Vụ cướp ngân hàng hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Mỹ - Kỳ 3: Chứng cớ ngoại phạm

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 09:10, 03/06/2015

Dù hàng ngàn manh mối và thông tin đều dẫn đến ngõ cụt nhưng nhờ đó, FBI cũng dần dần siết chặt vòng vây quanh những nghi can chủ chốt.

Thế giới ngầm cho rằng, vụ cướp ngân hàng Brink mang “thương hiệu” của Anthony Pino, một kẻ từng là nghi can chính trong vô số vụ trộm cướp lớn ở bang Massachusetts.. FBI đã thẩm vấn Pino, xem hắn ở đâu vào thời điểm xảy ra vụ cướp và hắn có bằng chứng ngoại phạm khá vững.

Vụ cướp ngân hàng hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Mỹ - Kỳ 3: Chứng cớ ngoại phạm

Anthony Pino, một kẻ từng là nghi can chính trong vô số vụ trộm cướp lớn ở bang Massachusetts

Hắn cho biết đã ở nhà cho đến gần 19h, ngày 17/1/1950, rồi đi bộ tới cửa hàng rượu của Joseph McGinnis gần nhà ở khu Roxbury, Boston. Ở đây, hắn đã nói chuyện với McGinnis và một cảnh sát Boston.

Có vẻ bằng chứng ngoại phạm này mạnh, nhưng không đủ. Viên cảnh sát cho biết anh ta nói chuyện với McGinnis trước, sau đó Pino mới đến và tham gia cuộc tán gẫu. Bản thân chủ quán rượu McGinnis cũng được coi là một kẻ có máu mặt trong thế giới ngầm ở Boston. Hắn từng bị kết án vài lần trước đó.

McGinnis có khả năng lên kế hoạch và thực hiện vụ cướp ngân hàng Brink. Hắn ta cũng rời nhà trước 19h tối hôm đó và đã gặp viên cảnh sát nọ ở cửa hàng của mình.

Nhưng một giả thiết được đưa ra là, nếu Pino và McGinnis có tham gia, bọn chúng cũng không bao giờ thực hiện một vụ cướp nguy hiểm như vậy nếu không có những trợ thủ đắc lực. Hai trong số những nghi phạm được cho là trợ thủ của hắn là Joseph James O’Keefe và Stanley Albert Gusciora. Hai kẻ này có quan hệ với Pino trước vụ cướp.

Cả hai đã bị cảnh sát Boston thẩm vấn sau vụ cướp và không có bằng chứng ngoại phạm thuyết phục. O’Keefe kể rằng, hắn ta rời phòng khách sạn lúc khoảng 19h ngày 17/1/1950 và uống rượu tại một quán ở Boston. Gusciora cũng khai là đang uống rượu vào thời điểm đó.

Hai nghi phạm này đặc biệt được lưu ý khi cảnh sát phát hiện ra các mảnh vụn chiếc xe Forb ở khu vực Stoughton - nơi mà gia đình O’Keefe và Gusciora sinh sống gần đó. Tuy nhiên, khi lục soát nhà hai tên này, cảnh sát lại không tìm thấy bằng chứng cho thấy chúng liên quan tới chiếc xe tải và vụ cướp.

Vụ cướp ngân hàng hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Mỹ - Kỳ 3: Chứng cớ ngoại phạm Vụ cướp ngân hàng hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Mỹ - Kỳ 3: Chứng cớ ngoại phạm

Joseph James O’Keefe và Stanley Albert Gusciora.

Tháng 4/1950, FBI nhận được tin nói rằng, một phần tiền bị cướp ở ngân hàng Brink đang được giấu tại nhà một người họ hàng của O’Keefe ở Boston. FBI tìm thấy vài trăm USD giấu trong nhà này, nhưng không thể xác định đó là tiền lấy từ đâu. Tuy nhiên, hai tên này cũng bị bắt khi đang ở Pennsylvania hai tháng sau đó, khi đang mang theo mấy khẩu súng cướp được từ một vụ khác ở hạt McKean.

Sau khi bị bắt, dù tìm nhiều cách, nhưng O’Keefe và Gusciora không được bảo lãnh. O’Keefee bị tù ba năm ở nhà tù hạt Bradford và bị phạt 3.000 USD vì vi phạm luật vũ khí. Gusciora cũng phải ngồi “bóc lịch” giống đồng phạm. Trong khoảng thời gian giữa năm 1950 và 1954, có tin đồn rằng, các tay anh chị thế giới ngầm Boston đang tìm cách gom tiền án phí cho O’Keefe và Gusciora để kháng cáo.

Mặc dù thiếu bằng chứng và nhân chứng, nhưng cảnh sát gần như tin chắc rằng, O’Keefe và Pino là hai trong những nhân vật trung tâm của vụ cướp ngân hàng Brink. Và khi ngồi tù, O’Keefe cảm thấy rằng, mình đã bị Pino trở mặt. Thế nhưng, khi bị thẩm vấn, O’Keefe và Gusciora một mực khẳng định chúng vô tội.

Với hi vọng mối bất hòa giữa hai tên đang ngồi tù và đồng bọn đang nhởn nhơ tự do hưởng thụ số tiền cướp được bên ngoài ngày càng tăng, nên đặc vụ FBI kiên nhẫn chờ đợi và thường xuyên ghé thăm bọn chúng trong tù. Họ mong rằng, vì bất mãn với đồng bọn mà chúng sẽ hở ra điều gì đó.

Cùng lúc đó, FBI cũng lần theo các tin đồn trong thế giới ngầm và phát hiện ra nhiều tên có thể là thành viên băng cướp như Adolph “Jazz” Maffie. Tên này không thể khai cụ thể hắn ở đâu trong khoảng thời gian xảy ra vụ cướp. Hay Henry Baker, một tên tội phạm cũng từng vào tù ra tội khác ở Massachusetts. Hắn khai là đã đi loanh quanh khu vực gần nhà từ 19h đến 21h ngày 17/1/1950, không gặp ai và không dừng tại địa điểm nào.

Qua phân tích lời khai của nghi phạm, FBI nhận thấy một điều rằng, các nghi phạm thường xuyên nhắc đến thời điểm 19h ngày 17/1/1950. Do vụ cướp xảy ra trong khoảng thời gian từ 19h10' đến 19h27', nên rất có thể băng cướp đã sắp xếp gặp một người nào đó tại một thời gian cụ thể, để hòng xây dựng chứng cớ ngoại phạm qua mặt cảnh sát.

Việc chúng tìm cách tạo ra chứng cớ ngoại phạm vào sát giờ xảy ra vụ cướp đến từng phút, nhằm che giấu hành vi phạm tội đến phút chót. FBI khẳng định, đã tìm ra đúng nghi phạm vụ cướp nhưng vấn đề là họ thiếu bằng chứng và nhân chứng.

Sau nhiều năm nỗ lực điều tra, cuối cùng điều FBI muốn cũng đã xuất hiện...

Hà Kim