Richard Sorge - nhà tình báo vĩ đại nhất mọi thời đại (Kỳ 4): Người anh hùng của Liên Xô

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 15:13, 18/08/2015

Ngay sau khi bị tấn công, Moscow yêu cầu Richard Sorge giúp đỡ khẩn cấp. Một bức điện khô khốc, ngắn ngủn ra lệnh cho anh báo cáo về chính sách của chính phủ Nhật Bản liên quan đến cuộc chiến Xô - Đức.

Ở thời điểm này, nếu Nhật Bản quyết định tấn công vùng Viễn Đông của Liên Xô thì Liên Xô sẽ rơi vào một tình thế cực kỳ tồi tệ. Lúc đó, Berlin đang chỉ đạo Đại sứ Ott dùng tất cả các biện pháp để thuyết phục Nhật Bản tấn công Liên Xô. Và nước này có lẽ không thể chống lại được hai đối thủ cùng một lúc.

Trong lúc đó, ở Tokyo lại diễn ra một cuộc tranh luận về chính sách của Nhật đối với cuộc chiến. Nhật Bản đã nhúng sâu vào cuộc chiến tranh ở Trung Quốc nhưng tại thời điểm đó chưa có dấu hiệu nào cho thấy có sự ổn định ở chiến trường này.

Lúc bấy giờ, tình hình ở châu Âu lại đang mở ra những khả năng mới. Những thắng lợi của Đức ở Tây Âu đã mở một cánh cửa cho Nhật Bản tiến quân vào các thuộc địa giàu tài nguyên của Pháp, Hà Lan và Anh ở khu vực Đông Nam Á.

Mặt khác, việc Hitler tiến hành xâm lược Liên Xô cũng mở ra cơ hội cho Nhật Bản tấn công lên hướng bắc vào khu vực Siberia và khu vực Viễn Đông của Liên Xô. Tuy nhiên, bất kỳ hướng tấn công nào của Nhật cũng ẩn chứa các nguy cơ. Vì Nhật Bản hiện đang bị sa lầy với cuộc chiến ở Trung Quốc, do đó không thể tiến hành tấn công đồng loạt trên cả hai hướng nam và bắc mà phải lựa chọn một trong hai hướng.

Chưa đầy một tuần sau khi Đức phát động cuộc tấn công xâm lược Liên Xô, Richard Sorge đã hoàn thành bản báo cáo tóm tắt tình hình Nhật Bản gửi về cho Moscow.

Richard Sorge - nhà tình báo vĩ đại nhất mọi thời đại (Kỳ 4): Người anh hùng của Liên Xô

Richard Sorge làm bản báo cáo tóm tắt tình hình Nhật Bản gửi về cho Matxcơva.

Thông tin của Richard Sorge nói rằng, Nhật Bản đã quyết định đưa quân sang Đông Dương, khi đó là thuộc địa của Pháp. Ozaki nhận định Nhật sẽ đợi xem cuộc chiến Xô - Đức diễn biến thế nào rồi mới đưa ra quyết định.

Nhật sẽ tấn công lên hướng bắc nếu Hồng Quân nhanh chóng bị đánh bại. Chữ ký của Stalin ở dưới báo cáo này là bằng chứng cho thấy bản báo cáo quan trọng này đã được chờ đợi đến mức nào. 

Trong tháng 7, quân Nhật đã chiếm được Đông Dương, lúc đó đang bị đặt dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đồng thời, Nhật Bản đã gửi thêm hàng nghìn quân đến vùng Mãn Châu, sát với biên giới của Liên Xô.

Richard Sorge không biết chính xác Nhật Bản sẽ tiến quân theo hướng nào, nhưng trong vài tuần sau đó anh và Ozaki đã tìm ra câu trả lời.

Ngày 26/8, Richard Sorge gửi bức điện này đi Moscow: “Invest (Ozaki) đã nắm được thông tin từ những người thân cận nhất với Thủ tướng Nhật Bản Konoye… Theo đó, Bộ Chỉ huy tối cao quyết định sẽ phụ thuộc vào việc điều kiện ở đâu thuận lợi hơn. Đây là chủ trương nhằm tranh thủ thêm thời gian để xem các sự kiện trên mặt trận Xô - Đức diễn biến ra sao. Cuộc tấn công vào vùng Viễn Đông của Liên Xô bị trì hoãn chứ không được loại bỏ hẳn khỏi nghị trình".

