Richard Sorge - nhà tình báo vĩ đại nhất mọi thời đại (Kỳ3): Những thông tin quyết định lịch sử
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 08:32, 14/08/2015
Mùa hè năm 1936, Sorge thuê một ngôi nhà nhỏ ở một khu vực yên tĩnh để ở. Ngôi nhà nằm gần đồn cảnh sát địa phương. Theo Sorge, “náu mình nơi lộ liễu nhất, là cách ẩn mình an toàn nhất”.
Ông thường phóng như bay qua những khu phố đông đúc của Tokyo trong tình trạng nửa tỉnh nửa say. Cũng trong năm đó, ông tán tỉnh một nhân viên phục vụ tại một trong những nhà hàng mà ông thường xuyên lui tới - cô Hanako Lishi, 26 tuổi. Chẳng bao lâu sau, Lishi dọn đến sống trong ngôi nhà của Sorge. Đây có lẽ là mối tình kéo dài nhất trong cuộc đời của ông.
Hanako Lishi
Cũng từ đây, Sorge được biết đến như là điệp viên tình báo, dự đoán các sự việc gần như chính xác đến từng ngày.
Tháng 6 năm đó, Trung tướng Genrikh Lyushkov, giám đốc Ủy ban An ninh Quốc gia ở khu vực Viễn Đông của Nga, vượt qua biên giới vào vùng Mãn Châu, Trung Quốc xin tị nạn chính trị.
Nghe tin Lyushkov đến Trung Quốc, Berlin cũng cử một sĩ quan tình báo đến Tokyo để thẩm vấn Lyushkov. Ngay lập tức, Moscow mong muốn được biết viên tướng này đã tiết lộ những gì cho người Đức.
Và ngay sau đó, Sorge nhận được lệnh. Không lâu sau, Sorge đã có bản copy báo cáo tối mật của sứ quán. Nhờ vào những bức điện khẩn của Sorge, Moscow đã kịp thời ngăn chặn được hậu quả từ những tiết lộ của Lyushkov.
Sáu tuần sau đó, xung đột Xô - Nhật đã bùng nổ khi Liên Xô muốn bịt lại lỗ hổng ở khu vực biên giới mà Lyushkov đào thoát. Nhóm của Sorge đã nắm được thông tin cho biết, giới lãnh đạo Nhật Bản do bị chi phối bởi cuộc chiến ở Trung Quốc, quyết định không để vụ va chạm này phát triển thành một cuộc xung đột trên quy mô lớn. Vì thế, sau 2 tuần giao tranh, trận đánh Hồ Khasan chấm dứt với việc Tokyo chấp nhận những điều khoản do Moscow đưa ra.
Kịch bản tương tự cũng diễn ra một năm sau đó, trong cuộc chiến không được tuyên bố trước trên biên giới Mông Cổ - Mãn Châu. Quy mô và phạm vi của cuộc chiến này lớn hơn rất nhiều so với trận đánh lần trước, nhưng chiến thắng lại một lần nữa đến với Moscow mà công lớn thuộc về Sorge nhờ những tin tức tình báo mà ông thu thập được.
Sorge cũng chính là người đã cung cấp cho Moscow thông tin về việc Nhật Bản đang cố lôi kéo Đức vào liên minh quân sự chống Liên Xô. Để hóa giải mọi nỗ lực của Nhật Bản, vào tháng 8 năm đó, Liên Xô đã ký với Đức Hiệp ước không xâm lược Đức - Xô.
Các tin tức tình báo mà Sorge chuyển cho Moscow đóng góp rất nhiều vào việc hoạch định chiến lược này, song đó vẫn chưa phải là cống hiến to lớn nhất của Sorge cho Liên Xô.
Một số bức mật điện của Richard Sorge
Đến cuối năm 1940, Sorge thu thập được những tin tức cho thấy, Đức bắt đầu tập trung một lực lượng quân đội lớn ở sát biên giới với Liên Xô. Ngày 28/12, ông gửi lời cảnh báo tới Moscow về nguy cơ diễn ra một cuộc tấn công bất ngờ của phát xít Đức.
Đến đầu tháng 5/1941, Sorge lại thu thập được những tin tức tối mật. Từ những thông tin này, ông tin rằng một cuộc tấn công của phát xít Đức vào Liên Xô là điều khó tránh khỏi.
Sorge đã tổng hợp tất cả những thông tin này trong một bức điện và chuyển nó đi ngày 6/5 với nội dung: “Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh lúc này là rất cao… Phát xít Đức đánh giá khả năng chiến đấu của Hồng quân thấp đến mức lực lượng này sẽ bị tiêu diệt chỉ trong vòng vài tuần”.
Tiếp sau đó, một bức điện nữa ông gửi cho GRU ngày 30/5 có nội dung: “Berlin thông báo cho Ott rằng, cuộc tấn công của Đức sẽ bắt đầu trong khoảng từ giữa đến cuối tháng 6”.
Sau đó, vào ngày 31/5, trung tá Edwin Scholl tiết lộ cho Sorge thông tin có từ 170 đến 190 sư đoàn của Đức sẽ ồ ạt tràn qua biên giới Liên Xô và cuộc xâm lược thực sự sẽ bắt đầu vào ngày 15/6.
Sau một thời gian thẩm định thông tin, vào ngày 1/6, Sorge đã gửi tin tức quan trọng này cho Moscow. Đây có lẽ là báo cáo quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của ông. Tuy nhiên, Moscow lại không đánh giá đúng tầm quan trọng của những bức điện mà Sorge đã rất vất vả mới có được để gửi về.
Mặc dù biết những lời cảnh báo của mình không được đếm xỉa đến nhưng Sorge vẫn cố gắng một lần nữa thức tỉnh Stalin khỏi sự tự mãn. Theo đó, vào 20/6, ông gửi lời cảnh báo có nội dung: "Ott nói với tôi rằng, cuộc chiến tranh giữa Đức và Liên Xô là một điều không thể tránh khỏi. Invest (mật danh của Ozaki) cũng tiết lộ, Bộ Tổng tham mưu Nhật Bản đang thảo luận việc nước này sẽ giữ thái độ như thế nào khi cuộc chiến nổ ra”.
Max Clausen đã chuyển bức điện này vào hôm 21/6. Và thật bất ngờ cho Moscow, cuộc tấn công của Đức bắt đầu vào ngày hôm sau khiến Hồng Quân bị động hoàn toàn. Năm tháng tiếp theo đó thực sự là một thảm họa đối với nước Liên Xô.