Xã hội hóa để tăng chất lượng dịch vụ khám và chữa bệnh

Chính trị - Ngày đăng : 08:00, 17/06/2012

Ngày 16-6, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe Bộ Y tế giải trình về xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, phiên giải trình của Bộ Y tế sẽ là cung cấp thông tin về việc tổ chức xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; nêu ra những khó khăn, thách thức trong quá trình xã hội hóa để từ đó tìn ra giải pháp hiệu quả thực hiện xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh thời gian tới.

Bộ Y tế và các địa phương đã tập trung thực hiện chính sách xã hội hóa trên 3 nội dung chủ yếu là Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng ngân sách cho ngành Y tế, đồng thời tạo cơ chế để các cơ sở y tế công lập huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân; huy động các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập; mỗi người dân đều có trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, thông qua việc tham gia bảo hiểm y tế hoặc chi trả chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng và đa dạng, khoa học kỹ thuật về y tế phát triển mạnh, đòi hỏi nhu cầu đầu tư cho y tế ngày càng lớn. Do ngân sách có hạn, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư cho y tế. Kết quả đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc quan tâm đầu tư cho y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã chú ý, quan tâm đến việc huy động các nguồn lực xã hội, ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, từng bước nâng cao số lượng cũng như chất lượng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…

Xã hội hóa để tăng chất lượng dịch vụ khám và chữa bệnh

(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Việc thực hiện xã hội hóa và tự chủ bệnh viện qua thời gian triển khai đã đạt được một số mặt tích cực. Việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các đơn vị trong việc huy động vốn để có trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên qua thực hiện, một số bệnh viện có xu hướng chỉ quan tâm đến khoa, phòng, lĩnh vực có thu hoặc tập trung kinh phí và nhân lực vốn đã hạn hẹp để phát triển khu dịch vụ theo yêu cầu; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là một số trang thiết bị chẩn đoán, kỹ thuật cao…

Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng ngân sách cho y tế, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong đó tăng ngân sách chi đầu tư phát triển cho y tế từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ để xây dựng thêm cơ sở, bước đầu xây dựng cơ sở 2 của một số bệnh viện đầu ngành, kỹ thuật cao để tăng số giường bệnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tăng chi thường xuyên cho vùng miền núi, khó khăn; cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm kinh phí để mua thẻ hoặc hỗ trợ một số đối tượng mua thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời đề nghị cho phép các cơ sở y tế công lập được tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa để vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết; tiếp tục cho phép các cơ sở y tế được huy động vốn liên doanh, liện kết để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị để hoạt động dịch vụ nhưng phải xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền thẩm định.

Về giá dịch vụ y tế, Bộ đề nghị được thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ mà Bộ Y tế đã trình Chính phủ, đồng thời có lộ trình nâng mức đóng bảo hiểm y tế để bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, đề nghị được thu theo giá dịch vụ tính đầy đủ các yếu tố chi phí để giải quyết cơ bản việc tồn tại giữa giá dịch vụ xã hội hóa và do ngân sách bảo đảm, góp phần thúc đẩy người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế phải tham gia bảo hiểm y tế…

Phó Chủ tịch Hội kinh tế y tế Việt Nam Lý Ngọc Kính khẳng định, hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh khá đầy đủ, tuy nhiên một số chính sách còn nhiều bất cập trong việc thực hiện xã hội hóa công tác khám chữa bệnh, đó là do chưa minh bạch tài chính, tài sản công và tư trong các hoạt động xã hội hóa của bệnh viện công nên dễ sai phạm trong quá trình quản lý tài chính, dễ xảy ra tiêu cực trong liên doanh, liên kết, trong đấu thầu thuốc… Phương thức chi trả dịch vụ y tế hiện nay trong cơ chế tự chủ tài chính và áp lực phải thu hồi vốn nhanh trong liên doanh, liên kết… sẽ dẫn đến tình trạng dễ lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao gây thiệt hại cho người bệnh và mất cân đối Quỹ bảo hiểm y tế. Một số ít bệnh viện áp dụng biện pháp khoán thu cho các khoa sẽ làm tăng xu hướng lạm dụng, nhận bệnh nhân không đúng tuyến; tăng bệnh nhân điều trị nội trú không hợp lý… gây quá tại bệnh viện. Từ thực trạng này, đại biểu đề xuất sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xã hội hóa trong các bệnh viện công. Thời gian tới cần tăng cường xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực y tế để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nguồn nhân lực y tế hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Thanh cho rằng, cần làm rõ và thống nhất nhận thức về chủ trương xã hội hóa y tế. Xã hội hóa không chỉ là việc thành lập nhiều cơ sở y tế ngoài công lập, không chỉ là việc tăng thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh mà cần quan tâm nhiều hơn tới thu hút nguồn lực xã hội, nguồn lực của nhân dân cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Bằng chủ trương và các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước để khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế bỏ vốn, bỏ nguồn lực, trí tuệ vào dịch vụ y tế; tăng giá dịch vụ phải tương xứng với chất lượng dịch vụ…

Quỳnh Hoa