Kẻ giết người hàng loạt “Chó điên” (Kỳ Cuối): Con số 7 định mệnh

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 00:11, 03/01/2016

Sau âm mưu giết hại Rick Webster không thành. Nhóm của Archie bị bắt giữ và phải đối mặt với những mức án nghiêm khắc nhất.

Trong phiên tòa xét xử, Archie luôn tỏ thái độ ngông cuồng, nhưng có lúc hắn cũng khiến cả phòng xử án lặng người đi khi nghe sát nhân chia sẻ: "Cái chết của con trai là điều kinh khủng nhất đối với tôi. Bởi tôi rất yêu con, Craig là cả thế giới với tôi. Và sau khi cậu bé chết, tôi hoàn toàn suy sụp".

Dù là một kẻ giết người điên rồ, bệnh hoạn nhưng Archie lại là một người cha hết lòng yêu thương con. Bên cạnh những yếu tố tâm thần tác động, mục đích chính để “chó điên” giết người vẫn là vì con, dù đó là không tưởng.

Hắn khờ khạo tin rằng, chỉ cần giết đủ 7 người thì Craig bé bỏng sẽ quay về lại với hắn. Sự đau khổ và tình yêu thương vô bờ bến của một người cha đã làm cho hắn bị mờ mắt và sống trong những ảo tưởng điên rồ của bản thân.

Cho đến tận phút cuối của phiên tòa, Archie vẫn tin vào phép màu xảy đến với đứa con nhỏ. Hắn vẫn không hề hối hận hay thương xót cho những nạn nhân vô tội đã chết dưới bàn tay nhuốm máu hận thù của hắn.

Điều đáng sợ nhất là Archie chưa chịu dừng lại. Hắn lạnh lùng tuyên bố trước tòa: "Nếu có cơ hội, tôi vẫn tiếp tục giết người. Đơn giản vì tôi cần phải giết 7 người". Con số 7 định mệnh ám ảnh kẻ giết người điên rồ. 3 nạn nhân vô tội đã nằm xuống, phải chăng sẽ còn thêm 4 người nữa chết dưới bàn tay của "chó điên".

Theo đó, tòa tuyên hai kẻ trực tiếp ra tay giết Ronald Cox và Evangelos Kollias mức án 18 năm tù. Richard Webster bị kết tội ngộ sát Ronald Cox và phải chịu mức án 4 năm tù giam. Julie Todd bị kết án 10 năm tù vì liên đới trực tiếp tới cái chết của Cox và Kollias. Ngày 20/5/1974, người ta phát hiện cô bé treo cổ tự tử trong nhà tắm trại giam khi vừa bước sang tuổi 17.

Chỉ có Carol Howes là vô tội. Khi các bản án của đồng bọn được tuyên, Carol Howes đang mang trong mình cái thai 8 tháng của “chó điên”.

Riêng Archie, quan tòa tin rằng dù có những dấu hiệu bất thường về tâm lý nhưng Archie không phải một kẻ điên và phải chịu trách nhiệm cho tất cả hành vi tội ác của mình.

Kẻ giết người hàng loạt “Chó điên” (Kỳ Cuối): Con số 7 định mệnh

Ngay cả khi ở trong nhà giam, Archie vẫn nuôi ý định để làm sao giết thêm được 4 người nữa

Tòa quyết định tuyên 3 án chung thân cho kẻ sát nhân. Vì từ đầu tới cuối phiên tòa hắn không hề tỏ ra ăn năn hối lỗi. Hơn cả là nỗi e sợ chó điên chưa chịu quy thiện, hắn sẽ tiếp tục giết người cho đủ con số 7. 

Ngay cả khi ở trong nhà giam, Archie vẫn nuôi ý định để làm sao giết thêm được 4 người nữa. Cán bộ nhà giam và các bác sỹ tâm lý đều khẳng định “chó điên” là một tội phạm cực kỳ nguy hiểm của Australia.

Trong suốt thời gian trong tù, Archie được điều trị các liệu pháp tâm lý cũng như phải uống một liều lượng không nhỏ thuốc an thần. Bên cạnh đó, nhà tù cũng phải canh gác gắt gao, đảm bảo an ninh tối đa để kiểm soát Archie.

Tháng 4/1980, Archie ngấm ngầm thực hiện một cuộc đào tẩu cho riêng mình. Hắn lợi dụng đục những tảng tường mục do ẩm ướt trong nhà giam tạo thành một đường hầm để trốn thoát. Nhưng may sao, kế hoạch của hắn bất thành. Các quản ngục đã kịp phát hiện và siết chặt giam giữ “chó điên” khi đường hầm của hắn còn đang dang dở. Kể từ đó, Archie bị để mắt nhiều hơn.

Giữa năm 1981, một vụ giết người hàng loạt diễn ra ngay chính trong nhà tù Parramatta nơi Archie đang cải tạo. Ngay lập tức, cảnh sát nghĩ tới “chó điên” có liên quan tới cái chết của 4 tù nhân xấu số đó.

Sau khi tiến hành điều tra, cảnh sát liên bang khẳng định, Archie có mặt khi vụ thảm sát xảy ra và ra tay sát hại 1 trong số 4 nạn nhân. Tháng 9/1981, Archie bị tuyên án thêm 14 năm tù giam vì tội giết tù nhân Edward James Lloyd ngay trong nhà tù.

Archie khẳng định đây là một vụ cố ý dàn sếp và hắn chỉ là nạn nhân. Để chứng minh cho những điều mình tuyên bố, hắn còn nêu tên những kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết của 4 tù nhân trên.

Chính điều này đã khiến Archie gặp nhiều rắc rối hơn trong nhà tù. Archie có thêm nhiều kẻ thù luôn tìm cách bịt miệng hắn. Từ chỗ là một mối nguy hiểm cho những tù nhân khác, chính bản thân “chó điên” lại đang gặp nguy hiểm.

Để bảo đảm an toàn cho Archie, hệ thống nhà tù liên bang phải thường xuyên luân chuyển hắn tới nhiều nhà tù khác nhau. Sau nhiều lần chuyển qua lại các nhà tù tiểu bang, Archie được đưa tới Tổ chức bảo vệ nhân chứng ở Long Bay năm 1987.

Kẻ giết người hàng loạt “Chó điên” (Kỳ Cuối): Con số 7 định mệnh

Sát nhân “chó điên” Archibald Beattie McCafferty chính thức được thả sau hơn 23 năm tù giam

Dù phải chịu 3 bản án chung thân cộng với ít nhất 17 năm tù giam nhưng Archie không ngừng gửi đơn xin được miễn giảm tội và ân xá. Tháng 11/1991, lá đơn của Archie đến tay thẩm phán Wood. Vị thẩm phán đã xem xét và đồng ý cấp cho Archie một lệnh tạm tha thời hạn 20 năm.

Ngày 19/4/1997, sát nhân “chó điên” Archibald Beattie McCafferty chính thức được thả sau hơn 23 năm tù giam. Lệnh thả Archie ngay lập tức vấp phải một làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng người Australia. Họ e sợ Archie sẽ giống như con hổ sổng chuồng, điên cuồng giết người thêm cho đủ 7 nạn nhân.

Đứng trước hoàn cảnh đó, cơ quan chức năng buộc phải trục xuất Archie ra khỏi đất nước, trở về nơi hắn sinh ra ở Scotland.

Hoàng Hà