Những vụ kiện tụng oái oăm nhất
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 07:05, 06/03/2015
Khi họ không thể tự giải quyết được những mâu thuẫn đó, con đường duy nhất là đưa nhau ra tòa. Các cụ vẫn có câu “bé xé ra to”, những chuyện tưởng chừng như ngớ ngẩn và cực kỳ đơn giản nhưng lại có thể trở thành những vụ kiện lớn làm đau đầu các luật sư và những người cầm cân nẩy mực.
Walt Disney bị kiện vì đánh cắp ý tưởng
Bộ phim Frozen của hãng phim Walt Disney kể về một nàng công chúa nhỏ nhắn và “không biết sợ”. Bạn của cô là anh chàng người tuyết, một chú tuần lộc trung thành và một người chị - người có khả năng làm băng giá mọi thứ, bỗng vô tình bị kẹt trong vương quốc mùa Đông. Frozen được công bố là lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ tích The Snow Queen của Hans Christian Andersen.
Tuy nhiên, nữ nhà văn Isabella Tanikumi, tác giả của cuốn tự truyện Living The Truth đã gửi đơn khiếu nại công ty Walt Disney cáo buộc công ty này ăn cắp câu chuyện cuộc đời cô để làm nên Frozen. Tanikumi viết cuốn Living The Truth năm 2010 về thời thơ ấu và lớn lên của cô tại dãy Andean ở Peru. Bà cho biết, Frozen đã sao chép y hệt tác phẩm của bà. Có những 18 điểm tương đồng, từ bối cảnh, cảm xúc nhân vật cho đến mối quan hệ giữa hai chị em, kể cả hình ảnh “đưa tay lên trời với những bông tuyết”.
Frozen được cho là lấy cắp ý tưởng từ cuốn tự truyện Living The Truth
Luật sư của Tanikumi - William T. Anastasio - xác nhận với E!News rằng bà đã ủy quyền cho luật sư đệ trình đơn lên tòa án ngày 22/9/2014. Bên cạnh đó, Tanikumi không muốn trả lời phỏng vấn lúc này nhưng hứa sẽ cung cấp thêm thông tin về vụ việc. Ngược lại, bên phía Walt Disney chưa có bất cứ phản hồi nào.
Khán giả kiện Ban tổ chức vì giá vé quá đắt
Một người đàn ông tên là Josh Finkelman ở bang New Jersey, Hoa Kỳ đã kiện Liên đoàn bóng bầu dục quốc gia (NFL) về việc định giá vé bán giải đấu Super Bowl diễn ra tại sân vận động MetLife ở East Rutherford, New Jersey. Ông cho biết, NFL chỉ có 1% lượng vé được bán ra đúng với giá trị thực của nó. Điều đó đồng nghĩa với những nghĩa hầu hết các fan phải mua vé xem các trận đấu trên thị trường thứ cấp và giá trị của những tấm vé lúc này có thể lên tới vài nghìn đô.
Với lý do này, Finkelman đệ đơn lên Tòa án liên bang Newark hôm 6/1/2014, kiện NFL với tội danh lừa gạt. Luật sư Bruce Nagel cho biết, NFL có thể mất hàng trăm triệu đô tiền đền bù. Tuy nhiên, phía bên NFL vẫn đang xem xét. Họ cho biết, ¾ lượng vé sẽ được chia cho các đội để họ bán chúng cho người hâm mộ, tất nhiên là với giá trị thực được in trên vé.
Một báo cáo khảo sát vào tháng 9 vừa qua của NFL cho thấy, có khoảng 9.000 chỗ ngồi đặc biệt , giá vé lên tới 2.600 đô cho trận đấu vào ngày 2/2/2014 tại sân vận động Metlife ở Easr Rutherford, New Jersey. Cao gấp đôi so với giá vé mùa giải trước tại New Oleans (1.250 đô). Những ghế trung bình có giá 1.500 đô, cao hơn mùa trước 550 đô. Và chỉ có khoảng 40% số vé có giá dưới 1.000 đô. Trong khi đó, giá vé cho mùa giải đầu tiên của giải đấu Super Bowl vào năm 1976 chỉ có 12 đô.