Quyết định cuối cùng của Nhật về vấn đề này được thông qua tại phiên họp với Hoàng đế Nhật ngày 6/9/1941. Trước thời điểm này, chiến dịch chớp nhoáng mùa hè năm 1941 Đức đã phá sản nên Nhật Bản quyết định thử vận may ở hướng Nam.

Richard Sorge đã báo cáo về quyết định có tính định mệnh đối với Liên Xô này trong một loạt các điện mã gửi ngày 14/9/1941. Hai ví dụ điển hình như: “Theo thông tin của nguồn tin Invest, chính phủ Nhật đã quyết định trong năm nay không khai chiến chống Liên Xô, nhưng các lực lượng vũ trang vẫn được để lại Mãn Châu, phòng trường hợp tham chiến vào mùa xuân năm tới". Hay  Invest nói rằng, "sau ngày 15/9, Liên Xô có thể hoàn toàn rảnh tay. Nhưng nếu đàm phán với Mỹ kết thúc không thành công, Nhật Bản sẽ khai chiến ở hướng Nam Liên Xô rất nhanh”.

Vấn đề quân Nhật tiến về phía Nam được nêu cụ thể hơn tại một trong những bức điện mã cuối cùng của Sorge ngày 3/10/1941: “Trong trường hợp Mỹ không thực sự thỏa hiệp trước giữa tháng 10, Nhật Bản sẽ khai chiến trước hết chống Thái, sau đó là Singaporer, Malayu và Sumatra”.

Bí mật của việc nước Nhật quân phiệt chuẩn bị tham gia Thế chiến II bên phía khối trục, nhưng không phải chống Liên Xô mà chống Anh và Mỹ, đã bị khám phá. Vào ngày 14/9, Matxcơva  đã nhận được những tin tức tối mật này.

Richard Sorge - nhà tình báo vĩ đại nhất mọi thời đại (Kỳ 4): Người anh hùng của Liên Xô

Richard Sorge được khẳng định gần như là cứu tinh duy nhất của thủ đô Moskva vào mùa thu năm 1941

Hoàn toàn an tâm là sau 15/9, Liên Xô có thể rảnh tay do không phải lo Nhật khai chiến ở Viễn Đông cho đến mùa xuân năm sau. Thực tế đã tạo cơ hội cho bộ chỉ huy Liên Xô yên tâm thực hiện một hành động cơ động chiến lược cực kỳ quan trọng, là tạm thời điều các binh đoàn từ Viễn Đông sang mặt trận phía Tây mà không phải lo Nhật tấn công.

Trong vòng hai tháng sau, 15 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn kỵ binh, 1.700 xe tăng và 1.500 máy bay đã được di chuyển từ vùng Viễn Đông của Liên Xô sang mặt trận châu Âu.

Chính sự tăng cường lực lượng như thế này đã làm thay đổi cục diện Trận chiến Moscow diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 12/1941. Liên Xô  giữ vững được thủ đô Moskva và giành thắng lợi quan trọng đầu tiên cả về chiến lược và quân sự - chính trị trước quân đội Đức.

Tất nhiên, nếu chỉ mình nhóm của Sorge thì không thể mang lại bước ngoặt cho sự kiện này, nhưng Richard Sorge đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.

Ông là một trong những nguồn tin tình báo đầu tiên cảnh báo lãnh đạo Liên Xô về việc nước Đức phát xít chuẩn bị cuộc xâm lược chống Liên Xô. Richard Sorge cũng được khẳng định gần như là cứu tinh duy nhất của Thủ đô Moskva vào mùa thu năm 1941. Đây gần như là sự thừa nhận đầu tiên công lao của Richard Sorge từ phía lãnh đạo tình báo quân sự Liên Xô.

Hoàng Hà