sai trái, Chúa sẽ đưa tôi đi vào đúng ngày Lễ phục sinh".
Và quả thực, Teilhard giã từ cõi đời vào ngày 10/04/1955, đúng ngày Lễ Phục Sinh của năm 1955. Điều này khiến nhiều người theo đạo tin rằng Chúa đã trừng phạt Teilhard vì những gì ông đã làm.
Teilhard cũng chính là kẻ đồng lõa trong vụ lừa đảo
Còn về phía Hinton là một nhà cổ sinh vật có uy tín, được các đồng nghiệp kính trọng, đồng thời cũng là nhà quản lý mảng động vật học của Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên của Anh. Bên cạnh đó, ông cũng là một chuyên gia trong việc kiểm nghiệm các hóa thạch.
Với kiến thức của mình về ngành khảo cổ học, Hinton chắc biết rất rõ chiếc sọ người Piltdown kia thực chất chỉ là giả mạo. Thế nhưng ông vẫn nhắm mắt làm ngơ mà xác nhận những công trình của Dawson là chính xác.
Sau này, khi vụ việc vỡ lở, Hinton cho biết người đứng sau vụ Piltdown Man từng làm việc tại Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên của Anh vào thời điểm Piltdown Man được công bố rộng rãi trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, Hinton từ chối nói tên người này bởi khi vụ lừa đảo được đưa ra ánh sáng, ông ta vẫn sống và Hinton không muốn làm tổn hại đến danh tiếng của người-bí mật.
Để câu chuyện về người Piltdown Man của mình có trọng lượng, Dawson phải nhờ đến rất nhiều bạn bè có vai vế trong giới khoa học xác nhận. Chính những lời khẳng định của các nhà khoa học hàng đầu đã góp phần củng cố cho công trình của Dawson, góp phần tạo nên 1 vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành khoa học khảo cổ.