Tên cướp huyền thoại Salvatore Giuliano - Kỳ 2: Con người nghĩa hiệp
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 13:43, 11/07/2015
Huyền thoại “Robin Hood xứ Sicily” bắt đầu nổi lên từ những hành động nhỏ, đó là băng nhóm của ông không động đến người nghèo, thậm chí những thuộc hạ dưới sự chỉ đạo của ông đã nhét tiền vào dưới cửa nhà của người già ốm yếu.
Giuliano còn cho tiền trẻ con nghèo và có lần ông bực mình tới mức sai thuộc hạ bắn chết một cảnh sát vì đã trấn lột tiền của một đứa trẻ.
Vào năm 1943, khi chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra khắp châu Âu. Hậu quả của cuộc chiến này là tình trạng đói nghèo, thiếu thốn, vô chính phủ và tranh giành để sinh tồn. Đặc biệt, không ở đâu mà hậu quả chiến tranh lại thể hiện rõ ràng như ở Sicily. Kể cả khi hòn đảo này được giải phóng khỏi sự thống trị của chế độ phát xít, tình hình vẫn còn rất khó khăn.
Lúc này, ông phát động dân quanh vùng chặn cướp các xe bánh mì, phá kho thóc và phân phát cho các gia đình đang bị thiếu ăn trong làng. Nông dân ở các làng quanh Montelepre, ai cũng thuộc lòng những câu chuyện này và coi Giuliano là thần tượng của chính nghĩa, một "Robin Hood" ngoài đời thực.
Giuliano là thần tượng của chính nghĩa, một "Robin Hood" ngoài đời thực.
Trong khi giới nhà giàu sợ hãi mỗi khi nhắc tới ông thì dân làng Montelepre hết lòng ủng hộ Giuliano và từ chối cung cấp thông tin cho cảnh sát.
Rất nhiều câu chuyện liên quan tới ông, nhưng giai thoại nổi tiếng nhất về ông phải kể đến đó là vụ cướp tài sản của nữ công tước xứ Pratemeno.
Theo những câu chuyện kể lại, được truyền qua tai rất nhiều người. Thì ngày hôm đó, Giuliano đi vào phòng khách của nữ công tước, lịch sự diện kiến trước mặt bà rồi tiến đến tháo hết đồ nữ trang. Sau khi trở về, Giuliano cúi xuống hôn tay nữ công tước một cách trân trọng.
Khi quay ra, Giuliano trông thấy một cuốn sách trên ghế sôpha. Nó là bản dịch của cuốn sách trong trận đánh Dubious của nhà văn John Steinbeck. Ông ngỏ ý muốn mượn cuốn sách đó và nói: Không giống như số nữ trang, tôi sẽ trả lại bà cuốn sách này. Và đúng một tháng sau, ông quay trả lại cuốn sách và không quên viết thêm mấy dòng vào cuốn sách…
Đầu năm 1946, Sicily luôn ở trong tình trạng bất ổn. Khi đó, chế độ phát xít đã không còn nữa. Nước Ý một lần nữa được thống nhất, nhưng Sicily vẫn luôn là một vùng đất bị lãng quên và bị chính quyền trung ương bóc lột.
Người ta hiểu rằng, ở Sicily, mọi hoạt động chính trị đều dính dáng đến mafia với các ông trùm. Đặc biệt, tình hình chính trị ở Sicily còn trở nên phức tạp hơn khi trong vùng bắt đầu xuất hiện những lãnh chúa - những người sở hữu trong tay số lượng lớn ruộng đất và thuê nông dân làm việc như dưới chế độ nô lệ.
Từ đó, Giuliano nhận ra rằng, nếu chỉ cướp bóc đơn thuần thì sẽ không tồn tại được lâu. Vì vậy, từ trộm cướp, Giuliano mở rộng hoạt động sang một lĩnh vực hoạt động màu mỡ hơn đó là, bắt cóc đòi tiền chuộc.
"Con mồi" của Giuliano thường là những nam giới giàu có khỏe mạnh
Băng nhóm của Giuliano không bao giờ nghĩ đến việc bắt cóc trẻ con, người nghèo, kẻ ốm yếu hay phụ nữ mà "con mồi" thường là những nam giới giàu có, khỏe mạnh.
Gia đình của kẻ bị bắt cóc được thông báo về mức tiền chuộc, số lượng tiền chuộc có thể được thỏa thuận. Thường là vài triệu lia (tỉ giá giữa đồng đô la Mỹ và đồng lia của Ý tại thời điểm bấy giờ là gần 600 lia đổi 1 USD). Do đó, số tiền chuộc trong mỗi vụ là khoảng 50.000 đô la Mỹ).
Tổ chức của Giuliano hoạt động tuân theo những quy tắc nhất định. Giuliano đối đãi rất tử tế với những người bị bắt cóc, họ được bố trí nơi ở đầy đủ, được cho ăn uống tử tế, được đọc sách và giải trí. Nhiều nạn nhân sau khi trở về miêu tả lại Giuliano là một người lịch lãm phong độ, ăn nói nhã nhặn, rất thích đọc sách.
Trước sự tung hoành của Giuliano, chính quyền tuyên bố treo giải thưởng cho người nào bắt được Giuliano. Nhưng không ai dám làm như vậy, bởi bất cứ kẻ phản bội hay âm mưu tiêu diệt Giuliano đều bị bắn chết, còn xác được đặt trước sở cảnh sát kèm theo một lá thư đe dọa đáng sợ.
Không những thế, Giuliano còn ngạo mạn hơn khi dám đưa ra tiền thưởng khổng lồ cho ai lấy được đầu những người chủ chốt trong bộ máy chính quyền.