Kiện công ty vì không muốn đi làm vào giờ cao điểm
Bà Andrea Degerolamo, làm việc tại Tập đoàn tài chính Fulton từ năm 2007 với vị trí là nhân viên tư vấn tiếp thị. Do tình hình sức khỏe, tháng 8/2012 bà phải xin tạm nghỉ và sau đó quay trở lại làm vào tháng 11 năm đó. Nhưng, bà đã gửi tới công ty mình một đơn đề nghị với yêu cầu xin làm vào lúc “sau giờ cao điểm buổi sáng và về trước giờ cao điểm của buổi chiều”. Với lý do, đường phố đông đúc tấp nập sẽ khiến bệnh tình của bà nặng thêm, vì vậy bà xin đổi giờ làm để tránh tham gia giao thông vào giờ cao điểm.
Tuy vậy, tới tháng 5/2013, bà Andrea bị Tập đoàn tài chính Hulton sa thải. Andrea đã quyết định kiện lại tập đoàn này về việc phân biệt đối xử để lấy lại danh dự. Trong đơn kiện, Andrea lập luận rằng, Tập đoàn Hulton đã thay đổi lịch trong một thời gian ngắn nhưng họ thường tỏ ra khó chịu với bà. Và Degerolamo cảm thấy rằng bà dường như đang phải làm một công việc thấp hơn trình độ của mình.
Vụ kiện chấm dứt vào 17/5 vừa qua và tập đoàn Hulton chỉ phải kiểm điểm đạo đức, còn bà Andrea thua kiện.
Bị kiện vì chơi đàn quá nhiều
Laia Martin một nghệ sĩ dương cầm người Tây Ban Nha bị người hàng xóm cũ của cô kiện vì chơi đàn quá nhiều.
Laia Martin và Sonia Bosom cùng sinh sống trong một khu nhà tập thể ở thành phố Puigcerda, Tây Ban Nha. Trong đơn kiện, Bosom cho biết, cô đã phải chịu đựng tiếng ồn từ cây đàn piano của Martin suốt 4năm từ 2003-2007, mối ngày 8 tiếng và mỗi tuần 5 ngày như thế. Sau đó, vì không chịu nổi nữa, bà đã phải chuyển đi nhưng những hậu quả sau 4 năm chịu đựng tiếng ồn đã khiến bà mắc phải một số chứng bệnh tâm lý. Thêm vào đó, trước tòa bà Bosom cho hay, giờ đây bà vô cùng ghét tiếng đàn piano, ghét đến mức bà không thể chịu nổi dù chỉ nhìn thấy cây đàn hoặc nghe một đoạn nhạc dương cầm ngắn trong một bộ phim nào đó.
Trước tòa, Martin phủ nhận tất cả và cho rằng, cô không thể ở nhà nhiều như thế. Cô lập luận, cô thường xuyên phải đi học và chỉ tập đàn vào cuối tuần. Còn các chuyên gia âm thanh khẳng định việc tiếng ồn phát ra từ cây đàn piano vượt quá mức giới hạn một chút cũng không gây ảnh hưởng gì nhiều tới cuộc sống thường nhật của gia đình Bosom. Hơn nữa, vào ban ngày, sẽ có rất nhiều tiếng ồn còn lớn hơn tiếng đàn vọng lên từ căn hộ nhà Martin.
Tuy vậy, kết quả khám nghiệm y khoa cho thấy quả thực bà Bosom có một số chứng bệnh tâm lý như mất ngủ thường xuyên, lo lắng thái quá, dễ bị hoảng loạn… Gia đình bà Bosom đã phải dọn nhà đi vào năm 2007 nhưng các chứng bệnh tâm lý vẫn kéo dài, khiến bà dần giảm năng suất lao động.
Với hành động gây ô nhiễm môi trường âm thanh, Martin có thể phải đối mặt với án tù 7 năm rưỡi và bị phạt 10.800 euro không những thế, cô có thể bị cấm không được dùng đàn piano trong vòng 4 năm vì “không có đạo đức của người làm nghề”. Đây được coi là một trong những vụ kiện tụng kỳ lạ và có phần hài hước nhất trong lịch sử các vụ kiện tụng ở Tây Ban Nha.
