Những nhà báo lừng danh thế giới - Kỳ 3: Martha Ellis Gellhorn - Bóng hồng trong bom đạn
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 09:08, 17/06/2015
Martha Ellis Gellhorn (08/11/1908 – 15/2/1998) là tiểu thuyết gia, nhà văn du lịch, ký giả người Mỹ gốc Đức. Trong suốt 60 năm sự nghiệp của mình, người phụ nữ cứng cỏi này đã để lại một kho tư liệu đồ sộ về các cuộc chiến tranh, xung đột lớn trên thế giới.
Martha Gellhorn sinh ra ở ở St Louis, miền Tây nước Mỹ. Cha bà là một bác sĩ, còn mẹ là một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực đấu tranh vì nữ quyền.
Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà tường, bà đã từng làm thơ và viết truyện ngắn. Năm 1926, sau khi tốt nghiệp trường trung học John Burroughs ở St Louis và ghi danh theo học tại Bryn Mawr College ở Philadelphia.
Nhưng vào năm 1927, bà tạm ngừng học trước khi tốt nghiệp để theo đuổi sự nghiệp nhà báo. Martha quyết định sẽ chinh phục thế giới bằng ngòi bút và nuôi ước nguyện sẽ trở thành một nhà văn lớn.
Martha quyết định sẽ chinh phục thế giới bằng ngòi bút của mình
Martha đã có vài năm làm phóng viên chuyên viết ký sự pháp đình tại Mỹ, nhưng khát vọng được ngao du đã vẫy gọi Martha khiến bà xách vali lên đường sang Pháp trong hai năm. Tại đây, bà làm việc cho hãng thông tấn UPI (United Press International) danh tiếng. Song song với việc viết báo, bà còn đảm trách nhiệm vụ của một nhà hoạt động hòa bình.
Sau đó, Martha trở về Mỹ và trở thành nhà điều tra của Cục Quản lý Cứu trợ Khẩn cấp Liên bang. Cũng từ đó, ngòi bút của bà gắn liền với những biến động quan trọng của lịch sử nước Mỹ. Chẳng hạn cảnh dân chúng chết đói, không nhà cửa trong cuộc đại khủng hoảng tại Mỹ với tác phẩm “The trouble i've seen” (Thời khủng hoảng như tôi thấy) năm 1936.
Không lâu sau, bà tới Đức. Ở đây, bà tường thuật sự trỗi dậy của Adolf Hitler và chủ nghĩa Phát xít. Trong thế chiến thứ II, Martha Ellis Gellhorn tiếp tục xuất hiện trên khắp các chiến trường châu Âu, chứng kiến các cuộc đổ bộ đẫm máu và miêu tả chúng trong các thiên phóng sự chân thực, đầy xúc động.
Bà viết: “Đằng sau những hàng rào kẽm gai và hàng rào điện, những bộ xương người ngồi dưới ánh mặt trời. Họ không có tuổi và không có mặt…”. Chiến trường là nơi chết chóc, là nơi đẫm máu của kẻ thù cũng như những người lính vô tội. Đó là nơi chẳng ai muốn đặt chân đến. Thế nhưng một người phụ nữ bé nhỏ, chân yếu tay mềm như Martha lại bất chấp hiểm nguy, xông pha trên các mặt trận để vạch rõ bộ mặt của chiến tranh.
Martha Ellis Gellhorn được mệnh danh là một trong những nữ phóng viên chiến trường vĩ đại nhất của thế kỷ 20
Hình tượng và phong cách làm việc của Martha Ellis Gellhorn được cho là đã mở đường cho nhiều phụ nữ khác muốn trở thành phóng viên chiến trường. Nữ nhà báo Martha đặc biệt quan tâm đến những nạn nhân chiến tranh và những ai phải chiến đấu để sống sót. Bà tránh và hiếm khi viết về các lãnh đạo quân sự, thay vào đó bà tiếp cận các quân nhân để tìm hiểu đời sống và câu chuyện của họ.
Martha Ellis Gellhorn từng tâm sự: “Báo chí chính là đời học tập của tôi. Viết chính là trả giá cho cơ hội được nhìn thấy và học tập”. Bà theo đuổi con đường viết báo cho tận năm 1992 khi bà đã 84 tuổi.
Ở tuổi 80, bà là một trong những nhà báo can trường nhất khiến nhiều người phải kinh ngạc khi vẫn cương quyết vác balô ra mặt trận. Trong hơn 60 năm sự nghiệp báo chí, người phụ nữ dũng cảm và thông minh này đã trở thành nhân chứng lịch sử của gần như tất cả các cuộc chiến tranh lớn nhỏ thời bấy giờ
Bà chỉ hoàn toàn ngừng viết khi bị mù sau một ca phẫu thuật. Martha chia sẻ rằng, bà không sợ tuổi già, bởi những ai cảm thấy tuổi già là khủng khiếp chính là người đã không sống với những gì họ muốn trong cuộc đời.
Martha Gellhorn là 1 người vợ tự hào của nhà văn Hemingway
Không chỉ là nhà báo của những người lính, bà còn là 1 người vợ tự hào của nhà văn Hemingway. Martha Ellis Gellhorn là vợ thứ ba của nhà văn Mỹ nổi tiếng Ernest Hemingway kể từ năm 1940 đến 1945.
Tuy cuộc tình chỉ kéo dài vài năm, nhưng đã để lại cho cả hai những hồi ức đẹp và một tình yêu ngọt ngào. Nhà văn Hemingway từng đùa rằng, bà Martha vợ ông quá say mê công việc và thích ra chiến trường hơn là ở bên cạnh ông. Mặc dù trách móc bà bỏ mặc mình, không dành nhiều thời gian cho chồng nhưng trong mắt đại văn hào Hemingway, bà là một nữ anh hùng.
Sau khi ly hôn, hai người vẫn là bạn của nhau và luôn dành cho nhau những lời có cánh nhất. Nhà văn nổi tiếng của nước Mỹ cũng rất lấy làm tự hào khi từng chiếm được trái tim của “bóng hồng” trên chiến trường.
Được biết quyển tiểu thuyết lừng danh “Chuông nguyện hồn ai” (1940) là tác phẩm Hemingway viết dành tặng cho vợ mình Martha. Quyển sách này được nhiều người đón đọc và rất nổi tiếng sau đó như chính cuộc đời của Martha Ellis Gellhorn.