Không tính toán được giá đất sát thị trường, không thể chấm dứt được khiếu kiện

Chính trị - Ngày đăng : 17:23, 27/05/2019

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh nội dung trên tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Vấn đề giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách, việc điều chỉnh quy hoạch đất đai...  là những nội dung được nhiều đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay (27/5).

Cần theo sát diễn biến thị trường để điều chỉnh khung giá đất

Liên quan vấn đề giá đất theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ), hiện nay, giá đất rất bất cập, không sát với thị trường gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh kịp thời khung giá đất, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường.

Không tính toán được giá đất sát thị trường, không thể chấm dứt được khiếu kiện

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng: Không tính toán được giá đất sát thị trường, không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai

Ngoài ra, Chính phủ cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất, các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định Bảng giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng đây là vấn đề rất khó, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng không thể không làm vì Hiến pháp đã quy định rõ "Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý."

"Đất đai là của nhân dân, nhân dân đã trao quyền đại diện chủ sở hữu cho Nhà nước nên Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Không tính toán được giá đất sát thị trường, không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai," đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) nêu quan điểm giá đất, định giá đất là khâu cơ bản để xây dựng hệ thống tài chính đất đai lành mạnh. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy nguồn thu từ đất bị thất thoát, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và có nhiều điểm bất hợp lý.

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định liên quan đến việc định giá đất còn nhiều bất cập.

"Hiện nay, chúng ta đang quản lý giá đất theo Khung giá đất của Chính phủ và Bảng giá đất của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nhưng có thể thấy là thấp hơn giá trị thật, dẫn đến thất thu nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Trên thực tế, Khung giá đất và Bảng giá đất này chủ yếu sử dụng để tính thuế, phí về đất đai," đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích.

Cũng theo đại biểu, Luật Đất đai quy định rõ, việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai. Trong khi đó, liên quan đến giá đất thị trường, các loại thuế liên quan đến đất đai được tính theo Bảng giá đất do Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành, không căn cứ vào giá trị thực ghi trong các hợp đồng giao dịch.

Việc xác định giá đất sát với giá thị trường là không khả thi và thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Hơn nữa, việc thẩm định giá đất do Hội đồng thẩm định giá đất (do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch) khó bảo đảm tính khách quan.

Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất, giá đất phải do tổ chức cung cấp dịch vụ giá đất độc lập thực hiện. Ngoài ra, công tác theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất; cơ chế giám sát các cơ quan quản lý, cơ quan định giá... cũng làm chưa tốt. Việc chưa có giải pháp cụ thể để xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trường và giám sát việc định giá đất là những yếu tố gây khó khăn cho việc xác định giá đất cụ thể.

"Đây là những nguyên nhân xuất phát từ quy định của Luật Đất đai 2013, nhưng cũng có nội dung liên quan đến các văn bản dưới luật cần được khẩn trương sửa đổi, bổ sung," đại biểu nhận định.

Nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi

Đối với vấn đề quy hoạch đất đai, mặc dù việc lập quy hoạch đô thị đang góp phần tạo ra không gian môi trường hiện đại nhưng quy hoạch sử dụng đất mới chỉ làm được việc chuẩn bị diện tích đất theo các loại, theo nhu cầu sử dụng của các ngành, địa phương, mới chỉ tập trung vào tiêu chí diện tích các loại đất sẽ đưa vào sử dụng trong kỳ quy hoạch, chưa có nội dung phân vùng quốc gia sử dụng đất.

Đại biểu Mai Sỹ Diến – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, năng lực xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, dự báo tình hình còn những hạn chế, dẫn đến bức xúc của người dân vì quy hoạch treo và đã “treo” luôn quyền lợi của người dân như tình trạng tạm cư nhiều năm, không được làm bất cứ cái gì mới liên quan đến nhà ở và ngay trên mảnh đất của mình.

“Nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch treo, chính quyền biết, doanh nghiệp biết nhưng việc ban hành chủ trương chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân thì chưa được chú trọng, dẫn đến việc tăng lượng đơn thư khiếu nại tố cáo”, đại biểu Diến nói.

Vị đại biểu đoàn Thanh Hoá đặt vấn đề trong các báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa chỉ ra điều chỉnh quy hoạch nào không vì lợi ích chung mà do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý, mặc dù 5 năm qua đã có hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn hecta đất được thu hồi, có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thì bày tỏ, dù báo cáo đã thể hiện bao trùm nhưng thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực này, từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8b Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (Hà Nội) hay việc “xà xẻo” các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn.

“Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân”, đại biểu Nhân nêu quan điểm.

Một số ĐBQH khẳng định, qua giám sát cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khoảng trống pháp lý, quá trình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn hạn chế. ĐBQH Nguyễn Trường Giang đặt vấn đề, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, dẫn đến phá vỡ quy hoạch ban đầu. Đúng là trong quá trình triển khai quy hoạch, vẫn cần phải điều chỉnh, nhưng nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi hoặc theo tư duy chủ quan, theo đề xuất của chủ đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, hạn chế của công tác quy hoạch có nguyên nhân do thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc đưa ra dự báo phát triển kinh tế - xã hội, thiếu tầm nhìn bao quát dài hạn nên chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu khả thi. Nhiều quy hoạch sau khi được phê duyệt tổng thể thì phải điều chỉnh nhiều lần. Nhiều khu vực quy hoạch rồi, triển khai quy hoạch rồi nhưng nhiều lãnh đạo vẫn đi theo lợi ích doanh nghiệp, cá nhân, làm cho quy hoạch bị thay đổi, gây bức xúc cho người dân.

Cho rằng không thể làm ngơ trước việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề, các cơ quan quản lý về quy hoạch, kiến trúc, cơ quan thẩm định quy hoạch nói gì về vấn đề này và trách nhiệm như thế nào. Nhiều ĐBQH cũng đề nghị phải làm rõ thêm vấn đề này.

Đại biểu Mai Sỹ Diến – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, năng lực xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, dự báo tình hình còn những hạn chế, dẫn đến bức xúc của người dân vì quy hoạch treo và đã “treo” luôn quyền lợi của người dân như tình trạng tạm cư nhiều năm, không được làm bất cứ cái gì mới liên quan đến nhà ở và ngay trên mảnh đất của mình.

“Nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch treo, chính quyền biết, doanh nghiệp biết nhưng việc ban hành chủ trương chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân thì chưa được chú trọng, dẫn đến việc tăng lượng đơn thư khiếu nại tố cáo” – ông Diến nói.

Vị đại biểu đoàn Thanh Hoá đặt vấn đề trong các báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa chỉ ra điều chỉnh quy hoạch nào không vì lợi ích chung mà do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý, mặc dù 5 năm qua đã có hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn hecta đất được thu hồi, có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thì bày tỏ, dù báo cáo đã thể hiện bao trùm nhưng thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực này, từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8b Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (Hà Nội) hay việc “xà xẻo” các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn.

“Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân” – ông Nhân nêu quan điểm.

Ngọc Mai