Richard Sorge - nhà tình báo vĩ đại nhất mọi thời đại (Kỳ1): Tuổi trẻ và niềm đam mê
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 22:34, 10/08/2015
Richard Sorge với biệt danh là “Ramsay” chính là người đã cứu Moscow khỏi vòng vây của quân đội phát-xít Đức. Thông tin quan trọng của ông đã giúp Stalin kịp thời điều động quân đội từ Sibery về ứng cứu cho mặt trận phía tây. Một nước đi quan trọng giúp lật lại thế cờ và quân đội Hitler vĩnh viễn mất thế chủ động trên chiến trường.
Được mệnh danh là 1 người đào hoa nhưng lắm tài nhiều tật, Richard Sorge (1895) được sinh ra tại Baku, nước Nga. Cha ông là một kỹ sư hầm mỏ người Đức làm việc tại đây. Mẹ ông là người Nga. Sau khi công việc của người cha kết thúc, cả đại gia đình gồm vợ chồng và chín người con trở lại Đức sinh sống.
Sống trong một gia đình có truyền thống yêu nước và bảo vệ Tổ quốc, nên trong ông luôn có một ngọn lửa khát vọng là sống chiến đấu hết mình cho tổ quốc. Năm 1914, Sorge gia nhập quân đội Đức chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ 1. Sorge bị thương nhiều lần trên chiến trường, một vết thương còn khiến ông bị tật nhỏ ở chân trong suốt phần còn lại của cuộc đời.
Richard Sorge
Trong thời gian nằm viện để chữa trị vết thương , Sorge bắt đầu làm quen với chủ nghĩa Marx thông qua đọc sách báo và những người bạn. Một trong những người bạn của Sorge trên thực tế từng làm thư ký cho Karl Marx.
Năm 1919, chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang đi vào những giai đoạn cuối, chủ nghĩa cấp tiến phát triển rất mạnh ở Đức và Sorge ngả theo cánh tả. Cùng năm đó, ông nhận bằng tiến sĩ và gia nhập Đảng Cộng sản Đức.
Sorge tham gia tích cực vào hoạt động tuyên truyền của phe tả trong những người thợ mỏ. Phải thừa nhận rằng, Sorge là người đàn rất có tài. Không những thế ông còn đẹp trai và quyến rũ, rất ít phụ nữ có thể chống lại sức hút của ông.
Trong khi đó, đàn ông thì vừa khâm phục vừa ghen tỵ trước khả năng này của Sorge. Một trong những người phụ nữ đã không thể cưỡng lại ma lực của Sorge, chính là Christiane Gerlach - vợ của một giáo sư, người từng dạy anh.
Sorge đã thuyết phục được vị giáo sư chấp nhận một cuộc chia tay nhẹ nhàng với vợ. Sau đó, Sorge và Christiane kết hôn vào năm 1922, nhưng cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại vài năm.
Nhiều năm sau đó, Christiane Gerlach kể lại cảm giác lần đầu tiên trông thấy Sorge: “Giống như một tia sét đánh ngang người tôi. Từ khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận rằng có điều gì nguy hiểm, u mê, nhưng tôi không thể cưỡng lại được... dường như nó đang tấn công tôi”.
Sau thời gian chia tay với Gerlach, Sorge đã gặp khá nhiều rắc rối với cảnh sát, vì ông công khai ủng hộ phong trào cánh tả.
Năm 1924, ông quyết định rời khỏi nước Đức để đến miền đất hứa mới – nước Nga Xô viết. Ở đó, ông tham gia tổ chức quốc tế mới - Quốc tế Cộng sản và phụ trách công tác quan hệ với các đảng cộng sản nước ngoài.
Năm 1929, ông bắt đầu đảm nhận công việc của một sĩ quan tình báo quân sự và Cục tình báo quân sự Liên Xô (GRU) đã cử ông sang hoạt động ở Trung Quốc. Ông được dạy những kiến thức chính trị, quân sự cũng như những nguyên tắc cơ bản của việc ngụy trang giữ bí mật.
Ông cũng học thêm nhiều thứ tiếng khác như Anh, Pháp và Nga,… để phục vụ công việc của mình. Với vỏ bọc là một nhà báo, ông bắt đầu đi nhiều nơi để thu thập tình hình gửi về cho phía Nga.
Katya Maximova
Sau ba năm hoạt động gián điệp thành công ở Trung Quốc, Sorge trở lại Moscow năm 1933. Vốn là người có ma lực quyến rũ đàn bà, Sorge lao vào cuộc tình với một sinh viên đang theo học chuyên ngành sân khấu là Katya Maximova và họ nhanh chóng kết hôn trong năm đó.
Nhưng ngay sau đó, ông được cử sang Nhật Bản. Nhiệm vụ của Sorge là thành lập một mạng lưới gián điệp hoạt động ở Nhật Bản và tìm hiểu ý định của phát xít Nhật đối với Liên Xô.
Sorge sang Nhật trong vỏ bọc phóng viên. Một tờ báo tại đây đã đồng ý nhận ông làm cộng tác viên. Ông được giới thiệu với một sĩ quan quân đội của phát xít Đức - Đại tá Eugen Ott, tùy viên quân sự mới của Đức ở Tokyo.
Tại đây, những bài báo của ông đã chứng tỏ ông là một chuyên gia am hiểu về Nhật Bản. Ông cũng tham gia đảng phát xít. Theo cách này, ông đã có cơ hội tiếp cận sứ quán Đức, nơi mà các nhà ngoại giao, kể cả Đại sứ Đức ở Nhật Bản lúc bấy giờ là Herbert von Dirksen, cũng phải bàn luận về các ý kiến và phân tích của ông.