Đòi bồi thường 2 tỷ tỷ tỷ tỷ USD vì chó dại cắn vào ngón trỏ
Trong đơn kiện dài 22 trang viết tay gửi lên Tòa án liên bang ở Manhattan, ông Anton Purisima, 62 tuổi đã kiện một loạt các cơ quan, cá nhân có liên quan như cửa hàng đồ ăn nhanh của Au Bon Pain, Trung tâm Y tế Đại học Hoboken, cửa hàng bán lẻ Kmart, Phòng cấp cứu St Luke, thành phố New York, Cơ quan giao thông thành phố New York, ban quản trị sân bay LaGuardia... Theo ông Anton, các đơn vị này có liên quan tới vụ việc một con chó nhiễm bệnh dại trên xe buýt công cộng cắn đứt ngón tay giữa của ông. Không những thế, ông còn kiện một cặp vợ chồng người Trung Quốc vì chụp ảnh trái phép ông khi ông đang điều trị tại bệnh viện.
Với hàng loạt những cáo buộc như việc ông bị vi phạm quyền dân sự, bị gây thương tích cá nhân, phân biệt đối xử về xuất xứ quốc gia, trả thù, sách nhiễu, lừa đảo, âm mưu giết người, cố ý gân thương tích, cố ý gây cảm xúc buồn bực và âm lưu lừa đảo và rất nhiều bị cáo trong vụ việc, ông Purisima đã yêu cầu khoản bồi thường lên đến 2.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000 USD (36 số 0 tương đương số tiền là 2 tỷ tỷ tỷ tỷ USD). Số tiền này thậm chí còn lớn gấp cả tỷ lần tổng lượng tiền mặt hiện có trên thế giới.
Ông Purisima đã từng kiện Chính phủ Trung Quốc, một vài ngân hàng lớn tại Mỹ, Ủy ban An sinh Xã hội và nhiều tổ chức lớn khác. Tuy vậy, có vẻ như ông chưa gặp may mắn vì ông chưa thắng một vụ kiện nào.
Ra Tòa đòi phí “phục vụ” chồng
Cũng góp vào chuyện những vụ kiện kỳ quặc nhất năm 2014, ở Việt Nam có chuyện vợ chồng ly hôn, nhưng người vợ yêu cầu Tòa tuyên buộc ông chồng phải trả phí "phục vụ" những năm chung sống. Cụ thể là: Vào tháng 4 vừa qua, TAND quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận đơn ly hôn của bà H, bị đơn là ông T - chồng bà.
Trong đơn ly hôn, bà H trình bày, vợ chồng bà kết hôn từ năm 1988 và đã có hai người con chung đều trưởng thành cả. Trong quá trình chung sống, hai vợ chồng thường hay mâu thuẫn. Chồng bà hay ghen tuông, đánh đập ngay cả khi bà mang thai và mới sinh con xong được mấy ngày. Không những thế, ông còn không chu cấp đủ tiền cho bà để đảm bảo cuộc sống hàng ngày khiến bà một mình nuôi con, sửa chữa căn nhà, trang trải cuộc sống trong suốt 26 năm. Tệ hơn nữa, bà H còn dẫn chứng, 26 năm là bằng đó thời gian bà “phục vụ” ham muốn của chồng, nhiều khi không đáp ứng được, bà bị chồng hắt hủi, chửi bới.
Hai vợ chồng bà không có tài sản chung, chỉ có căn nhà nhỏ của bố mẹ chồng và không có giấy tờ nhà đất nên bà không tranh chấp. Thay vào đó, bà đòi khoản phí “phục vụ” chồng. Theo tính toán của bà, ông phải trả cho bà mỗi tháng 2 triệu đồng trong 26 năm sống chung tổng cộng là 624 triệu đồng. Về tiền chăm sóc chồng, chăm sóc con và tiền bà bỏ ra để sửa nhà… Do không có hóa đơn và giá cụ thể nên bà yêu cầu ông phải trả 500 triệu đồng.
Đây là lần thứ 5 bà đưa đơn ly dị ra Tòa, những lần trước gia đình bà đã được chính quyền địa phương can thiệp, hòa giải. Tuy nhiên, trong lần này, bà H kiên quyết đòi ly hôn bằng được. Nhưng, theo Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), xét cả quy phạm pháp luật lẫn quy phạm xã hội đều không chấp nhận loại giao dịch cho “tiền quan hệ tình dục giữa vợ chồng”, kể cả chi phí chăm sóc chồng, con cũng không được chấp nhận. Một vị Thẩm phán TAND quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, đây là vụ án có một không hai mà ông từng gặp.